Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phát triển bền vững ngành điện: Cơ khí điện lực đóng vai trò then chốt

14:03 | 20/06/2014

1,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
60 năm qua, ngành điện đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên để có thể tự lớn mạnh bằng nội lực thì lĩnh vực cơ khí điện, chế tạo trang thiết bị điện phải tự chủ và đi đầu. Muốn như vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, cụ thể hóa quyết sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các cơ chế, chính sách, qua công cụ thuế, quy định về đấu thầu... Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Đậu Đức Khởi - Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam (VELINA).

Năng lượng Mới số 331

PV: Xin cho ông cho biết khái quát về năng lực của các doanh nghiệp cơ khí điện, chế tạo thiết bị điện trong nước hiện nay?

TS Đậu Đức Khởi: Từ chỗ thiết bị điện, trang bị điện đều phải nhập ngoại thì đến nay, chúng ta đã sản xuất được cột điện cao đến 164m như cột vượt sông Tiền chẳng hạn. Hệ thống cột 500kV, chúng ta cán kéo được tất cả dây dẫn trên không đến 500kV. Những thứ này khi thi công đường dây 500kV mạch 1 đều phải nhập. Ngoài ra, chúng ta cũng đã chế tạo được máy biến thế 450kVA - 500kVA do thành viên hiệp hội là Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh sản xuất.

Hiện hiệp hội đã cùng các doanh nghiệp thành viên tạo dựng thành một thị trường về thiết bị kỹ thuật điện Việt Nam lớn mạnh, cung cấp đủ các vật tư, thiết bị kỹ thuật điện cho lưới điện từ 35kV trở xuống, cung cấp một số thiết bị có điện áp đến 110kV, 220kV, các loại cột thép mạ kẽm và cáp nhôm trần cung cấp cho lưới điện từ 500kV. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã sản xuất các loại cáp bọc cho nhu cầu ngầm hóa lưới điện trong các thành phố, các loại khí cụ điện, tủ bảng điện, động cơ điện các loại và công tơ cơ khí, điện tử cho nền kinh tế xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu cho thị trường thế giới như các nước khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Trung Đông…

VELINA có hơn 100 thành viên, có cả thành viên nước ngoài như Hiệp hội Phần mềm Thái Lan, Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Thái Lan, Hiệp hội Cơ khí Hàn Quốc… Và hiện chúng tôi tiếp tục phát triển hội viên, nước ngoài. Hiệp hội nghề của Đức mới đây cũng rất mong muốn phối hợp hoạt động với chúng tôi.

Anh hùng Lao động, TS Đậu Đức Khởi - Chủ tịch VELINA

Đến nay, các thành viên hiệp hội đã xuất khẩu gần 100 triệu USD ra thị trường các nước và hiệp hội cũng đang cùng với các thành viên của mình thực hiện một số dự án như sản xuất sứ chuỗi cho lưới điện cao thế.

Có thể khẳng định, Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam đã thực sự là mái nhà chung của các doanh nghiệp thành viên, là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đóng góp ý kiến cho một số chủ trương chính sách phát triển kỹ thuật điện cho Đảng và Nhà nước.

PV: Ông từng giữ trọng trách Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước khi làm Chủ tịch VELINA, xin ông cho biết đâu là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của ngành cơ khí điện lực hiện nay?

TS Đậu Đức Khởi: Năng lực của các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị điện của Việt Nam không kém nhưng với những chính sách hiện tại, nhất là về thuế đều không thuận lợi thì con đường đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường là không thể. Đơn cử, một gói thầu kết cấu kim loại cho các trạm 220kV, 500kV, cơ khí điện lực chúng ta làm tốt, mã kẽm nhúng nóng, chất lượng tương đương với nước ngoài nhưng chúng ta không có trung tâm kiểm định chất lượng, không có được chứng chỉ chất lượng quốc tế nên phải làm qua Tập đoàn Siemens. Cần nói thêm, chứng chỉ chất lượng này là bắt buộc khi cung cấp thiết bị cho các công trình, nhất là những công trình, dự án trọng điểm. Tuy nhiên, để có chứng chỉ chất lượng này, số tiền bỏ ra không hề nhỏ, lên tới cả triệu USD. Việt Nam chưa có một trung tâm kiểm định chất lượng tầm cỡ và được công nhận cấp độ quốc tế. Do đó, nếu có thể, theo tôi là phải xây dựng gấp trung tâm kiểm nghiệm tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Được công nhận và có chứng chỉ chất lượng rồi, sản phẩm cơ khí điện lực, trang thiết bị điện Made in Vietnam có thể đường hoàng bước ra thị trường.

PV: Nhiều dự án điện của chúng ta các nhà thầu Trung Quốc thi công, liệu hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển nước ta có ảnh hưởng đến ngành điện không, thưa ông?

TS Đậu Đức Khởi: Thi công xây dựng nhiệt điện, tính phức tạp cũng đòi hỏi cao hơn, tư vấn ngành điện, tư vấn Việt Nam chưa đủ khả năng và cũng không thể đóng vai trò tổng thầu được. Hiện những dự án có số lượng kỹ sư, công nhân Trung Quốc tập trung đông là Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải… Sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta gây phẫn nộ trong nhân dân.

Những người Trung Quốc làm việc tại các trung tâm nhiệt điện này vẫn có phần nào lo ngại. Cũng có một số người đã bỏ về nước. Ngay sau đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và địa phương đã gặp gỡ, trao đổi và có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc tại các dự án này. Và tình hình theo tôi biết thì đến nay đã ổn định, các dự án nhiệt điện đã trở lại hoạt động bình thường.

PV: Ngành điện sắp sửa kỷ niệm 60 năm, chặng đường này ghi nhận những thành quả nhưng cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết của ngành điện. Theo ông, để ngành điện phát triển thực sự bền vững và lớn mạnh cần những yếu tố gì?

Công tơ điện do Việt Nam tự sản xuất

TS Đậu Đức Khởi: Rõ ràng, ngành điện phải tự đứng trên đôi chân của chính mình thôi. Điện lực phải “đi trước một bước” và muốn tự chủ, đi trước thực sự được hay không thì cơ khí điện lực, chế tạo thiết bị điện phải đủ mạnh, không phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, phải hình thành sớm thị trường điện, giá điện chỉ công khai minh bạch khi giá cả được quyết định bởi cung - cầu. Hiện, ngành điện chưa có dự phòng thì cũng đồng nghĩa với việc chưa hình thành được một thị trường điện lực cạnh tranh đúng nghĩa. Và theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2015, các tổng công ty phát điện (GENCO) sẽ tách ra, tạo điều kiện cho việc minh bạch giá điện và đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh. Riêng với cơ khí điện lực, do đóng vai trò then chốt quyết định sự phát triển bền vững của ngành thì rất cần chính sách thuế cũng phải thực sự phù hợp và ưu đãi cụ thể.

Như Trung Quốc, họ mất 15 năm để phát triển cơ khí điện và chế tạo thiết bị điện. Từ chỗ phải đi nhập khẩu các nước châu Âu, giờ đây, họ đã cung ứng đủ cho các dự án điện trong nước và xuất khẩu với lượng khổng lồ. Trong đấu thầu tại các nước, họ còn bỏ thầu với giá thậm chí là ai cũng biết chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ. Nhưng theo kinh nghiệm và tìm hiểu của tôi, các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo thiết bị điện Trung Quốc được hưởng một nguồn tài chính từ việc chính sách của nhà nước họ “thưởng ưu đãi” cho các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tốt.

Nhìn lại chúng ta thì sao? Chúng ta đang tự “mang dây buộc mình”. Tôi chỉ nêu thêm 1 ví dụ: Thị trường biến thế đo lường có biến điện thế và biến dòng điện. Nếu theo quy phạm là 0,2% độ chính xác thì Việt Nam chưa chế tạo được biến thế đo lường. Chúng ta phải nhập về biến điện thế với thuế suất nhập khẩu là 5%. Biến dòng điện thì lại chịu mức thuế 21%. Theo tôi, mức thuế xuất nhập khẩu cho các thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất, chế tạo công nghiệp điện chỉ nên ở mức 0,5% mới khuyến khích được các doanh nghiệp chế tạo và hạ giá thành sản phẩm khi sử dụng những linh kiện phải nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn đầu này.

Điện lực chỉ trở nên “cường tráng” khi bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam có những nhà máy cơ khí điện lực, chế tạo trang thiết bị điện ngang tầm khu vực. Cũng nói thêm, Bộ Chính trị vận động toàn dân “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng rào cản từ thuế, quy chế đấu thầu, quy chế vay vốn nước ngoài lại đang kéo lùi bước tiến và làm giảm nhiệt huyết của các doanh nghiệp cơ khí điện. Những rào cản này cần nhanh chóng được khắc phục và sớm điều chỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam là tổ chức liên kết của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, tư vấn, xây lắp, đào tạo, kinh doanh, sử dụng quản lý vận hành các thiết bị vật tư kỹ thuật điện ở Việt Nam. Mục đích của hiệp hội là liên kết, hợp tác hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về kinh tế, công nghệ kỹ thuật để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của xã hội mà trước mắt là ngành điện Việt Nam.

 

Ngọc Thọ