So sánh thực lực đội tuyển Việt Nam với Thái Lan trước thềm AFF Cup 2020
Danh sách 30 cầu thủ Thái Lan chuẩn bị cho AFF Cup 2020 gần như có đầy đủ những cầu thủ tốt nhất của bóng đá xứ Chùa Vàng, trong đó có nhiều công thần từng giúp Thái Lan vô địch hai kỳ giải năm 2014 và 2016 dưới thời HLV Kiatisuk Senamuang.
Điều đó biến Thái Lan trở thành đội bóng đáng sợ hàng đầu tại giải năm nay, sánh ngang với đội đương kim vô địch Việt Nam. Vậy giữa hai ứng cử viên hàng đầu này, đội nào mạnh hơn?
Tuyển Thái Lan và Việt Nam được đánh giá là hai ứng cử viên vô địch nặng ký nhất của AFF Cup 2020. |
Hai đội có điểm chung là hiện thiếu ổn định ở vị trí thủ môn. Đội tuyển Việt Nam mất thủ thành tốt nhất là Đặng Văn Lâm và một thủ môn giàu triển vọng nhất là Nguyễn Văn Toản.
Vì vậy, dù nhân sự được triệu tập cho AFF Cup khá đông, lên đến 5 người (Bùi Tấn Trường, Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Văn Hoàng, Quan Văn Chuẩn và Phạm Văn Cường), nhưng sự hồi hộp vẫn hiển hiện cho vị trí người gác đền của đội tuyển Việt Nam.
Trong khi đó, đội tuyển Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ có ba thủ môn, nhưng chỉ mỗi Kawin là đạt đẳng cấp vượt trội so với mặt bằng chung Đông Nam Á.
Nhưng Kawin lại là cầu thủ đáng lo nhất về mặt phong độ, do nhiều năm qua, thủ thành này hầu như không được thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo đội bóng của Bỉ là OH Leuven.
Ngoại trừ vị trí thủ môn, thì từ hàng hậu vệ trở lên, các đội Việt Nam và Thái Lan đều rất ổn. Đối với đội tuyển Việt Nam, những trung vệ tốt nhất từ thời vô địch AFF Cup 2018 gồm Quế Ngọc Hải, Trần Đình Trọng và Đỗ Duy Mạnh vẫn còn, chưa kể bổ sung thêm Bùi Tiến Dũng, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung mà người nào cũng xứng đáng đá chính.
Trận chung kết trong mơ của AFF Cup năm nay sẽ là trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. |
Thái Lan vừa có biến động nho nhỏ khi trung vệ Pansa Hemviboon (cao 1m90) xin rút vì chấn thương. Nhưng họ có sự bổ sung cầu thủ Thái kiều Elias Dolah (sinh ra tại Thụy Điển, cao 1m96) thậm chí còn lợi hại hơn.
Đội bóng đất Chùa Vàng còn có thêm Manuel Tom Bihr (sinh ra tại Đức), Pawee Tanthatemee, cùng các hậu vệ cánh Theerathon Bunmathan, Phillip Roller (sinh ra tại Đức), Tristan Do (sinh ra tại Pháp) đều là những tài năng.
Trên hàng tiền vệ, với sự trở lại của Chanathip Songkrasin, sức sáng tạo nơi tuyến giữa của đội bóng đất Chùa Vàng được so sánh không kém so với hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi Nguyễn Quang Hải bên phía đội tuyển Việt Nam.
Cũng ở khu vực này, Thái Lan có Sarach Yooyen, Pokklaw Anan, Thitiphan Puangchan, hay Supachok Sarachat và Bordin Phala là những ngôi sao của giải Thai-League.
Hàng tiền vệ của đội tuyển Việt Nam không có chiều sâu về lực lượng như Thái Lan, chủ yếu do Đỗ Hùng Dũng và cầu thủ chạy cánh Nguyễn Trọng Hoàng chấn thương. Nhưng nếu chỉ tính ở đội hình chính thức, các tiền vệ Tuấn Anh và Hoàng Đức của đội tuyển Việt Nam đủ sức khuynh đảo bất kỳ đội bóng nào ở Đông Nam Á.
Ngược lại, trên hàng tiền đạo, các chân sút của đội tuyển Việt Nam được cho là có tính đa dạng cao hơn, vừa có trung phong có thể hình tốt, giỏi đá cắm như Tiến Linh, vừa có tiền đạo lùi giỏi gây đột biến, sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện như Công Phượng, Văn Toàn.
Trong khi đó, cả ba tiền đạo được triệu tập của Thái Lan gồm Teerasil Dangda, Adisak Kraisorn và Supachai Jaided đều là các trung phong. Họ là những tiền đạo giỏi, nhưng để các tiền đạo này cùng lúc kết hợp với nhau trên sân thì rất khó, vì lối chơi của họ dễ giẫm chân lên nhau.
Có nghĩa là Thái Lan có ưu thế hơn đội tuyển Việt Nam ở độ dày nhân sự tại hàng tiền vệ, nhưng đội tuyển Việt Nam lại hơn Thái Lan về tính đa dạng nơi tuyến đầu.
Theo Dân trí