Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Quá tải bệnh viện: Nhà thương ký

08:14 | 30/09/2011

Theo dõi PetroTimes trên
|
"Cơn sốt" quá tải bệnh viện đã trở thành nỗi ám ảnh cho người bệnh cũng như đội ngũ y, bác sĩ, thực trạng này kéo theo hàng loạt những hệ lụy không mong muốn khác. Việc giảm tải vẫn chỉ dựa trên tính giải pháp, trong khi việc áp dụng lại quá nhiều bất cập. Và như thế, người bệnh chỉ còn biết "kêu trời", bệnh viện thì than vãn ngóng chờ sự hạ nhiệt của "cơn sốt" quá tải bệnh viện.

Nỗi khổ không của riêng ai

Không gian im lặng dưới cơn mưa rả rích pha chút se lạnh của ngày cuối Thu ở Hà Nội, khi trời tờ mờ sáng, nhấp nhổm dưới góc hành lang một nhóm người nằm quấn chăn túc trực vây quanh một bà cụ bị tai biến mạch máu não. Người thì bóp chân, người thì vắt vội chiếc khăn lau mặt cho bà cụ, người thì tất tưởi chạy vội kiếm ít nước sôi, xen lẫn nỗi lo toan, bất chợt có tiếng than thở của một ai đó: “Đông thế này, xếp hàng lấy phiếu khám đến bao giờ cho kịp đây?”.

Đồng hồ đã điểm 5 giờ sáng. Bà cụ Chi quê ở Nghệ An vào cấp cứu ở bệnh viện đã được 2 ngày, sức khỏe của cụ chưa mấy tiến triển. Chị Huệ con gái cụ cho hay, khi cụ lâm bệnh, cả gia đình đưa cụ vào gồm có 7 người đi theo, kể từ hôm cụ nhập viện mọi người ăn uống sinh hoạt luôn tại bệnh viện, vì đi lại khó khăn tốn kém, mướn nhà trọ gần đây thì lại đắt. Người ta bảo không khổ gì bằng phải vào bệnh viện. Một người ốm thì cả nhà cũng khổ lây có vào đây mới hiểu được nỗi khổ nó thế nào. “Ở quê giờ này nghe có bão, mẹ thì ốm nặng, nhà cửa công việc của tôi và mấy anh em cũng đành bỏ bê cả”, chị Huệ trút nỗi buồn.

4 người 1 giường tại Bệnh viện K

Trời hửng sáng, cảnh người nằm co ro, mệt mỏi, ánh mắt thâm quầng sau những đêm thức trắng chăm cho người thân dường như quá quen thuộc. Khó khăn, vất vả là thế họ chỉ mong cho mình tới lượt lấy phiếu khám thật nhanh. Qua nhiều ngày thực tế tại các khu khám chữa bệnh như A9, cấp cứu, tim mạch, tai biến tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi sáng nhân viên bảo vệ đều canh gác không cho nhiều thân nhân vào khoa chăm nom, để dành sự tập trung cho đội ngũ bác sĩ. Tuy nhiên, ở các khoa thần kinh, cấp cứu, tim mạch… thân nhân vẫn phải ngồi chen lẫn cạnh bệnh nhân, nói chẳng ngoa, để có được chỗ ngả lưng “thoải mái” trong viện thì cũng không phải điều đơn giản. Đâu cũng có người, họ có thể nằm dưới ghế băng, góc hành lang, tán cây… Cảnh màn trời chiếu đất, mặc cho mưa phùn gió lạnh khổ nào ai thấu. Dạo qua các khoa tim mạch, ung bướu, cấp cứu tại các bệnh viện lớn khác như: Bệnh viện Nhi Trung ương (TƯ), Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện K, cảnh 3-4 bệnh nhân nằm chung một giường, chưa kể đến số lượng người nhà bệnh nhân nằm la liệt tại bất kỳ chỗ nào trong khuôn viên bệnh viện. Thực tế đó từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với người bệnh mà cả đội ngũ y bác sĩ.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản TƯ và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh các thai phụ đang chờ sinh phải nằm ghép giường chen chúc nhau xảy ra thường xuyên. Căn phòng ước chừng chỉ 20m2 có hơn 10 sản phụ đang nằm chưa kể người nhà vào chăm sóc. Thậm chí, một chiếc giường có tới 2 mẹ cùng 2 trẻ sơ sinh nằm. Chị Ngọc Cổ Nhuế, Hà Nội, một sản phụ than thở: “Người lớn khổ đã đành, chỉ lo cho các cháu cùng chịu chung cảnh này, vừa thiếu không khí lại chật chội. Tội nghiệp lắm!”. Biết làm sao khi thực trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn chưa thể khắc phục, mọi người bảo nhau cố chịu cảnh khổ vài ngày cho xong.

Đồng tâm sự, bác Duy Phú (tập thể 28 Điện Biên Phủ), một lần vào Bệnh viện Nhi TƯ đã xót xa khi chứng kiến các cháu bé ngoại tỉnh bị bệnh phải nằm viện, 6 cháu nhỏ nằm chen nhau, 6 cặp chân đen sì, các bà mẹ mặt khắc khổ, mỏi mệt… Có khi 1 cháu bị đi ngoài là lây sang cả 5 cháu kia. Mẹ con hết chỗ lại nằm vạ vật ở hành lang, người qua lại không khéo giẫm cả vào chân đứa trẻ. Chuyện ngủ ở hành lang rồi gầm cầu thang thì quá nhiều, trẻ con nằm lăn lóc với bố mẹ ở góc cầu thang, nhiều khi muốn rớt nước mắt. Dân mình khổ quá, bác Phú xúc động nói.

Đáng sợ hơn cả là sự quá tải hết sức nghiêm trọng tại Bệnh viện K, không phải nỗi sợ căn bệnh quái ác mà bệnh nhân mắc phải, mà là sự quá tải khủng khiếp đã tồn tại nhiều năm ở bệnh viện này. Chỗ nào cũng ngột ngạt hơi người, không có lối đi, thậm chí có nhiều người rụng sạch tóc, vung vẩy cầm cả ống truyền nước chen chúc giữa đám đông đi tìm một khoảng trống để… thở. Họ chủ yếu là bệnh nhân ở tỉnh xa về, đời sống hết sức khó khăn, họ duy trì sự sống bằng mọi cách có thể. Một người dân đã phải đau xót chia sẻ rằng: Đã nghèo còn mắc bệnh hiểm nghèo, thân phận của chúng tôi ngủ vạ vật đâu cũng được, họ đuổi mình lại chạy miễn có chỗ dung thân.

Đây thực sự là một gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ trong việc chăm sóc chữa trị. Áp lực công việc đè nặng lên các ca mổ, mỗi ngày đội ngũ bác sĩ ở đây thực hiện 40-50 ca, chưa kể đến nhiều ca khó phải kéo dài 4-5 tiếng. Được biết, tại Bệnh viện K trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, trong khi cơ sở vật chất lại chật hẹp, không thể đáp ứng một cách chu đáo cho nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh ngày một đông. Chính vì vậy việc thay thế máy móc, lắp đặt phương tiện kỹ thuật mới phục vụ điều trị rất khó khăn vì không có diện tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Bệnh viện K

Theo chân bác sĩ Nguyễn Hùng mục sở thị tại các khoa “nóng” của viện, có thể thấy hầu hết các phòng thuộc khoa ngoại đều chật cứng người. Cảnh “ăn chực, nằm chờ” của bệnh nhân cùng sự vất vả của đội ngũ y tá, bác sĩ phải làm việc cật lực trong căn phòng chừng 15m2 khiến người đến thăm không khỏi giật mình và chua xót. Việc theo dõi điều trị u bướu phải kéo dài gần tháng trời trong khi lượng bệnh nhân ngày một đông đổ dồn về là một bất cập. Bệnh nhân ngày một đông mà phòng bệnh lại thiếu, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, số lượng giường bệnh không đủ so với thực tế. Có mặt tại khoa hô hấp, gần giờ nghỉ trưa nhưng Bác sĩ Hùng cũng như những đồng nghiệp khác của anh ở quầy dược và các phòng khám khác vẫn phải tất bật khám bệnh, ghi phiếu, làm hồ sơ nhập viện, phát thuốc…

Bác sĩ Hùng bộc bạch: “Bất kể ngày đêm, chúng tôi đều tập trung làm việc hết công suất, thậm chí có ngày cao điểm số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi, gấp ba số giường bệnh tại khoa. Không ai muốn nhìn thấy những hình ảnh giống một bệnh viện “dã chiến” như thế, khó khăn là vậy nhưng biết làm sao?”. Ngoài việc chăm lo sức khỏe, các bác sĩ phải kiêm luôn việc tư vấn, động viên cho người bệnh.

Ước mơ "viện thông giường thoáng”

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đơn cử như Bệnh viện Nhi TƯ hiện có 700 giường cho bệnh nhân nội trú, nhưng trung bình viện phải tiếp nhận khoảng 1.300 bệnh nhân. Đặc biệt, những khoa như: Hô hấp, Sơ sinh, khoa Ngoại, khoa Lây có ngày tăng đột biến gấp 3–4 lần so với số giường bệnh. Phương án “tối ưu” nhất vẫn chỉ dừng ở chuyện kê thêm giường hoặc nằm ghép. Tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Nhi TƯ đã mở thêm khoa điều trị ban ngày cho các bệnh nhân vừa nội trú, vừa ngoại trú; mở khoa dịch vụ tình nguyện dành cho những người bệnh có điều kiện không muốn nằm chung. Việc làm này, một phần để giảm tải, một phần để bổ sung kinh phí hoạt động cho bệnh viện và cải thiện đời sống cho nhân viên.

Trong tiếng thở dài, Tiến sĩ Trần Minh Điển, PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ giãi bày: “Gánh nặng quá tải thực sự là một bài toán hết sức nan giải, cũng một phần vì lý do tâm lý, gia đình người bệnh thường muốn đưa con trẻ đến bệnh viện tuyến trên để khám chữa bệnh cho yên tâm bởi họ thiếu tin tưởng vào đội ngũ bác sĩ tại nơi mình sinh sống. Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, tình trạng vượt tuyến nhiều hơn, chính điều này dẫn sự quá tải nghiêm trọng cho bệnh viện tuyến trên. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhi chưa đến mức phải đưa lên tuyến trên cũng xin chuyển lên các bệnh viện danh tiếng trên thành phố, trong khi mức độ bệnh có thể điều trị tại những cơ sở y tế gần nhất. Có những trường hợp trẻ chỉ mọc răng, viêm họng thông thường, xót con gia đình cũng đành bỏ dở công việc đưa con vào chữa trị, họ đến đây quá đông gây không ít khó khăn trong công tác điều trị, chính điều này kéo theo hiệu suất lao động xã hội cũng giảm theo”.

“Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế, còn nhiều bệnh viện tuyến tỉnh gặp khó khăn. Đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, trình độ chuyên môn và cơ sở trang thiết bị còn hạn chế và thiếu thốn, gặp phải ca khó họ không xử lý được đành phải đưa lên tuyến trên chữa trị”, ông Điền nói thêm.

Những con số biết nói

Theo PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù BV đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để giảm tải cho các khoa như triển khai các kỹ thuật cao, giảm số ngày nằm điều trị của bệnh nhân. Xã hội ngày càng phát triển, giao thông thuận lợi và việc đầu tư kỹ thuật hiện đại xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân nên lượng bệnh nhân đến bệnh viện vẫn ngày một đông. Những tháng đầu năm 2011 tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại các khoa vẫn tăng hơn 17% (163,5%) so với năm 2010 ( 146,3%), có thể nói rằng, đây là tình trạng chung của một số bệnh viện lớn tuyến trung ương. Có nhiều nguyên nhân, một bệnh viện không thể giải quyết được tình trạng quá tải này.

Chen lấn, xô đẩy và thất vọng vì không thể có phiếu khám bệnh là cảnh thường gặp ở các bệnh viện TƯ

Chia sẻ những khó khăn, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Bệnh viện K cho biết: “Việc giảm tải của viện là vấn đề hết sức bức thiết. Mặc dù từ năm 2008, bệnh viện đã chuyển máy móc xuống điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, giảm được tương đối số bệnh nhân nội trú, ngoại trú và thực hiện nhiều biện pháp khác như giảm số ngày điều trị, giảm bệnh nhân nội trú, tăng giờ làm, cử cán bộ luân phiên hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh giảm bớt gánh nặng… Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn luôn ở mức cao (241%), trong vai trò chủ đạo đội ngũ cán bộ bệnh viện vẫn phải “gồng mình” làm việc cả 2 nơi. Mong mỏi của các bác sĩ phải làm sao gánh nặng quá tải được các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện mở rộng đầu tư thêm cơ sở vật chất. Hiện nay, bệnh viện mở thêm một cơ sở ở Tam Hiệp và đang gấp rút hoàn thiện thêm cơ sở nữa ở Tân Triều.

Giải pháp nhiều, thực thi khó?

Kế hoạch giảm tải cho các bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương được triển khai từ 2007. Qua 3 năm thực hiện từ năm 2008 đến nay, đề án được coi là khả thi nhất của ngành Y tế có nội dung “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (Đề án 1816) đã có gần 9.000 lượt cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Theo thống kê của Bộ Y tế, tuyến TƯ hỗ trợ tuyến tỉnh 4.000 lượt, tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện 2.000 lượt, tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt. Giải pháp đã khám chữa bệnh cho 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật 1.600 ca và cứu sống hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tạo dựng uy tín khám chữa bệnh cho cơ sở, giảm 30% số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên không phù hợp”.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân, tình trạng quá tải tại tuyến trên vẫn chưa được cải thiện nhiều. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai áp dụng mô hình khám, chữa bệnh qua điện thoại và tư vấn trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ bệnh tình của mình trước khi đến khám chữa bệnh. Ngoài ra, người bệnh được giải đáp mọi yêu cầu về thủ tục hành chính, tư vấn điều trị bệnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc giảm tải. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa phải xếp hàng từ 5 giờ sáng để lấy phiếu khám, đây không chỉ là nỗi khổ của người bệnh mà còn là áp lực cho các bác sĩ. Bởi mỗi ngày, trung bình các bác sĩ ở đây phải khám chữa bệnh cho khoảng 80 bệnh nhân.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa, khoa Khám bệnh theo yêu cầu thì: “Việc khám chữa bệnh theo yêu cầu để biết được số liệu bệnh nhân, bệnh tình để bác sĩ có thể chuẩn bị tốt hơn. Hàng ngày, các tư vấn viên có thể giúp bệnh nhân gặp gỡ trực tiếp với bác sĩ chỉ dẫn hướng điều trị và hẹn trước với bác sĩ, giáo sư theo mong muốn. Giải pháp giảm tải bệnh viện bước đầu đã được đông đảo bệnh nhân hưởng ứng, ngoài khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thí điểm đầu tiên, tiếp đến sẽ là khoa Ung bướu, khoa Nhi và khoa Sản. Từ thành công này, một số bệnh viện đầu ngành khác đã áp dụng như Bệnh viện Phụ sản TƯ”.

Giảm tải bệnh viện là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Phương hướng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2011 – 2016. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh vai trò của tuyến dưới, theo nghiên cứu tại các bệnh viện tuyến trên, khoảng 40-60% bệnh nhân vượt tuyến có thể điều trị ở tuyến dưới. Như vậy muốn giảm tải cho tuyến trên, cần phải làm tốt công tác nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị y tế cho tuyến dưới hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp dài hạn để bệnh viện giảm tải như: Tăng tiền đầu tư, tăng số giường bệnh và hệ thống các bệnh viện vệ tinh lân cận; thực hiện luân chuyển cán bộ, y bác sĩ trẻ vừa ra trường về vùng khó khăn công tác và xây dựng chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ trẻ. Phương án đã được đặt ra, tuy nhiên việc thực hiện tốt hay không còn phải phụ thuộc vào các giải pháp đồng bộ, trách nhiệm vai trò từ nhiều phía.

Theo số liệu báo cáo tính đến ngày 31/12/2010 cả nước có 1.148 bệnh viện với 191.020 giường bệnh. Số lượng bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú hàng năm là hơn 120.000 lượt, điều trị nội trú là hơn 10 triệu lượt. Bệnh viện phải thực hiện hàng chục triệu thủ thuật và khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp mỗi năm. Do đó, tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả các bệnh viện lớn, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa. Tại Bệnh viện K Hà Nội, Khoa Tia xạ tổng hợp quá tải 365%. Khoa Ngoại phụ quá tải 364%, khoa Tia xạ đầu cổ quá tải 318%… Đây là bệnh viện có tỉ lệ quá tải cao nhất cả nước. Tiếp đến là các Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt – Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương… Các bệnh viện này đều có tỉ lệ quá tải thấp nhất là 122%, cao nhất là 210%. Đây quả là một thực trạng đáng báo động.

Mạnh Kiên