PTSC tự tin tham gia vào tất cả các dịch vụ điện gió ngoài khơi
Hệ quả biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thế giới, theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Nhận thức được mối đe dọa của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), tháng 11/2021, một số quốc gia tiên phong đã đưa ra những cam kết cụ thể hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào 2030, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%. Điều này phù hợp với chủ trương trước đó của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Để hiện thức hóa cam kết Net Zero tại COP26, việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch đang được các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, cũng như các tập đoàn, công ty, các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh trong và ngoài nước hết sức quan tâm. Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch điện VIII đang dần hoàn thiện.
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận |
Là một tập đoàn năng lượng hàng đầu của quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước đi cụ thể để ứng phó với chuyển dịch năng lượng, thông qua việc đề xuất Chính phủ cho phép Tập đoàn tham gia vào phát triển điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo, năng lượng mới nói chung, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55.
Qua nghiên cứu xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới và Việt Nam, cũng như định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới của Petrovietnam, PTSC nhận thấy điện gió ngoài khơi là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, đồng thời có sự tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi mà PTSC đã khẳng định được năng lực, kinh nghiệm và có nhiều lợi thế khi triển khai thành công rất nhiều dự án. Bên cạnh đó, thời gian qua PTSC cũng đã tham gia vào hầu hết các công đoạn ở nhiều dự án điện gió trên đất liền và gần bờ tại thị trường trong nước. Việc tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi sẽ là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi giá trị một dự án điện gió chuyên nghiệp gồm: Khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, PTSC đã đề xuất và được Petrovietnam chấp thuận, Đại hội đồng cổ đông thông qua chức năng đầu tư, phát triển điện gió. Đây sẽ là tiền đề để PTSC mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực Offshore thế mạnh của mình.
Theo nghiên cứu của PTSC, để triển khai thành công một dự án điện gió từ giai đoạn tìm kiếm địa điểm đầu tư, đến chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khảo sát, cho đến lúc phát điện thương mại mất khoảng 5 - 6 năm. Do đó, PTSC đã chuẩn bị các bước đầu tư điện gió từ rất sớm trước khi bổ sung lĩnh vực điện gió vào ngành nghề kinh doanh của mình, bao gồm: Công tác marketing, tìm kiếm đối tác, tham dự các hội thảo chuyên ngành về lĩnh vực điện gió do Bộ Công Thương tổ chức, cũng như hội thảo do các đại sứ quán của các nước có năng lực về điện gió ngoài khơi như Đan Mạch, Hà Lan, Đức,… tổ chức, từ đó gặp gỡ đối tác, cập nhật thông tin cũng như các xu hướng chiến lược phát triển điện gió, năng lượng sạch của Việt Nam và các quốc gia lớn trên thế giới.
Qua thời gian dài tích cực chuẩn bị, phát triển thị trường, PTSC đã làm việc và ký thỏa thuận hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác tiềm năng, chuẩn bị cho các bước đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi. PTSC cũng đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm; Cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại - Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh. PTSC cũng đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận. Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation - OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan… Cùng với đó, PTSC tích cực làm việc với các tỉnh thành có tiềm năng điện gió như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,… để tìm kiếm cơ hội đầu tư, cung cấp dịch vụ cho các dự án điện gió.
Với năng lực, kinh nghiệm, hệ thống cơ sở vật chất, bãi chế tạo, hệ thống cảng phục vụ cho các dự án trong ngành công nghiệp Dầu khí, PTSC tự tin hoàn toàn có đủ khả năng tham gia vào tất cả các công đoạn dịch vụ của các dự án điện gió ngoài khơi.
PTSC cho biết, tham gia đầu tư điện gió ngoài khơi, ngoài việc sở hữu khai thác các dự án, đây còn là tiền đề tạo điều kiện cho PTSC có cơ hội cung cấp các dịch vụ đi kèm về khảo sát, thiết kế, thi công, chế tạo, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng sau này, nhằm đa dạng hóa hoạt động SXKD khi vòng đời của một dự án điện gió ngoài khơi kéo dài từ 15 - 20 năm.
Với nguồn lực dồi dào hiện có, cơ sở pháp lý đầy đủ, cùng truyền thống khát khao chinh phục những thử thách mới, PTSC tin rằng điện gió ngoài khơi sẽ mở ra một chu kỳ phát triển mới cho PTSC theo đúng tinh thần “PTSC: Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”. PTSC luôn tìm kiếm những giải pháp mới để giữ trọn niềm tin của khách hàng, đối tác, cổ đông, góp phần chung tay cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ.
M.P
- Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp
- Chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng: 3 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện xong trước cuối năm 2025
- Bài 5: TS Nguyễn Anh Tuấn: Luật hóa chính sách là nền tảng cho sự phát triển NLTT vững chắc và lâu dài
- Bài 4: Phát triển Năng lượng tái tạo: Cần pháp lý minh bạch, ổn định
- Bài 3: Cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo
-
Vì sao iPhone 16 bị cấm bán tại Indonesia?
-
SEMICON VIETNAM 2024: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam và quốc tế
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày