Sandbox mở cửa cho các P2P lending
Thực trạng P2P lending ở Việt Nam
Thời điểm cận Tết Tân Sửu, nhiều doanh nghiệp cho biết mặc dù năm 2020, họ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song hầu hết đều cố gắng nỗ lực xoay xở, thậm chí đi vay mượn để thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.
Việt Nam đang có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P lending. |
Nhu cầu vốn cao, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được hồ sơ cho vay của ngân hàng, do vậy việc tìm đến các doanh nghiệp fintech cho vay ngang hàng, (Peer to Peer lending hay còn gọi là P2P Lending), là giải pháp mà một số doanh nghiệp đã lựa chọn.
P2P lending là hình thức kết nối trực tiếp giữa những doanh nghiệp hay cá nhân cần vốn với những tổ chức hay cá nhân có vốn thông qua nền tảng kết nối (Platform) của các công ty P2P lending.
Nhờ ứng dụng công nghệ nên việc kết nối này rút ngắn thời gian cho vay, giảm bớt các chi phí trung gian, qua đó giúp người cần vốn có thể huy động được chi phí thấp và người có vốn đầu tư sẽ có được mức lợi nhuận cao hơn.
Tính đến nay, theo số liệu khảo sát của Viện chiến lược Ngân hàng thì Việt Nam có khoảng 100 công ty P2P lending, trong đó có một số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Singapore, Indonesia.
Phần lớn các công ty P2P lending tại Việt Nam là công ty cho vay cá nhân tiêu dùng (consumer lending). Các công ty P2P lending hỗ trợ vốn cho các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh (Business Lending) thường tài trợ số vốn lớn hơn, thời gian dài hơn, lãi suất thấp hơn.
P2P lending với hộ kinh doanh đang hoạt động như một mô hình tư vấn kênh huy động vốn và thu phí và hỗ trợ doanh nghiệp đang khó tiếp cận vốn do không có tài sản thế chấp tài chính.
Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện một số công ty thực chất là cho vay cầm đồ, xây dựng app và website riêng lấy danh nghĩa P2P lending để cho vay với lãi suất rất cao và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ tiêu cực.
Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P Lending kiểu như vậy để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.
Điều này gây hệ lụy xấu và dễ bị người dân hiểu sai, đánh giá sai về các công ty P2P lending làm ăn chân chính. Đặc biệt, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, và có thể làm gia tăng rủi ro nợ xấu.
Cấp thiết khung pháp lý phù hợp
Theo ông Nguyễn Việt Hưng - Tổng Giám đốc, CEO Lendbiz, để quản lý tốt hoạt động cho vay P2P lending, cần có khung pháp lý phù hợp. Hiện nay Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng cơ chế thử nghiệm P2P lending tiến tới ban hành khung pháp lý về P2P lending.
Ông Nguyễn Việt Hưng. |
“Khung pháp lý tốt sẽ giúp sàng lọc các công ty P2P Lending mang lại lợi ích cho xã hội với các công ty không mang lại lợi ích thậm chi mang lại hệ lụy cho xã hội” - ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, thực trạng hiện nay khi cho hộ kinh doanh vay, hợp đồng giữa doanh nghiệp fintech và bên đi vay chỉ là hợp đồng BCC dân sự chứ không phải hợp đồng vay nợ, điều này tạo rủi ro lớn hơn về phía doanh nghiệp fintech. Chính vì vậy doanh nghiệp như Lendbiz mong muốn hơn bao giờ có một khung pháp lý cho P2P lending.
"Sandbox là cơ chế thử nghiệm và nó không áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp P2P lending. Tôi cho rằng trong giai đoạn đầu, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những thận trọng nhất định vì vậy các công ty được lựa chọn vào cơ chế thử nghiệm có thể phải điều chỉnh hoặc thu hẹp một số hoạt động. Sự cởi trói sẽ được diễn ra vào giai đoạn sau khi Nhà nước đã ban hành khung pháp lý chuẩn trên cơ sở xem xét các mô hình thử nghiệm.
Điểm tích cực của Sandbox là nó đưa ra những tiêu chuẩn giúp các công ty P2P lending bao gồm cả công ty không được lựa chọn thử nghiệm điều chỉnh hoạt động. Đồng thời mang lại niềm tin cho xã hội với mô hình P2P lending hơn", CEO Lendbiz cho biết và nêu quan điểm, khung pháp lý Sandbox sẽ do Chính phủ ban hành trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của nhiều Bộ, ban, ngành khác nhau. Vì vậy việc xây dựng cơ chế Sandbox sẽ có cái nhìn đa chiều và toàn diện trên nhiều khía cạnh.
“Dưới góc độ của doanh nghiệp, cơ chế Sandbox cũng đang trông chờ được thử nghiệp trong bối cảnh các loại hình lừa đảo, phạm pháp đang ảnh hưởng tới các fintech chân chính” - ông Hưng nói.
Vị CEO này đề xuất cơ chế thử nghiệm sandbox cho P2P Lending, gồm:
Thứ nhất, bám sát theo các chuẩn mực và thông lệ mà nhiều nước đã và đang áp dụng.
Thứ hai, nó phải không quá “khó” để các công ty P2P lending có thể đăng ký và được tham gia. Nếu khó quá thì sẽ không có công ty nào tham gia cả và sẽ không thể thử nghiệm.
Thứ ba, nên ưu tiên thử nghiệm cho mô hình Business Lending, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các SME tại Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 45% GDP và 31% ngân sách nhưng chỉ có đến 73% SME không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trên thế giới, P2P lending đã chứng minh được vai trò hỗ trợ rất tốt của mình cho các doanh nghiệp nhỏ, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các định chế tài chính.
Việc chậm trễ trong việc ban hành khung pháp lý P2P lending sẽ tạo điều kiện cho các công ty trá hình phát triển và điều này chắc chắn sẽ làm người dân và các cơ quan quản lý có cái nhìn không thiện cảm đến mô hình P2P lending, ảnh hưởng đến các công ty P2P lending hoạt động chân chính.
Mặt khác, các quy định về P2P lending sẽ là định hướng để các doanh nghiệp P2P lending điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý. Vì vậy, nếu ban hành muộn thì các doanh nghiệp P2P lending sẽ gặp khó khăn và tốn kém hơn khi phải điều chỉnh lại chiến lược, bộ máy và quy trình hoạt động. “Với Lendbiz, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị vì đã áp dụng những chuẩn mực quốc tế cho hoạt động của mình ngay từ những ngày đầu hoạt động” - CEO Nguyễn Việt Hưng khẳng định.
Theo enternews.vn