Rưng rưng… Tết xa nhà
16 cái Tết xa nhà
28 năm làm việc trong ngành Điện, anh Lê Trọng Nam - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Đầm Hà, Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1 (thuộc EVNNPT) có tới 16 lần phải đón Tết xa nhà. Anh Nam quê ở Thanh Hóa nhưng lại làm việc ở Quảng Ninh. Với anh, cuộc sống xa nhà vào những ngày thường đã thành quen, nhưng khi Tết đến lại khác, cảm xúc cứ dâng lên, bồi hồi... Khi mọi người quây quần bên mâm cơm Tất niên, anh Nam trò chuyện với vợ và các con, thông qua chiếc điện thoại di động thông minh - món quà vợ anh tặng nhân dịp sinh nhật. Với anh, chiếc điện thoại là món quà vô giá, là thành viên thứ 5 trong gia đình, giúp truyền tải, kết nối tình yêu thương - là nơi gửi trọn niềm tin và tình cảm của anh với gia đình.
Nhờ chiếc điện thoại này anh Nam vẫn có thể tư vấn cho vợ, con cách chọn đào, chọn quất, cách trang trí ngày Tết. “Năm trước, vào thời khắc Giao thừa mình cũng có thể nhìn thấy pháo hoa ở quê nhà, gửi lời chúc vợ và các con nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới, thậm chí mình cũng có thể… "ôm" vợ, con qua chiếc điện thoại này” - Anh Nam chia sẻ xúc động, giọng nói run run...
Tết xa nhà, anh đón Giao thừa cùng đồng nghiệp, cũng có gà, bánh chưng, có cành đào, cây quất, được đón Tết với đồng bào dân tộc. Nhờ chiếc điện thoại, vợ con nơi quê nhà cũng được chung vui với anh và đồng nghiệp trong ca trực.
Chị Đào Thị Lý, vợ anh Nam chia sẻ: “Cũng may, chiếc điện thoại đã xóa nhòa khoảng cách địa lý xa xôi. Ngày Tết luôn có giá trị thiêng liêng đặc biệt, ai cũng mong được sum vầy bên gia đình. Thế nhưng tôi và các con luôn hiểu, sự hy sinh của ông xã là cần thiết để cho hàng triệu gia đình khác trên đất nước chúng ta đón Tết vui tươi, an toàn và hạnh phúc.”
Các kỹ sư trong ca trực Tết tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu |
Đón Tết nơi đảo xa
Với những thợ điện làm việc tại huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, những ngày Tết có vô vàn những cảm xúc, vui, buồn, đan xen. Đã hơn 1 năm, kể từ ngày Công ty Điện lực Quảng Trị (thuộc EVNCPC) tiếp nhận hệ thống lưới điện trên đảo Cồn Cỏ. Trạm hiện có 6 người gồm 1 trưởng trạm và 5 công nhân, ngày trực ba ca sáng, chiều, tối. Do thiếu người, nên ca ngày chỉ có 1 thợ điện, ca đêm mới tăng lên 2 người trực, ngày thường cũng như ngày Tết, quân số không thay đổi. 5 công nhân ở đây đều có gia đình trong đất liền, tình nguyện về làm việc ở đảo nhỏ. Anh Lê Văn Thành quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chia sẻ, trong thâm tâm, ai cũng mong được về quê đoàn tụ gia đình vào dịp Tết, nhưng anh Thành lại muốn “nhường” cơ hội đó cho những đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình.
Anh Thành tâm sự: “Những ngày Tết, mình cũng chạnh lòng nhớ đến gia đình, thương vợ, thương con nhỏ, nhưng lúc đó, vợ mình lại là người động viên mình vượt qua nỗi nhớ nhà ngày Tết. Từ ngày vợ sinh con gái, mình vẫn chưa có dịp về thăm. Có điều kỳ lạ là cô con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi, luôn cười tít mỗi khi thấy ba, như biết “động viên” mình qua mỗi lần gọi điện thoại bằng video call. Được trò chuyện với vợ, ngắm con gái yêu qua điện thoại giúp mình có thêm động lực hoàn thành công việc”.
Không chỉ anh Thành mà có 2 anh công nhân đang trực trên đảo Cồn Cỏ cũng cùng chung những cái Tết xa nhà như thế. Khó khăn là vậy, nhưng cái được lớn nhất của người thợ điện nơi đây là được ăn Tết với một đại gia đình già, trẻ, lớn, bé đủ cả. Như sáng nay, “tư gia” của các anh thợ điện trên đảo bỗng nhộn nhịp hơn hẳn. Người dân dù bận rộn với công việc trang trí nhà cửa đón Tết, vẫn không quên “dúi” tặng các anh thợ điện những con cá tươi rói mới bắt được ngoài biển, cảm ơn các anh đã cùng họ đón cái Tết đủ đầy.
Mừng Xuân trong… nhà máy
Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, chúng tôi tới làm việc tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Lúc này, hoa đào rừng đỏ thắm rực rỡ đua nhau khoe sắc. CBCNV Nhà máy đang khẩn trương bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, sẵn sàng vận hành an toàn, đảm bảo đủ điện cho người dân vui Tết, đón xuân.
Tâm sự về câu chuyện về trực Tết, anh Nguyễn Thành Tâm – kỹ sư Nhà máy Thủy điện Lai Châu (quê ở Nghệ An) bộc bạch: “Tuy ăn Tết xa nhà, nhưng Tết của thợ điện cũng đầy đủ bánh chưng, thịt gà, giò lụa... Anh Tâm kể, những ngày Tết cũng bớt cô đơn hơn khi anh em luôn nhận được những cuộc điện thoại video call từ gia đình, bạn bè. Những lời động viên ấm áp, những tin vui từ “hậu phương” cũng góp phần vơi đi nỗi nhớ nhà”.
Cùng trực với anh Tâm có hai đồng nghiệp nữa. Đêm Giao thừa mấy năm nay anh em trong kíp trực đều được đón những vị khách đặc biệt, đó là lãnh đạo Công ty hoặc lãnh đạo tỉnh đến thăm, động viên và chúc Tết. “Với những công nhân trực Giao thừa như mình thì ngày Tết được lãnh đạo công ty, được các anh, chị đồng nghiệp động viên, chúc Tết như vậy có ý nghĩa lắm. Đó là món quà tinh thần lớn lao với tôi và đồng nghiệp”. Anh Nguyễn Thành Tâm tâm sự. Năm nay cũng vậy, anh Tâm và các đồng nghiệp đã sẵn sàng cho buổi tổ chức giao lưu văn nghệ, sẵn sàng đón khách trong đêm giao thừa.
Có đi mới thấy, dù là công nhân truyền tải, nhân viên trực điện thoại, anh kỹ sư trẻ hay bác thợ điện “già”, dù ở vùng núi cao hiểm trở hay hải đảo xa xôi, những người làm điện luôn sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ: Giữ vững nguồn sáng cho đất nước.
Kim Oanh
Những người "giữ" điện thầm lặng | |
Khi nhà có ông "thợ điện" | |
Chuyện chưa kể về một cán bộ an toàn giỏi | |
Chuyện về người "anh Cả" | |
Tự hào những người thợ điện | |
Gian khó người thợ điện vùng cao |
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện