Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Sống màn trời chiếu đất ở Sài Gòn: Người có hoàn cảnh éo le, kẻ chơi bời trác táng

19:26 | 04/01/2019

755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày cuối năm, gió thổi thốc, lạnh thấu xương. Có những phận đời không nhà, co ro trong một góc tối ở vỉa hè, trằn trọc mong trời mau sáng… "Trời năm nay lạnh quá, không ngủ được", đó là câu than nhói lòng của những người chúng tôi tiếp xúc.

Đêm của người vô gia cư vốn dài thẳm thẳm. Giữa trời lạnh rét, đêm càng thêm vô tận, khó tìm được giấc ngủ.

Những phận đời cũng phải cố chợp mắt một chút, giữa tiếng ồn ào của xe cộ, bị muỗi đốt và chập chờn những nỗi lo toan. Sáng mai, họ lại thêm một ngày lang thang, mưu sinh bằng đủ thứ nghề tận cùng của xã hội, thu nhập kém.

Sài Gòn 1 giờ sáng. Trời càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp. Trời lạnh lẽo, ế khách, các quán xá đóng cửa từ sớm. Đường phố thưa xe, đèn vàng hiu hắt. Ngồi co ro trên vỉa hè, giữa những dãy nhà cao tầng gần chân cầu Muối (quận 4), ông Lê Văn M. châm điếu thuốc hút.

“Hút thuốc để muỗi bay đi, cho đỡ lạnh chú à! Trời lạnh quá tôi không ngủ được”, ông M. ho sù sụ bên chiếc xe đạp cũ chất lỉnh kỉnh đồ ve chai.

Người đàn ông có ngoại hình hom hem này đã có ngót 40 năm dài đằng đẵng sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ông M. ngủ vỉa hè từ cái thời cầu Muối còn là cây cầu sắt bắt ngang dòng kênh Bến Nghé, chưa bê tông hiện đại như bây giờ.

song man troi chieu dat o sai gon nguoi co hoan canh eo le ke choi boi trac tang
Ông Lê Văn M. đã có "thâm niên" 40 năm lấy vỉa hè làm chỗ đặt lưng hàng đêm

Ông M. kể: "Hồi trước, ba má tôi cũng không có nhà, mướn căn nhà nhỏ để ở. Ba má chết, trả nhà cho người ta. Các anh em của tui tứ tán, sau này mắc bệnh hiểm nghèo, chết hết. Tôi không còn ai thân thuộc trên đời này, sống kiếp lang thang".

“Tôi không có nghề ngỗng gì. Trước đây còn khỏe, đi rửa chén phụ các quán ăn. Bây giờ 54 tuổi, lại bệnh triền miên, không ai mướn nữa. Ban ngày đi nhặt ve chai, kiếm vài chục ngàn để có một bữa cơm. Có một bữa cơm cầm hơi là mừng rồi. Sống để chờ hóa kiếp, mong kiếp sau đỡ khổ hơn”.

“Quần áo tui mặc, dép tui mang... đều của thiên hạ cho. Một người tốt bụng cho tôi chiếc xe đạp để đi nhặt nhạnh ve chai đỡ cực hơn. Tui không có gì hết", đưa tay đập con muỗi trên mặt, ông M. than.

Sống kiểu "bụi đời", hàng ngày ông M. chờ dòng nước đen ngòm trên kênh Bến Nghé dâng lên để tắm, giặt, đi "vệ sinh".

Người đàn ông này cho biết suốt mấy chục năm nay mình "không có một tấm giấy lận lưng". Ông phân trần: "Hồi trước đi phụ hồ, tôi bị rớt mất bóp giấy tờ lúc nào không hay. Sống lang thang, cũng già rồi, tôi không cần làm giấy tờ làm gì nữa"

"Công an phường, dân phòng ở đây quen mặt, thây tôi không trộm cắp, quậy phá nên cũng không làm khó dễ. Tôi mà đi sang phường khác ngủ vỉa hè kiểu này, họ sẽ kiểm tra và đuổi đi ngay".

song man troi chieu dat o sai gon nguoi co hoan canh eo le ke choi boi trac tang
Giấc ngủ chập chờn nỗi lo toan của người thanh niên xa quê Nguyễn Th.

Trên ghế chờ của một trạm xe buýt nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), anh Nguyễn Th. nằm chèo queo. Th. cho biết tết này nữa đã là tròn 4 năm anh sống bằng nghề nhặt ve chai ở Sài Gòn. Trước đây, anh hùn tiền với vài người bạn cùng quê, thuê phòng trọ rẻ tiền làm chỗ tá túc. Từ ngãy bão lũ ập đến Quảng Ngãi, gia đình ở quê mất mùa, rất khó khăn, Th. phải ra vỉa hè ngủ.

“Tôi ngủ vỉa hè để tiết kiệm tiền, gửi về quê. Coi vậy chứ mỗi tháng cũng dư ra thêm cả 1 triệu đồng. Số tiền đó ở quê lớn lắm. Mình là con trai, phải chịu cực một chút, hy sinh cho gia đình. Tôi giấu, không cho ba má biết mình sống cảnh màn trời chiếu đất như thế này, sợ ông bà buồn, lo lắng”.", anh Th. chia sẻ.

Ánh đèn vàng nhập nhoạng trên gương mặt đen đủi, khắc khổ của người thanh niên sinh năm 1984. Trước khi chia tay, anh cho chúng tôi biết dự tính sắp tới của mình: "Tôi nằm đây chợp mắt một chút, 5 giờ sáng phải đi nhặt ve chai nữa rồi. Giờ đó xe buýt bắt đầu chạy, tôi phải trả ghế cho người ta ngồi chờ xe buýt. Đợi gia đình ổn ổn, tôi mới đi thuê phòng ở, chứ ở vầy hoài cũng nguy hiểm lắm. Một lần tôi bị trộm lấy hết tiền dành dụm rồi" .

Tại vỉa hè gần siêu thị Nguyễn Kim, ông Nguyễn Văn H. ngồi gặm ổ bánh mì, chờ trời sáng.

“Ổ bánh mì này ông xe ôm đằng kia mới cho tôi. Năm nay trời lạnh thấu xương, không sao ngủ được”, ông H. chia sẻ.

Hoàn cảnh bị đẩy ra vỉa hè của người đàn ông lớn tuổi này khá đặc biệt. Ông H. không ngần ngại:

“Tất cả là do tôi. Tôi không dám trách ai hay đổ lỗi cho số phận gì cả. Tôi trót nghiện xì ke, không chịu làm ăn. Gia đình nhiều lần đưa đi cai nghiện nhưng tôi vẫn quay lại con đường cũ".

"Thành ra, tôi bị gia đình xa lánh, không ai dám chứa trong nhà. Anh cứ viết vậy, để mọi người nhìn đó mà tránh. Tôi cũng già rồi, tay trắng, bệnh tật, sống nay chết mai, chẳng còn gì sợ nữa mà không dám nói sự thật”, ông H. mắt đỏ hoe nói tiếp.

song man troi chieu dat o sai gon nguoi co hoan canh eo le ke choi boi trac tang
Ông H. từng có một cuộc sống sung túc trước khi ra vỉa hè sinh sống

Theo lời ông H., ba má ông từng là thương gia thành đạt, có tiệm chuyên bán đồi mồi nổi tiếng nẳm ở mặt tiền đường Đồng Khởi. Là con trai duy nhất trong nhà, ông H. đâm ra hư hỏng, ăn chơi trác táng. Sau này ba má ông làm ăn thua lỗ, tán gia bại sản. Người em gái của ông H. đi du học ở Tây Đức, định cư lại, đã rước ba má ông sang đó nuôi dưỡng.

“Ba má tôi mất lâu rồi. Hiện nay, ở Sài Gòn tôi còn bà chị và một đứa em gái. Bà chị giàu lắm, có nhà 4 tầng lầu ở ngay trung tâm quận 1 nhưng khinh khi, xa lánh tôi. Thấy thằng em đến nhà là bả sợ bị mất cắp. Bả đưa cho tôi ca nước để uống, còn sợ tôi lấy cái ca mang đi bán ve chai. Như vậy thì làm sao dám cho tôi vào nhà?".

"May mắn, đứa em gái còn chút tình máu mủ, mỗi tháng cho tôi được 500 ngàn để sống, mua thuốc men. Tôi chán nản cái tình đời, mong sao ngủ một giấc, sáng nằm cứng đơ. Ông Trời chưa cho tôi chết, chắc do tôi chưa trả hết nợ đời", ông H. lại thút thít.

Sống kiếp lang thang, chừng hai tuần, ông H. bỏ ra 5.000 đồng, vào nhà tắm công cộng. Quần áo thì ông xin đồ cũ của những người tốt bụng. Mặc chừng hai tuần dơ quá thì mang đi vứt bỏ, chứ không thể giặt giũ gì được. Hàng ngày ông H. đi xin ăn, ai cho gì ăn nấy. Ông kể, lúc chiều đi ngang một tiệm bún riêu, một cô gái trẻ thấy ông khổ quá, mời ông tô bún, còn cho thêm 50.000 đồng.

Ông H. nói: "Anh nghĩ xem có ai đi thuê một thằng nghiện như tôi làm việc? Người ngợm hôi hám, ngồi gần người ta, ngay cả tôi còn ngại".

Trời càng về khuya, gió thổi mạnh, trời càng lạnh. Lác đác vài cặp đôi đi chơi về khuya ôm chặt nhau, chạy xe vèo ngang. Bầu trời bỗng vần vũ, xám xịt, báo hiệu một cơn mưa lớn. Ông H. vội vã gom tấm ni lon, quảy chiếc giỏ cũ lên vai, nói: “Mưa sắp tới rồi. Tôi phải lại mái hiên đằng kia tránh mưa…”.

Lê Ngọc Dương Cầm