Sáng mãi Truông Bồn
Nhưng có người lại nói truông là từ chỉ một vùng đất hoang, có nhiều cây cỏ, cụ thể hơn là chỉ hẻm núi hoang. Hoang buồn là vậy nhưng lịch sử đã đặt cho đất này một xứ mệnh đặc biệt: rực lửa và bi tráng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Truông Bồn gắn với những câu chuyện đặc biệt và những số phận con người rất đặc biệt.
Cửa tử Truông Bồn
Từ thành phố Vinh, chúng tôi theo Quốc lộ 15 tìm về Truông Bồn. Anh Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An đưa chúng tôi đi và giới thiệu chi li từng sự kiện lịch sử, văn hóa như kiểu anh là dân trong nghề vậy. Anh Kỳ bảo: “Mình đã đọc và nghe kể rất nhiều câu chuyện như huyền thoại về mảnh đất này. Nghe mãi không chán bởi mình cũng từng là bộ đội, cũng có thời tuổi trẻ đi qua chiến tranh”.
Truông Bồn nằm trên tuyến đường 15A hay còn gọi là đường 30. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, con đường này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: Cột mốc số 0 - điểm khởi đầu của đường mòn HCM (Tân Kỳ, Nghệ An) Quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Truông Bồn - mảnh đất bi hùng năm xưa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Truông Bồn - thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã trở thành “địa chỉ đỏ”, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày nay, Truông Bồn đã bớt đi vẻ hoang vu, nhưng thời kỳ chiến tranh, cung đường qua Truông Bồn có địa hình hết sức phức tạp. Những con đường đổ về đây đều rất lầy, hẹp và dốc, phải qua nhiều dãy núi đồi liên kết với nhau xen kẽ là những thung sâu. Từ cầu Om đến đầu Truông Bồn là dốc U Bò, ở giữa có khe Vực Chỏng và điểm cuối là dốc Kỳ Lợn. Phải công nhận rằng, năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân của quân và dân ta. Bị thất bại lớn ở các chiến trường, địch chuyển kế hoạch từ ném bom không hạn chế sang hạn chế, tập trung sức mạnh không quân, đánh phá 4 tỉnh thuộc Khu IV (cũ).
Trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch ở Khu IV, ngoài Ngã ba Đồng Lộc thì Truông Bồn là thứ cửa tử. Cửa tử nhưng không thể tránh vì là điểm trọng yếu của huyết mạch giao thông. Trong tổng số gần 19.000 quả bom các loại mà không quân Mỹ ném xuống khu vực này thì chủ yếu là ném vào trọng điểm Truông Bồn. Hầu như trên vùng trời Đô Lương không lúc nào không có máy bay do thám quần lượn. Tất thảy có hơn 5.000 lượt máy bay Mỹ xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao, Cò Rạt (Thái Lan) và đảo Guam (Philippines) tới đánh phá. Có ngày cao điểm, không quân Mỹ dội bom xuống Truông Bồn đến 131 lần. Ban ngày, chúng tập trung lực lượng đánh chặn các lối ra vào, ban đêm thả pháo sáng hòng tập kích các lực lượng cứu đường và đoàn xe vận tải của ta. Đấy đều là con số kỷ lục về sự tàn khốc trong chiến tranh!
Bom đạn với sức mạnh hủy diệt đã làm cho Truông Bồn vốn xanh tươi trở thành một bãi trắng hoang tàn với hàng ngàn hécta rừng bị tiêu hủy, mấy trăm ngôi làng dọc tuyến đường 15A bị xóa sổ. Chẳng ai ngờ được rằng, chỉ trong một địa bàn nhỏ ấy thôi mà bộ đội ta đã hy sinh đến gần 1.500 người trong đó có cả TNXP, dân quân tự vệ, công nhân ngành GTVT.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, ở đâu trên mảnh đất Việt Nam chẳng ghi dấu một chứng tích anh hùng của quân và dân ta. Truông Bồn rực lửa đã trở thành huyền thoại hơn hết bởi sự hy sinh của các chàng trai, cô gái trong Đại đội TNXP 317 lịch sử.
Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường. Sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967 họ được lệnh chuyển đến “tọa độ lửa” Truông Bồn. Nhiệm vụ của họ được giao rất rõ ràng: Bằng mọi giá, phải giữa được huyết mạch giao thông qua Truông Bồn. Để thực hiện quyết tâm ấy, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông.
Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để phá bom, san lấp hố bom bảo đảm mặt đường. Họ thường thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn.
Vậy mà, chỉ sau một đêm định mệnh, 13 chiến sĩ trẻ măng trong đơn vị ấy đã chính thức dừng lại ở tuổi 20.
Câu Chuyện tình bi tráng
Ông Nguyễn Tâm Cớn, một cựu TNXP của Đại đội 317, nay là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành. Ngày ấy ở Truông Bồn ông Cớn là Tổ trưởng Tổ phá bom của Đại đội 317. Hôm xảy ra trận bom 31/10, khi máy bay ngớt gầm rú, chính ông Cớn và đồng đội trong tổ đã lao vào rà phá bom để đảm bảo an toàn cho đơn vị, sau đó đào bới tìm kiếm thi thể mọi người.
Trong căn nhà nhỏ, ông Cớn hồi tưởng lại những ngày tháng ấy ông vẫn run lên vì xúc động. Ông kể: “Trước cái đêm định mệnh ngày 31-10-1968 (ngày hôm sau là tuyên bố của Tổng thống Mỹ về ném bom hạn chế miền Bắc có hiệu lực) anh em bảo nhau cố làm nốt buổi để gọi là “tạm biệt cuốc xẻng”. Vậy mà…”.
Xúc động trước nấm mộ chung của các TNXP ở Truông Bồn
Đúng thời điểm xảy ra trận bom định mệnh ấy, chỉ chưa đầy một giờ nữa, đúng 7 giờ sáng, Cao Ngọc Hòa - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 và Nguyễn Thị Tâm - Tiểu đội 2 TNXP sẽ đưa nhau về nhà của Tâm để chú rể ra mắt nhà gái trong lễ đính hôn.
Chỉ chưa đầy một giờ nữa chị Đàm Thị Bốn sẽ được xuất ngũ về với mẹ do anh trai vừa hy sinh ở chiến trường, nhà không còn ai chăm nom mẹ.
Chỉ chưa đầy một giờ nữa Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc sẽ về nhà chuẩn bị đi học ở Trường trung cấp Y tế Nghệ An do thành tích công tác đủ ba năm ở tổng đội, những tờ giấy báo nhập học đang cột trong khăn mùi xoa buộc ở cổ tay.
Nhưng đúng 6 giờ 10 sáng 31/10/1968, cả 8 chiến sĩ TNXP ấy cùng năm đồng đội khác là Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh và Trần Văn Hạp đã vĩnh viễn nằm lại sau trận bom tọa độ đánh phá tuyến giao thông Truông Bồn. Người trẻ nhất 17 tuổi, lớn nhất cũng chỉ mới 22. Tất cả đã nằm lại với tuyến đường. Chỉ một khắc thôi mà nhiều số phận đã ngoặt sang hướng khác.
Trong căn nhà ở xóm 6, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Nguyễn Trọng Đàn, người gọi liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm bằng cô ruột, mang ra tấm hình chân dung của Nguyễn Thị Tâm vừa được phục dựng. Tuy là ảnh phục dựng nhưng ông Đàn bảo rất giống. Trong ảnh là cô gái với vẻ đẹp tươi trẻ và rạng rỡ. Và gương mặt ấy, ánh mắt ấy mãi mãi dừng lại ở tuổi 20.
Chuyện chị Tâm và anh Hòa yêu nhau “bí mật” suốt ba năm không ai hay biết, bởi cũng vì kỷ luật thời chiến. Và mối tình ấy chỉ được “công khai” khi cả hai đến ngày chuẩn bị xuất ngũ.
Tuy gọi chị Tâm bằng cô nhưng ông Đàn chỉ kém người cô ruột vài tuổi. Trước khi Tâm hy sinh chừng mươi ngày, từ đơn vị cô tranh thủ ghé về trình bày với gia đình chuyện tình cảm giữa cô và Hòa. Tâm cũng cho biết sắp đến nhà trai sẽ lên làm lễ bỏ trầu, có thể ngày ấy cô và Hòa chưa chắc về được, nếu nhà trai mang lễ vật đến xin mẹ và các anh chị trong nhà cứ coi như đang có mặt hai đứa. Báo cho gia đình xong, Tâm trở về đơn vị kịp ngay trong đêm. Chừng hơn một tuần sau, chiều 30/10/1968, gia đình ông Đàn đón hai người khách lạ: mẹ và anh Lợi - anh trai Hòa.
40 năm rồi ông Đàn vẫn nhớ như in hình ảnh bà mẹ và anh Lợi với giỏ xách xếp một ít bánh trái, chai rượu và cau trầu lên nhà dạm hỏi. Họ cùng đi bộ, dù đường từ Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) lên đến Hợp Thành dài gần 30km. Bom đạn đánh phá ác liệt. Thương con, bà mẹ đã thức dậy từ sớm chuẩn bị rồi lên đường. Đến nhà rồi, ông Đàn còn nhớ chiều muộn, chờ mãi không thấy Hòa và Tâm về, anh Lợi đã tranh thủ dắt ông Đàn đi hớt tóc ở nơi mấy người thợ sơ tán trong làng. Lại ngóng mãi mà chẳng thấy cô dâu và chú rể thu xếp về được, nhà trai đã bày biện mâm lễ mọn ra mắt họ hàng nhà gái. Đêm ấy, bà mẹ anh Hòa ngủ lại nhà cô con dâu tương lai, hi vọng sáng mai cả hai con sẽ cùng về ra mắt. Bởi cho đến giờ phút ấy nhà gái vẫn chưa biết mặt chú rể và ngược lại, nhà trai cũng chưa từng thấy mặt con dâu!
Chị Trần Thị Thông – Tiểu đội trưởng người sống sót duy nhất trong số 14 TNXP khi xưa bồi hồi kể lại: “Biết tin Hòa và Tâm sắp cưới cả đại đội ai cũng mừng, hai người đẹp đôi đã đành mà còn vì thời chiến, yêu nhau, cưới nhau không đơn giản. Buổi sáng 31-10, khi ra hiện trường, nhận mấy lát mì luộc khẩu phần buổi sáng, Tâm còn xé nửa miếng mì luộc âu yếm đưa cho người yêu, mấy chị em thấy vậy vỗ tay hoan hô vun vào: “Mau mau mời bọn tôi ăn kẹo đấy nhé!”. Không ngờ chỉ chưa đầy một giờ sau tất cả đều tan vào đất đá!”.
Ông Đàn bảo khi ấy vừa hửng sáng, bà mẹ anh Hòa cũng trở dậy. Vừa bước ra sân thì nghe tiếng bom vọng về từ phía Mỹ Sơn (Đô Lương), cũng chỉ nghĩ rằng chiến tranh, bom rơi đạn nổ thường tình, không hề hay biết bom đạn đã cướp mất đôi vợ chồng sắp cưới! Lại nghĩ chắc Hòa và Tâm không về nhà được nên bà cụ và anh Lợi xin chào để về lại Diễn Lộc vì đường xa. Chừng 10 giờ sáng, gia đình ông Đàn nhận được hung tin. Bố ông Đàn, tức anh ruột của Tâm, bấy giờ là Chủ tịch xã Hợp Thành, nghe tin em gái hy sinh vội đạp xe lên Mỹ Sơn. Ba ngày lăn lộn cùng đồng đội trong đơn vị tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy được mảnh thi thể nào của Tâm. Hòa may mắn hơn còn nguyên vẹn thi thể!
Khách viếng thăm hỏi chuyện mẹ Vinh, người hiến đất để xây và giờ trông nom hương khói phần mộ các liệt sĩ Truông Bồn
Và thế là mãi mãi không có cuộc đưa dâu từ Hợp Thành về Diễn Lộc như mơ ước của Tâm và Hòa.
Trong danh sách 13 liệt sĩ Truông Bồn, phần ghi “người thờ phụng” của các liệt sĩ ai cũng có. Riêng phần liệt sĩ Cao Ngọc Hòa thì để trống. Hỏi ông Đàn về gia cảnh anh Hòa, ông bảo sau này có hỏi tìm nhưng hình như bên gia đình anh Hòa không còn ai. Mẹ và anh trai của anh cũng đã mất.
Mà đâu chỉ có Nguyễn Thị Tâm. Tất cả mười cô gái TNXP Truông Bồn cùng hi sinh hôm ấy với Tâm đều rất trẻ, đều vừa mười tám, đôi mươi! Họ đã mãi mãi nằm lại với tuyến đường, như câu thơ tưởng niệm các nữ TNXP đã hi sinh trĩu nặng thương yêu khắc khoải: Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu! (thơ Trần Tuấn). Làm sao có thể kể hết bao nhiêu cô gái TNXP mãi mãi không bao giờ có niềm hạnh phúc một lần làm cô dâu! Mơ giấc mơ về một tổ ấm gia đình như mười cô gái Đồng Lộc trước đó, như hàng ngàn cô gái TNXP mở những tuyến đường ra trận đã không về!
Mãi mãi khúc tráng ca
Truông Bồn được công nhận là Khu Di tích lịch sử từ năm 1996 nhưng việc xây cất bày biện còn quá sơ sài. Sau thời điểm đón nhận di tích nhiều năm, có lẽ động lòng trắc ẩn với những người chị thế hệ đi trước mình từng hy sinh lẫm liệt, những người thợ của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đóng trên đất Nghệ An đã lặng lẽ bỏ gần 6 tỉ đồng, góp với 4 tỉ của Nhà nước để hương khói cho Truông Bồn. Truông Bồn, địa danh địa đầu Nghệ An. Ngã Ba Đồng Lộc, địa danh địa đầu đất Hà Tĩnh đều nổi tiếng bởi hai khúc tráng ca TNXP. Nhà nước đã vinh thăng tập thể TNXP Đồng Lộc cùng Truông Bồn danh hiệu anh hùng LLVT. Sự hy sinh mất mát nào mà không cao quý? Nhưng hình như hơn 40 năm qua, nước mắt cùng hương khói được dồn tụ nhiều về Ngã Ba Đồng Lộc? Và nơi hương khói Truông Bồn hiện còn chưa xứng với tầm cỡ của chiến công và những mất mát, hy sinh...
Hiểu được những tâm nguyện ấy, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt một Dự án khá hoành tráng Bảo tồn tôn tạo khu di tích LS Truông Bồn với tổng mức đầu tư 175 tỉ đồng. Quyết tâm là thế nhưng nan giải vẫn là kinh phí thực hiện.
Không khó để hiểu rằng, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có thư gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành kêu gọi sự quan tâm đóng góp cho công trình bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ngày 23/8 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với TƯ Đoàn TNCS HCM và UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận trên 49 tỉ đồng ủng hộ tôn tạo Di tích Lịch sử quốc gia Truông Bồn.
Rồi đây, Truông Bồn sẽ được trùng tu xây dựng thành một khu tưởng niệm bề thế, xứng đáng với máu xương đã đổ xuống của anh chị em TNXP ngày ấy. Để nhiều thế hệ sẽ hành hương về đây, soi mình vào cuộc đời của những tuổi 20 đã mãi mãi dừng lại với ngày hôm qua, để hiểu hơn cái giá của mỗi ngày đang sống và có thêm sức mạnh đi tới ngày mai.
Vũ Minh Tiến
(Năng lượng Mới số 165, ra thứ Sáu ngày 19/10/2012)
-
Xúc động chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”
-
Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân Anh hùng”: Tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ
-
Ra mắt trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân"
-
Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại
-
TP HCM: Tiếp tục tạm dừng hoạt động bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc