Phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn
TS Trần Đình Thiên. |
Từ tình hình kinh tế thời gian qua, ông có nhận xét gì về sự phối hợp điều hành vĩ mô này?
Sự phối hợp điều hành chính sách vĩ mô được nhấn mạnh bằng Quyết định ban hành Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8/2013. “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” giữa 4 bộ là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã được triển khai từ năm 2014.
Thực tế thì từ đó, vĩ mô đã ổn định trở lại. Sự phối giữa các bộ đã tích cực hơn, thể hiện rõ nhất là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên sự phối hợp hành động chưa đi vào cội gốc vấn đề mà vẫn là sự phối hợp để chữa cháy.
Chúng ta đã thấy rõ ngân sách rất eo hẹp, nguồn thu ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng vay nợ nhiều và tăng phát hành trái phiếu chính phủ. Người mua trái phiếu nhiều nhất là hệ thống ngân hàng, vô hình trung mấy năm gần đây NHTM trở thành người thực hiện chức năng trở lại giúp huy động vốn cho Chính phủ.
Trên thực tế đây là một sự phối hợp tốt nhưng phối hợp tốt như thế này là điều tôi không mong muốn, và cả nền kinh tế không mong muốn, không đúng với kỳ vọng của sự phối hợp.
Nói như vậy không phải là đổ lỗi cho Bộ Tài chính mà bởi cơ chế ngân sách hiện hành của chúng ta dẫn đến như vậy. Chúng ta cần phải thay đổi căn bản trong cơ chế vận hành, chức năng hoạt động, trách nhiệm của từng bộ máy chức năng.
Vậy cần điều chỉnh sự phối hợp này từ đâu?
Để có sự phối hợp tốt như kỳ vọng, trước hết, Bộ Tài chính phải làm tốt nhiệm vụ cân đối ngân sách với thao tác đầu tiên là giảm chi ngân sách để giảm vay nợ, giảm phát hành trái phiếu chính phủ. Tiếp theo là phát triển thị trường trái phiếu để thu hút nhiều người mua khác ngoài NHTM.
Cần hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. |
Nếu vẫn tiếp tục phối hợp tốt kiểu cứ trái phiếu phát hành là có NHTM mua thì đó là kiểu phối hợp ngược xu thế. Nền kinh tế kỳ vọng ở sự phối hợp sao cho hệ thống ngân hàng tập trung vốn cho DN được như đã làm ở thời kỳ khoảng 10 năm trước. Nếu muốn làm được như vậy, trước hết phải cải cách lại hệ thống, giảm số người hưởng lương từ ngân sách. Đồng thời phải sửa Luật Ngân sách. Nếu vẫn duy trì nguyên tắc ngân sách mềm và vẫn có bộ máy hành chính cồng kềnh và số người hưởng lương ngân sách lớn như bây giờ sẽ rất khó cho Bộ Tài chính.
Một vấn đề chính sách là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và tạo nền tảng tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Có ý kiến cho rằng để thúc đẩy kinh tế có thể tăng khai thác dầu, hoặc tăng đầu tư, mở tín dụng. Và ý kiến của ông?
Đề xuất gia tăng sản lượng khai thác dầu thô có thể xuất phát từ việc gia tăng sản lượng dầu thô đóng góp khá nhiều vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015. Đề xuất này không mới, nhưng khó có nhiều hiệu quả thực tế trong điều kiện hiện nay do: giá dầu thô chưa phục hồi vững chắc. Và nếu cứ muốn tăng trưởng lại khai thác dầu thì đi ngược với định hướng tái cơ cấu kinh tế theo hướng ít dựa vào khai thác tài nguyên thô.
Vậy theo ông, làm thế nào để thúc tăng trưởng?
Tăng đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng, về nguyên tắc thì là đúng rồi, nhưng nó cũng không thực tế với tình hình hiện nay. Bởi bây giờ mà tăng đầu tư thì hiệu quả tăng trưởng nó trượt sang năm sau chứ không đẩy được chỉ số tăng trưởng của năm nay. Hơn nữa nếu Chính phủ cứ tăng đầu tư rồi lại tăng phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu trong nước, thì Chính phủ lại cạnh tranh hút vốn với DN tư nhân, Chính phủ lại trở thành người cản đường DN tư nhân trong lúc Chính phủ đang muốn vực khu vực DN này lớn mạnh.
Vì vậy, chúng ta phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì năm nay có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng. Hơn nữa, như tôi đã nói, có dốc sức ra để cố đạt mục tiêu tăng trưởng cũng không kịp. Tất nhiên, chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó khăn, nhưng không thể đòi hỏi kết quả tức thời mà phải kiên trì để hướng đến sự bền vững.
Tôi nghĩ là để thúc tăng trưởng hiệu quả và bền vững, Chính phủ vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô như Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội. Giải pháp căn bản hơn là phối hợp điều hành vĩ mô của 4 bộ tốt hơn, quyết liệt hơn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng và quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.
Nếu Chính phủ cố dốc sức cho tăng trưởng bằng mọi cách, bằng việc đổ vốn vào thì sẽ tổn hại đến vĩ mô, như vậy lại lặp lại câu chuyện 5 năm trước. Về mặt chiến lược hơn, như định hướng của Chính phủ mà tôi cho là đúng, đó là hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cách làm mang tính chiến lược chứ không phải là hô hào bỏ vốn ra trong ngắn hạn.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Tri Nhân
Thời báo Ngân hàng
-
Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 29/10: Giá vé máy bay Tết 2025 tăng 8 - 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP về đích năm 2024
-
Cần sự điều tiết của Nhà nước để chính sách thuế GTGT phân bón 5% đạt kỳ vọng
-
Giá vàng hôm nay (9/11): Tiếp tục giảm
-
Hợp tác Việt Nam - EU theo hướng phát triển xanh và bền vững
-
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU: Nỗ lực thích ứng vì một tương lai bền vững
-
Khai mạc triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế đầu tiên tại Việt Nam