Phải có lộ trình xây dựng thương hiệu quốc gia
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Diễn đàn do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Thư kí chương trình Thương hiệu Quốc gia tổ chức. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày thương hiệu Việt Nam 20/4 và chuẩn bị cho Lễ công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 năm 2016.
Tham dự diễn đàn có ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam; ông Đỗ Kim Lang- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; TS. Bùi Thế Đức- Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Ban tư vấn chương trình Thương hiệu quốc gia, cùng các đại diện Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia (THQG)...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Việc xây dựng thương hiệu Quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng. Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường Quốc tế là có triển vọng. Song phải có thời gian, phải có lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm, vừa bằng sự hỗ trợ của nhà nước, các bộ ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, mới tạo ra bước đột phá”.
Tại diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đã giới thiệu về nội dung Chương trình THQG, cũng như các hoạt động mà Chương trình đã đạt được trong thời gian qua. Chương trình THQG là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh ngiệp trong nước.
Và theo thống kê, tính đến nay chương trình đã tiến hành 4 đợt lựa chọn các Doanh nghiệp và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu quốc gia. Cụ thể, năm 2008 là 30 doanh nghiệp, năm 2010 là 43 doanh nghiệp, năm 2012 là 54 doanh nghiệp, năm 2014 là 63 doanh nghiệp. Trong đó nhiều doanh nghiệp liên tiếp đạt giải thưởng trong nhiều năm như: 14 doanh nghiệp lần thứ 2 liên tiếp, 11 doanh nghiệp lần thứ 3 liên tiếp và 23 doanh nghiệp lần thứ 4 liên tiếp đạt THQG.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Về định hướng hoạt động của chương trình THQG từ nay đến 2020, ông Đỗ Kim Lang cho rằng cần phải xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua hoạt động phối hợp các chương trình, hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các Bộ/ ngành thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kin doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dưng THQG.
Cùng với đó là xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể theo ngành hàng hoặc chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương có năng lực cạnh tranh xuất khẩu để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành. Tăng cường quảng bá THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chuyên ngành, các sự kiện thương mại quốc tế ở trong và ngoài nước, và giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh rằng, để hoạt động xây dựng THQG đạt kết quả, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hình ảnh và thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập Quốc tế sâu rộng.
Theo ông Bùi Thế Đức- Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều người nước ngoài không biết đến hoặc không biết đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Thương hiệt hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa, vào thị trường thế giới vẫn phải qua trung gian, bị các đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới...
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi hàng hóa, thương hiệu Quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường Quốc tế càng rộng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Biên giới hành chính có khi bị ‘mờ’ đi khi hàng hóa dịch vụ của quốc gia này chiếm lĩnh lãnh thổ Quốc gia khác. Do đó để tránh bị ‘xâm chiếm’, lệ thuộc vào kinh tế, bị thua thiệt, trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của nước khác, thành bãi rác đồ cũ thì chúng ta phải chủ động phát huy nội lực, trên dưới đồng lòng chung sức, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp tâm huyết xây dựng thương hiệu dựa trên tính độc đáo, sự khác biệt, khả dụng, tính truyền thống và tính sáng tạo của hàng hóa, dịch vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thế giới.
Để có thể tham gia đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia, vai trò công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới cần được các cấp các ngành, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn, đầu tư chiến lược hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm có lợi thế so sánh. Làm tốt công tác tôn vinh khen thưởng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam có chất lượng cao, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp tốt hơn giữa doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Huyền Nguyễn
-
Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67% so với cùng kỳ
-
Hoa Kỳ tiếp tục tìm mua 3 triệu thùng dầu dự trữ khẩn cấp
-
Áp thuế GTGT 5% không có nghĩa sẽ làm tăng giá phân bón
-
Các hiệp hội đứng về nông dân đồng loạt ‘mong’ áp thuế GTGT phân bón 5%
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón