Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả nhờ nguồn điện ổn định
Bà Phạm Thị Thu Cúc bên giàn cà chua beef. |
Với số vốn đầu tư trên dưới 30 triệu đồng cho khoảng 100m2 hệ thống tưới phun mưa, khá đắt nhưng hầu như hộ dân nào ở khu vực có vườn là có hệ thống này. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Điện lực Đức Trọng chia sẻ: “Trước đây, người dân làm nông nghiệp rất vất vả. Mùa nắng mà tưới cây thì khổ vô cùng, cầm vòi, kéo dây, bơm nước…dưới cái nắng oi ả mà thu nhập không đáng là bao. Được mùa thì mất giá, có giá thì mất mùa. Nhưng nay thì khác rất nhiều lắm rồi”. Rồi ông chỉ tay về phía nông trường trồng ngô của huyện Đức Trọng, giữa trưa nắng mà nhìn từ xa nông trường như đang đón một đợt mưa phùn vì gần 200ha của nông trường mà bà con nông dân đang thuê đất để trồng đều được gắn hệ thống tưới phun mưa.
Chị Nguyễn Thị Ký xã Phú Hội, huyện Đức Trọng chia sẻ thêm: “Nông dân chúng tôi không phải một nắng, hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như trước đây nữa. Tất cả đều được thực hiện bằng hệ thống máy móc dây chuyền sử dụng điện, từ gieo hạt bằng máy, tưới bằng hệ thống phun sương cho cây nhỏ, phun mưa cho những cây lớn hơn.”
Nhờ có nguồn điện ổn định áp dụng thêm những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp mà bà Phạm Thị Thu Cúc ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) – người đi đầu trong việc canh tác cà chua beef cho biết: Chúng tôi áp dụng công nghệ của Hà Lan cho việc trồng cà chua beef. Tất cả việc tưới, bón phân đều theo một quy trình chuẩn tự động. Làm nông nghiệp bây giờ nhàn lắm, chỉ cần một cái công tắc, tất cả đều được vận hành và cho kết quả mỹ mãn. Cũng diện tích này, nếu trồng cà chua theo phương pháp truyền thống, có khi thu không đủ bù chi nhưng với nông nghiệp công nghệ cao như chúng tôi đang áp dụng thì người nông dân có thể làm giàu. Một quả cà chua beef nặng xấp xỉ 1 kg. Một gốc cà chua beef có thể cho sản lượng 8-10 kg nếu mật độ trồng 2.000 gốc trên diện tích 1.000 m2.
Anh Hồ Bá Thuận, tổ 22 Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cho biết: “Gia đình tôi đã lắp giàn phun bán tự động cho 5 sào rau, chủ yếu là hành hoa và cải ngọt. Đây là hai loại rau cần rất nhiều nước. Trước đây cả ngày hai vợ chồng phơi ra giữa nắng để tưới rau. Nay chỉ cần ngồi trong nhà bật công tắc điện là nước phun như mưa thấm đều từ lá xuống đất. Tôi có thể thong thả uống nước chè thoải mái”.
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống là từ giếng khoan, nước được dẫn về từ các ống chủ, sau đó dẫn từ các ống chủ về các vị trí cần tưới có đặt các với tưới. Khi nước phun mạnh lên từ các vòi, có một đoạn thép chắn ngang đầu phun phía trên, nước vì thế tóe ra khắp xung quanh. Ông Thuận còn cho biết: Đầu tư giàn tưới hết 10 triệu đồng, nhưng năng suất rau tăng lên 30%, đặc biệt cải thiện điều kiện làm việc cho cả nhà. Nhà ông Thuận nhờ từ rau mà làm được nhà 3 gian nhà khang trang, con cái học hành, có việc làm ổn định.
Điện đã khoác chiếc áo mới cho một vùng nông nghiệp, nhờ có điện người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào trong thực tế sản xuất góp phần làm đời sống người dân thay đổi thật sự. Ông Nguyễn Mậu Thế, trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Đức Trọng cho biết: “Với nguồn điện ổn định, an toàn, liên tục người nông dân an tâm điều khiển những thiết bị hiện đại để tăng năng suất, chất lượng của sản theo tiêu chuẩn VietGap”.
Thiên Phương
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực