Phó thủ tướng: Bốn nhà băng lớn sẽ kịp tăng vốn trong 2020
Thông tin trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi ông thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2020 tại hội nghị với các địa phương sáng 30/12.
Ông cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành tiền tệ vẫn là chủ động, linh hoạt với chính sách tài khoá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát. Đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn Basel II. Đề cập tới tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước giữ trên 50% vốn và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank), Phó thủ tướng thông tin sẽ "được tiến hành kịp thời" trong năm 2020.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: PV |
Hiện, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) - một trong những tỷ lệ quan trọng của hoạt động tài chính ngân hàng, của 4 nhà băng Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã tiến sát ngưỡng cho phép theo Thông tư 41/2016 và quy định Basel II. Tín dụng cho vay trên thị trường 1 (thị trường dân cư) của nhóm ngân hàng này chiếm gần 48% toàn hệ thống.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ tháng 11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc không được tăng vốn kịp thời sẽ khiến các nhà băng này "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng". Điều này bất lợi khi vốn đầu tư ở Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc... cũng sẽ được thực hiện quyết liệt trong năm sau.
Nghị quyết 01 lần này vẫn đưa ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, dù theo nhiều chuyên gia đây là thách thức không hề nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 760.000 doanh nghiệp. Riêng năm 2019 có thêm 138.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 5% so với 2018.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế; đưa ra giải pháp cụ thể tăng 10 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng nhấn mạnh quan điểm Chính phủ siết chặt quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn và "không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia". Cân đối đủ nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Giá điện và một số giá dịch vụ công thiết yếu sẽ được thực hiện theo lộ trình giá thị trường.
Cũng theo Nghị quyết 01, Chính phủ cho biết, sẽ sửa đổi quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, ô nhiễm môi trường, nước, không khí, nhất là ở Hà Nội và các đô thị lớn. Về tinh giản biên chế, mục tiêu 2020 là giảm 10% và hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính trong năm 2020.
Theo VNE
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Giá vàng hôm nay (15/11): Phục hồi sau phiên giảm sâu