Phong & Bàng
Học giả An Chi: Bạn đã khẳng định đúng: phong và bàng là hai loài thực vật khác hẳn nhau. Trong tiếng Việt, “phong” là tên của một số loài thuộc Chi Phong hay Chi Thích mà tên khoa học là Acer. Còn “bàng” là một loài mà tên khoa học là Terminalia catappa, thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae). Nhưng đây là chuyện thực vật còn về chuyện ngôn ngữ thì xin nói như sau.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng ngắn gọn “phong” [楓] là cây bàng. Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp thì đi hơi xa mà giảng là cây găng. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng thì dè dặt: “Tên một loài cây. Ta có người cho là cây bàng”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì chi tiết hơn và rất đúng: “Cây phong, lá nó đến mùa thu thì đỏ đẹp, mùa xuân thì nở hoa xúm xít như quả bóng tròn. Đời nhà Hán hay trồng cây phong ở trong cung; vì thế đời sau gọi nơi cung cấm nhà vua là phong thần [楓宸] hay phong bệ [楓陛] là vì lẽ đó”. Nhưng cứ như tên khoa học đã thấy của hai loài thì tất nhiên “phong” không phải là cây bàng, mặc dù nhiều người cho là phải, như chính bạn đã nhận xét. Chỉ khi đụng đến thực tế của “hiện vật” thì người ta mới thấy mình bị “kẹt”. Trong hai câu Kiều:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Chẳng hạn, thì làm sao “phong” có thể là cây bàng cho được? Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), chính Đào Duy Anh cũng đã giảng “phong” là “một giống cây đến mùa thu thì lá đỏ ra rồi rụng”. Ở đây, ông cũng đã phải giảng theo kiểu miêu tả chứ không thể “đối dịch” thành “[cây] bàng” được. Ấy thế nhưng có người vẫn hiểu một cách rất tự nhiên rằng “phong” là (cây) bàng. Cũng như nhiều người đã hiểu và giảng một cách tự nhiên rằng “đỗ quyên” là chim cuốc mặc dù đỗ quyên của Tàu thuộc họ cu cu còn chim cuốc thì thuộc họ gà nước (trong Từ điển Truyện Kiều thì Đào Duy Anh đã giảng rất đúng về chữ “quyên”).
Vậy do đâu mà có chuyện hiểu nhầm “phong” thành “bàng”? Cái gốc của vấn đề ở đây liên quan đến lịch sử ngữ âm của chữ “phong” [楓] và việc ứng dụng từ “bàng” theo thực tế của Việt Nam. “Bàng” là âm tiền thân của “phong” trong lĩnh vực Hán Việt.
Về mối quan hệ phụ âm đầu B ↔ PH, chúng tôi đã từng chứng minh B là tiền thân (nghĩa là xưa hơn) của PH, như: - “buồm” xưa hơn (xh) “phàm” [帆]; - “bám” xh “phan” [攀] (= níu , kéo, vịn vào… Đây là một âm rất xưa, khi M cuối còn chưa bị thay thế bằng N); - “bẹp” trong “nằm bẹp” xh “phạp” [乏], là thiếu, không còn gì, mệt nhọc; - “bún” xh “phấn” [粉], mà nghĩa gốc là bột; - “bẩn” xh “phẩn” [糞], là xấu xa, là phân người; - “bật” trong “bật bông” xh “phất” [拂], là phủi qua phủi lại, là quét; - “bấy” trong “nát bấy” xh “phế” [廢] là hư nát; - “bây” trong “bài bây” (= trò bất lương) xh “phi” [非], là sai quấy; - “bay” trong “bay nhảy” xh “phi” [飛] là bay; v.v... và v.v… Đặc biệt đáng chú ý là điều ghi nhận sau đây của Nguyễn Tài Cẩn:
“c. Xét theo hiện tượng dị văn (viết khác nhau) chúng ta thấy trong Kinh Thi có đến mấy cách ghi hai chữ bồ bặc (khi thì ghi bồ phục, khi thì ghi phù phục), trong Sử có khi ghi Phục Hy có khi ghi Bào Hy; có khi ghi Sĩ Phòng có khi ghi Sĩ Bành.
“d. Xét về tên đất, tên người, Hán ngữ sử cảo cho chúng ta biết ở Sơn Đông có Phí huyện bao giờ cũng viết là Phí mà đọc là Bí; xưa có nhà thiện xạ Bồng Mông bao giờ cũng đọc Bồng (hoặc Bàng) mà viết là Phùng”. (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.141).
Cuối cùng thì chính chữ “phong” [楓] cũng có cách đọc với phụ âm đầu B, như đã được ghi nhận trong Tập vận (dẫn theo Khang Hy): “Bi liêm thiết, âm biêm” [悲廉切音砭]. Thiết ngữ đệ nhất tự (Chữ trước [thứ nhất] trong phần thiết âm) là BI, kết quả thiết âm là BIÊM thì đương nhiên thanh mẫu (tức phụ âm đầu) của “phong” [楓] phải là B.
