Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Pha Đin là Vách Núi Đất

07:00 | 21/09/2014

|
Bạn đọc: Chuơng trình “Khám phá Việt Nam” trên VTV1 sáng 10-9-2014 có phóng sự về “Tứ đại con đèo hiểm trở nhất Việt Nam”. Ở phần giới thiệu về đèo Pha Đin, một nhà nghiên cứu đã giải thích rằng tên “Pha Đin” là gốc từ tiếng Hán. “Pha” là chỉ một vách núi cao, dựng đứng… Còn “Đin” là gì thì không thấy nói. Nhưng tôi lại nghe rằng “Pha Đin” là tên do người dân tộc Thái đặt ra. Mà xuất phát là khi leo dốc này, người dân mệt quá nên kêu “Phạ đỉn ơi”! Nghĩa là “Ối giời ơi” - Tiếng Thái “Phạ” là Trời, “đỉn” là tiếng kêu? - Lâu dần, thành tên Pha Đin, nghĩa là “Trời ơi”.Phiền ông giải thích giúp điều này. Xin cảm ơn.Nguyễn Phương (Viện Dầu khí Việt Nam)

Năng lượng Mới số 358

Học giả An Chi: Quả nhiên tiếng Hán có một từ ghi bằng chữ [坡] bộ “thổ” [土], đọc theo âm Hán Việt là “pha”, có nghĩa là sườn đồi, sườn núi, chỗ đất nghiêng dốc. Lại có một chữ “pha” [陂] bộ “phụ” [阝], có nghĩa là sườn núi đá. Mà suy đến cùng thì đây là hai chữ cùng gốc (đồng nguyên tự) nhưng cả hai chữ này đều tuyệt đối không có liên quan gì về mặt từ nguyên với từ “pha” trong địa danh “Pha Đin”. Ở vùng Tây Bắc, nếu là địa danh Hán Việt thì do người Kinh (Việt) đặt ra còn “Pha Đin” thì lại là một địa danh bằng tiếng Thái, như chính bạn đã gợi ý.

Có điều… lời giải thích mà bạn đã đưa ra, tuy căn cứ vào tiếng Thái, nhưng lại vướng ở  hai điểm: một, trong tiếng Thái thì “phạ” đúng là trời đấy nhưng ở đây ta lại có “pha” (chứ không phải “phạ”); hai, cách giải thích này không hề biết “đin” cụ thể nghĩa là gì (nên chỉ đoán rằng đó có thể là biến âm của “đỉn”, chỉ tiếng kêu)! Đây chỉ là từ nguyên dân gian mà thôi. Có một cách giải thích xem ra hợp lý hơn. Cách này cho rằng đây là “Phạ Đin” (không phải “Pha”), trong đó “Phạ” là trời còn “Đin” là đất, ý nói nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Nhưng, như đã nói, đây là “Pha Đin” (không phải “Phạ”) và danh ngữ tiếng Thái mà âm tiết thứ nhất là “Pha” này còn nằm trên một trục đối vị (paradigmatic axis) với: Pha Lỉ, Pha Tổ, Pha Đăm, Pha Đeng, Pha Hà, Pha Luông. Chúng tôi lấy những địa danh này ở Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái của Viện Dân tộc học do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1977, tr, 198 & 427). Vì thế cho nên đây dứt khoát là “Pha” chứ không phải “Phạ”.

Nhưng trong tiếng Thái thì “Pha” có nghĩa là gì? Trong Từ điển Thái - Việt của Hoàng Trần Nghịch - Tòng Kim Ân (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1990), ta chỉ có thể thấy:

PHA1: ba ba.

PHA2: vung, nắp.

PHA3: 1. phên, liếp (…) 2. vách, tường.

PHA4: 1.tưới (…) 2. dội (…) 3.pha.

PHA5: 1.băng, vượt (…) 2.giày.

Còn cái nghĩa hữu quan thì chỉ có thể được thấy thoáng qua ở mục từ “Pha phởng”, được dịch sang tiếng Việt là “chỗ vách đá ong thường làm tổ”. Từ lời dịch này, ta có thể suy ra rằng “pha” là “vách đá” và với một cái nghĩa chuyên biệt như thế này thì lẽ ra “pha” phải đứng làm một mục từ riêng mới xứng đáng. Nhưng ta cũng không nên trách các tác giả vì hẳn là họ quan niệm tác phẩm của mình chỉ là một quyển từ điển cỡ nhỏ. Chính thức xác nhận sự tồn tại của từ “pha” trong tiếng Thái là Dictionnaire Tẫy Blanc - francais của Georges Minot (Extrait du Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient, t.XL,1940, fasc.1). Trong quyển từ điển này, “pha” được đối dịch là “falaise” (vách đá), nghĩa là thực sự khớp với cái nghĩa thoáng thấy trong Từ điển Thái - Việt trên đây. Cùng gốc với “pha” của tiếng Thái là:

- “phja” của tiếng Tày - Nùng, được Từ điển Tày - Nùng - Việt của Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo - Hoàng Chí (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) đối dịch là “núi đá”;

- “phăa” của tiếng Thái Lan, được Thai-English Student’s Dictionary của Mary R. Haas (Stanford, California, 1967) đối dịch là “cliff”;

- “p’a” (Chúng tôi không có dấu thanh tương ứng) của tiếng Lào, được Dictionnaire laotien-francais của Marc Reinhorn (Éditions du Centre National de la Recherche Scientifique, Paris, 1970) đối dịch là “la paroi rocheuse”.

Thì, nói chung, cũng đều là vách núi đá, sườn núi đá, hiểu rộng ra là vách núi, sườn núi. Và những từ hữu quan trong các thứ tiếng Thái (Tây Bắc), Tày - Nùng, Thái Lan, Lào đều có gốc Hán, dĩ  nhiên là bắt nguồn ở từ “pha” [坡] hoặc [陂] đã nêu ở trên. Ta không nên có cái ảo tưởng lố bịch cho rằng đây chính là trường hợp ngược lại (Hán là ngôn ngữ đi mượn) vì địa hình của Tàu thì thiên sơn vạn lĩnh còn địa bàn sinh tụ của những tộc người nói các thứ tiếng Thái, Tày - Nùng, Thái Lan, Lào thì thua xa đất Tàu về mặt này. Của Tàu thì thật sự “hoành tráng”; do đó mà  vách núi, sườn núi là những địa vật đâu có xa lạ gì với dân Tàu đến nỗi họ phải đi mượn của phương Nam.

Trở lại với địa danh “Pha Đin”, ta thấy người Thái có thói quen ngôn ngữ là dùng từ “pha” đứng liền trước tên riêng để gọi những vách núi cheo leo như: Pha Lỉ, Pha Tổ, Pha Đăm, Pha Đeng, Pha Hà, Pha Luông, đã dẫn ở trên. Nhưng  nếu ở đây “Pha” là vách núi thì “Đin” là gì? Xin trả lời rằng “Đin” là “đất”. “Đin danh” là đất sét; “đin đăm” là đất đen; “đin há” là đất bồi; “đin hựa” là đất hoang; “đin xãi” là đất cát; v.v… Vậy “Pha Đin” là “Vách núi Đất”. Pha Đin là vách núi của vùng núi đất đỏ, dễ xảy ra sụt, lở vào mùa mưa, chứ không phải rắn chắc như của các núi khác trong vùng, là những núi đá vôi. Đây là đặc trưng địa chất của vùng đèo Pha Đin. Chung quanh nó toàn vách đá; một mình nó là “vách đất”. Vậy căn cứ vào đặc trưng này của nó mà gọi nó là “Pha Đin”, tức “Vách Núi Đất” thì chẳng phải là chuyện hoàn toàn hợp lý, hợp cảnh hay sao?


A.C