Sợ ngân hàng, nghĩ chiêu moi vốn cổ đông
Săn nhà đầu tư
Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa lấy ý kiến cổ đông về việc xin tăng vốn điều lệ thêm tới 650 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện tại là 1.270 tỷ đồng. Trong đó, 136,5 tỷ đồng là vốn chuyển đổi trái phiếu cho Nhà đầu tư VOF PE Holding 5 Limited và 513,5 tỷ đồng là vốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Kế hoạch này được đưa ra trong khi DN đang triển khai rất nhiều dự án và đang gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức cũng đang đói vốn cho một loạt các dự án từ BĐS, thủy điện, quặng sắt cho tới cao cao su, mía đường, gỗ-đá... ở Việt Nam và nước ngoài.
Trong tuần vừa qua, HĐQT đã lên kế hoạch tiếp tục phát hành cổ phiếu để chuyển đối trái phiếu với giá trị 1.575 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG dự định phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trị giá 1.075 tỷ đồng.
Quyết định này nằm trong bối cảnh tình trạng tổng nợ tính tới cuối 2012 lên tới gần 20.500 tỷ đồng, gấp khoảng hơn 2 lần so với vốn chủ sở hữu và nhiều dự án của HAG đang rất cần vốn như dự án trồng tiếp 7.000ha cao su và BĐS 300 triệu USD tại Yangon.
Tập đoàn Thái Hòa nhiều khả năng kế hoạch phát hành phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để bổ sung vốn lưu động. Gần đây, đại diện của THV không còn nói nhiều đến vấn đề này nhưng hồi đầu tháng 9/2012, ban giám đốc THV từng cho biết cổ đông chiến lược cam kết mua phát hành thêm tại bất cứ thời điểm nào. Kế hoạch trước đây, THV dự kiến chào bán 42,25 triệu cổ phần cho đối tượng này.
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhỏ khác trong những tuần đầu năm mới đã lên kế hoạch huy động vốn rất khủng từ cổ đông và các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
|
Cụ thể, ADC dự kiến quý II/2013 sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi; VTL lên kế hoạch tăng vốn từ 18 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng với việc phát hành 900.000 cổ phiếu tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu; KSA dự kiến tăng vốn hơn gấp đôi vào quý II/2013 thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; ITA phát hành hơn 11,5 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ; VTF tính phát hành cho cổ đông hiện hữu là 2:1 tức vốn điều lệ sẽ tăng lên gấp rưỡi; DVP kế hoạch tăng vốn gấp đôi từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; ASA xây dựng phương án phát hành 7 triệu cổ phần với giá bán bằng mệnh giá để tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng...
Làm ăn thua lỗ, ai dám bỏ tiền
TTCK là kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại cho dù TTCK đã hồi phục khá nhiều so với cuối năm 2012 nhưng vẫn khá ảm đạm. Việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn vào thời điểm này do vậy không hề dễ dàng, nhất là khi nhiều trong số các DNcó kế hoạch tăng vốn có kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc khá thất vọng.
Trong trường hợp QCG, trong quý IV/2012 vừa qua, cho dù đã hoàn thành xây dựng và bàn giao căn hộ cũng như đất nền tại một số dự án qua đó giúp QCG chuyển sang lãi nhẹ 5,6 tỷ đồng, so với mức lỗ 98,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình tài chính của doanh nghiệp này vẫn khá bi đát. QCG hiện có tổng nợ lớn gấp hơn 1,3 lần vốn chủ sở hữu lên tới trên 3.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu QCG cũng liên tục giảm giá trong hơn 2 năm qua, từ mức trên 30.000 đồng/cp hồi cuối năm 2010 xuống còn khoảng 7.000 đồng/cp hiện tại. Tài sản của của bà Nguyễn Thị Như Loan (chủ tịch QCG) và ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) đã bốc hơi gần 2.500 tỷ trong hơn 2 năm QCG niêm yết.
|
Ở trường hợp HAG, nếu kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công, tổng nợ của doanh nghiệp này sẽ giảm, rút ngắn khoảng cách số dư vốn chủ sở hữu, so với mức chênh tới hơn 2 lần như hiện tại.
Hiện tại HAG vẫn được đánh giá là một doanh nghiệp có nhiều dự án tiềm năng. Tuy nhiên, với tổng nợ quá lớn cùng với tỷ lệ lợi nhuận/cp (EPS) thấp như hiện nay, việc huy động vốn cũng không hẳn đã thuận lợi.
Trong khi đó, THV thực sự gặp khó khăn khi mà giá cổ phiếu này đang được giao dịch chỉ ở mức 1.000 đồng/cp (so với mệnh giá 10.000 đồng). Đây là một trở lực rất lớn trong việc đàm phán bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Vốn điều lệ chưa tới 600 tỷ đồng nhưng THV thua lỗ lớn trong 2 năm qua.
Hiện tại vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng, so với tổng nợ lên tới 2.000 tỷ đồng (riêng nợ ngắn hạn là gần 1.900 tỷ đồng). Đây quả là một bài toán quá khó cho lãnh đạo doanh nghiệp này.
Với nhiều doanh nghiệp khác, không ít đơn vị muốn phát hành cổ phiếu tăng vốn nhưng vẫn đang hoạt động thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả như VTL, ASA... hoặc vừa yếu kém trong hoạt động kinh doanh lẫn công tác công bố thông tin như QCG.
Trước đó, TTCK chứng kiến các doanh nghiệp thất bại trong việc phát hành cổ phần tăng vốn hay IPO như Fecon, PVA, Thủy điện ĐăkR'tih, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi... hay hoãn tăng vốn điều lệ như AVF, THG.
Một số doanh nghiệp chấp nhận bán cổ phiếu với giá thấp để có thêm nguồn vốn nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp thành công đầu tiên có lẽ sẽ là TTF (dự kiến sẽ thu về hơn 98 tỉ đồng từ đợt chào bán hơn 19,6 triệu cổ phiếu với giá 5.000 đồng).
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư lớn chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao hơn thị giá nhưng đa phần đó là bởi họ kỳ vọng vào triển vọng tương lai của doanh nghiệp. Giá phát hành có khi gấp nhiều lần mệnh giá các nhà đầu tư này vẫn chấp nhận mua. Ở chiều ngược lại, nếu giá có thấp tới bao nhiêu, thấp hơn cả mệnh giá thì chưa chắc đã có người động tới.
Theo Mạnh Hà
Vietnamnet
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Châu Âu nhập khẩu lô hàng LNG đầu tiên từ Mexico