Còn về nguyên âm chính Ô ↔ A thì trước nhất ta có trường hợp quen thuộc là chữ “bộ” [簿], có nghĩa là sổ sách, thường đọc thành “bạ”, như có thể thấy trong “địa bạ”, “học bạ”, “y bạ”, v.v… Ngoài ra, ta còn có “bá” [播] trong “truyền bá” là đồng nguyên tự của “bố” [布] trong “bài binh bố trận” [排兵布陣]. Vương Lực đã chứng minh mối quan hệ này trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.445). Chẳng những thế, tại đây, Vương Lực còn phục nguyên cho chữ “bố” nguyên âm chính là A [a] nữa. Còn nữa. Chữ “cá” [個,箇], đơn vị từ, hài thanh bằng chữ “cố” [固]. V.v... và v.v… Và chúng tôi xin đặc biệt lưu ý bạn và bạn đọc rằng chính chữ “bang” [邦] là nước lại được hài thanh bằng chữ “phong” [丰], có nghĩa là nhiều, đầy đủ; rồi chữ “bang” [幫] là giúp đỡ thì lại được hài thanh bằng chữ “phong” [封] là gói lại, đóng kín (như trong “niêm phong”, “phong tỏa”, v.v...). Điều đặc biệt hơn nữa là chính chữ “phong” [楓] cũng từng được đọc với nguyên âm A [a] thành “phàm”, như đã được ghi nhận trong Đường vận: “Phù hàm thiết, âm phàm” [符咸音凡] (Dẫn theo Khang Hy). Còn theo Tập vận thì chữ “phong” [楓] này cũng còn dùng cho chữ “phàm” [杋], cũng là tên một loài thực vật (Lại dẫn theo Khang Hy).
Vậy thì chẳng có gì lạ nếu PHONG ↔ BÀNG về mặt ngữ âm. Nói một cách khác, từ xưa, trước khi có âm “phong” thì chữ [楓] đã từng có thời đọc thành “bàng”. Còn về ngữ nghĩa thì sao? Theo chúng tôi, trước khi tiếp xúc với âm “phong” của chữ này thì người Việt đã tiếp xúc với âm “bàng” của nó. Ban đầu thì tất nhiên là, trong sách vở, trí thức người Việt đã dùng từ “bàng” để chỉ cây phong bên Tàu (mà cũng có thể đã có không nhiều ở một vài địa phương cá biệt tại Việt Nam), tức loài thực vật tương ứng với “érable” của Pháp và “maple” của tiếng Anh, mà chúng tôi ghi là “bàng1”. Đến khi họ gặp cây bàng đích thực - tiếng Pháp là “badamier”, tiếng Anh là “Indian almond” (và một số cách gọi khác) còn tiếng Tàu là “lãm nhân thụ” [欖仁樹] - cũng không phải vốn là cây bản địa ở Việt Nam thì họ cũng gọi nó theo ẩn dụ là cây “bàng”, mà chúng tôi ghi là “bàng2”, có lẽ vì thấy lá của nó cũng chuyển sang màu đỏ rồi rụng như lá phong. Rồi đến khi âm “phong” ra đời để thay thế cho âm “bàng” của chữ [楓] thì người ta mới dùng âm “phong” để chỉ cây phong nhưng vẫn giữ âm “bàng” để chỉ cây bàng. Đây là một hiện tương bình thường trong sự chuyển biến âm - nghĩa của từ, ngữ.
Bạn hỏi chúng tôi tại sao lại có cách giảng “phong là [cây] bàng” thì chúng tôi xin trả lời rằng vì “bàng1” là tên xưa của cây phong nên sau khi “bàng1” đã chuyển âm thành “phong” thì người ta đương nhiên phải hiểu và phải dạy rằng “phong là [cây] bàng”, dĩ nhiên là “bàng1”. Nhưng sau đó lại xuất hiện một cách gọi tên theo ẩn dụ là “bàng2” để chỉ cây bàng. Cái cách hiểu theo truyền thống “phong là [cây] bàng” vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, điển hình là trong từ điển của Đào Duy Anh, mà người ta không biết rằng từ “bàng” này, tức “bàng1” đã “chết”, nghĩa là đã trở thành một từ cổ và đã được thay thế bằng từ “phong”. Còn “bàng2” lại là một từ hiện hành dùng để chỉ cây bàng chứ không phải cây phong. Để cho thật rạch ròi, chúng tôi xin khẳng định rằng từ vựng của tiếng Việt có 3 danh từ “bàng” khác nhau dùng để chỉ thực vật:
- “bàng1” là một từ cổ dùng để chỉ cây phong;
- “bàng2” là bàng lá đỏ mà Tàu gọi là “lãm nhân thụ”;
- “bàng3” là loài cỏ cao và thẳng giống như cây cói dùng để đan đệm, nốp, v.v…
Cứ như trên thì “bàng” trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh là “bàng1”, tức là cây phong, chứ không phải cây bàng, mà chúng tôi đã ghi bằng “bàng2”.
A.C
Năng lượng Mới số 522
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến