Quy định mới về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Ảnh minh họa |
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 3,4,6 Điều 6 về điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, khách hàng muốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1- Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.
2- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
3- Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.
4- Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.
5- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.
6- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.
7- Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.
8- Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.
Mức vốn cho vay và giới hạn cho vay
Đồng thời, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 và bổ sung thêm các khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9 vào Điều 7 về mức vốn cho vay và giới hạn cho vay.
Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án vẫn bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
Theo quy định mới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng.
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP bổ sung quy định rõ, trừ trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn quy định ở trên đối với từng trường hợp cụ thể gửi Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (*).
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP nêu rõ: Khách hàng vay vốn, dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại (*) phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định về điều kiện cho vay của Nghị định này, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hưóng dẫn; không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;
b) Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ hoặc để thực hiện các chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại (*) phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức tín dụng khác để cùng cho vay dự án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc đã phát hành thư mời cùng cho vay tới ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 30 ngày làm việc nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia cùng cho vay;
b) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
c) Đảm bảo giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng không vượt quá bốn lần vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.
Trình tự thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn
Ngân hàng Phát triển Việt Nam gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ theo quy định trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật - pháp lý của dự án và khách hàng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Trong trường hợp hồ sơ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện quy định, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam các điều kiện mà khách hàng, dự án và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa đáp ứng được.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị mình gửi Bộ Tài chính. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Tài chính nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng có văn bản gửi Bộ Tài chính giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoặc ý kiến giải trình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam biết, thực hiện.
Sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Bên cạnh đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo quy định mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.
Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
Xây dựng Nghị định sửa đổi về tín dụng đầu tư Nhà nước Tại Nghị quyết 151/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. |
P.V
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm