NTK Võ Việt Chung: “Thời trang đã cho tôi quá nhiều thứ!”
Tôi muốn bay bổng hết mình!
- 20 năm là một khoảng thời gian đủ dài đối với một con người, đủ để một con người có thể thay đổi. Khoảng thời gian làm nghề thời trang ấy có ý nghĩa với anh như thế nào?
- Thời gian trôi đi 20 năm, nó không ngắn, cũng không quá dài nhưng nó đủ hình thành nên một con người trưởng thành và đó cũng là điều Võ Việt Chung mong muốn chuyển tải cho khán giả thông qua chương trình The Times, kỷ niệm 20 năm của mình. Thông qua show này, cả những người đã và chưa theo dõi Võ Việt Chung 20 năm qua sẽ biết chặng đường của tôi thăng trầm thế nào!
NTK Võ Việt Chung
Tôi không nghĩ mình thành công, vì trong nghệ thuật thành công luôn đi kèm với thất bại, tôi chỉ nghĩ mình đã ít nhiều may mắn có được chỗ đứng. 20 năm nhìn lại nó như một câu chuyện kể, là một chặng đường dài. Nhưng nếu quay lại 20 năm trước thì tôi cũng sẽ chọn nghề này. Thời trang đã cho tôi quá nhiều thứ, đó là may mắn, khám phá, giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm sống và kể cả văn hóa mà mình đang theo đó là áo dài.
- Thế còn về show diễn The Times, hẳn là có lý do rất đặc biệt để Võ Việt Chung - một cái tên gắn liền với thương hiệu áo dài lại làm một show kỷ niệm 20 năm hoàn toàn không có chiếc áo truyền thống này phải không anh?
- 3 bộ thời trang trong The Times lần này gồm hoàn toàn không có áo dài, mà là đồ theo phong cách Haute Couture, tức là nghệ thuật thời trang trình diễn, nó không phải là thời trang ứng dụng hằng ngày, không phải là đồ dạ hội.
Đây là phong cách mà tôi đã ước mơ trong suốt 20 năm qua. Những trang phục giống như một bức tranh, một bức tranh mà mọi người khó có thể hiểu thế nào, chỉ có tác giả hiểu và chuyển tải đến họ như một thông điệp trong cuộc sống cần có sự chia sẻ: chia sẻ ý tưởng! Tất nhiên, mọi người sẽ có đánh giá khác nhau nhưng qua The Times này, tôi muốn mọi người nhìn nhận rằng ngoài Võ Việt Chung với thời trang truyền thống ra thì còn có một Võ Việt Chung khác với thời trang cao cấp, một kiểu thời trang thể hiện sự bay bổng của nhà thiết kế.
The Times thể hiện sự bay bổng của nhà thiết kế
- Vậy ra anh đã mãn nguyện với những gì mình làm và đạt được với chiếc áo dài truyền thống rồi ư?
- Áo dài với mọi người có thể là bình thường nhưng đối với tôi, đó là trang phục truyền thống mà tôi nghĩ suốt đời không thể khám phá hết được vẻ đẹp của nó. Và hiện tại, tôi vẫn chưa vừa lòng với chính mình về những gì đã làm được với áo dài, cảm xúc của tôi gắn với áo dài chưa bao giờ chán nản, vẫn thú vị và hết sức thi vị.
Thật ra, ban đầu tôi cũng muốn đưa áo dài vào The Times, nhưng rồi nghĩ lại rằng, tôi đã làm áo dài suốt trong 20 năm qua, show “Mơ về châu Á” năm 2003 cũng là áo dài, nên chăng bây giờ làm một cái gì đó để cho thấy sự mới mẻ, đột phá, để cho thể hiện bản thân tôi cũng sống rất bay bổng. Tất nhiên có thể những thứ ấy bất bình thường nhưng không phải điên khùng! Hãy cho nhà thiết kế sống trong một giấc mơ nhưng rồi họ sẽ thực tế, hãy cho họ bay, phiêu trong bộ sưu tập của mình nhưng họ sẽ có bãi đáp an toàn. Đó là những thông điệp tôi muốn chuyển tải trong The Times.
Thà ăn ít đi mà hy sinh cho nghệ thuật!
- Cụ thể sự bay bổng, phiêu của ba bộ sưu tập trong đêm thời trang The Times kỷ niệm 20 năm của anh sẽ thế nào?
- Bộ thứ nhất mang tên The Times, bộ thời trang này sử dụng ba màu đỏ, trắng và đen. Màu đỏ là màu của lửa, cũng như nhiệt huyết trong người tôi 20 năm qua và vẫn chưa hài lòng với những gì mình đang có. Trắng là ban ngày, đen là ban đêm và đi theo đó là trời và đất. Bộ sưu tập này mang hơi hướng tâm linh nhưng cũng rất thực tế, đặc biệt nó mang nghệ thuật sắp đặt, tôi đã thêu từng cánh hoa lên áo. Dù là phong cách Haute Couture nhưng mọi người sẽ nhận ra ngay đó là phong cách Võ Việt Chung chứ không ai khác.
Thời trang trong bộ sưu tập Heritage
Bộ thứ 2 là Quà tặng thượng đế được lấy cảm xúc từ phim Avatar, bộ sưu tập mang màu sắc của những con thú hoang trong phim như beo, rắn… Đó là màu sắc rất đẹp, nó gần như đem đến cho người xem cả một khu rừng nhiệt đới và để nói lên thông điệp bảo vệ môi trường, trái đất, hành tinh xanh của chúng ta.
Còn bộ thứ ba mang tên Heritage, tức bộ “di sản” được lấy cảm hứng từ văn hóa mặc ba miền. Miền Nam là áo bà ba, áo tứ thân miền Bắc và áo dài ở miền Trung. Mọi người sẽ nhìn thấy rằng tuy là thời trang cao cấp Haute Couture nhưng tất cả đều dựa vào văn hóa Việt Nam. Nó chuyển tải được sự nhọc nhằn, khó khăn, chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam, tuy lao động vất vả nhưng tâm hồn họ lúc nào cũng cao đẹp.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung được UNESCO vinh danh là người có công khôi phục và phát triển chất liệu truyền thống Lãnh Mỹ A, người giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam qua tà áo dài. Anh cũng là nhà thiết kế đầu tiên của VN xuất hiện trong chương trình thời trang Fashion TV…. Chương trình thời trang The Times diễn ra từ 18 giờ 30 đến 22 giờ ngày 26/01/2013 tại Chill Skybar tầng 26 – tòa nhà AB TPHCM, do Henry Hurbert làm đạo diễn. Hai kênh truyền hình nổi tiếng NHK World của Nhật Bản và Chic Channal của Thailand sẽ sẵn sàng setup ghi hình để sau đó phát sóng. |
Tôi không muốn mình làm một show cho có, làm xuề xòa, tôi có thể ăn ít đi mà hi sinh cho nghệ thuật và làm những điều hữu ích cho xã hội, tạo nên món ăn tinh thần cho nhiều người. Tâm sức và tiền của tôi dồn khá nhiều để chương trình này!
- Tôi nghĩ giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn này thì điều hữu ích và thiết thực nhất với nhiều người, nhất là người nghèo là một cái Tết no ấm. Anh có nghĩ đến điều này?
- Như tôi đã nói, tôi muốn được làm điều hữu ích cho xã hội, nhất là dịp Xuân về, đó cũng là một trong những lý do tôi chọn làm show trong thời điểm giáp Tết này. Trong chương trình sẽ có đấu giá làm từ thiện, đầu tiên là bộ áo dài của tôi do Diệu Hân mặc và đoạt giải Đông Nam Á vừa qua, kế đến là chai rượu quý hay một sâu chuỗi ngọc trai đắt tiền mà bạn đã tặng tôi… Khách mời trong chương trình rất quan tâm đến các vật phẩm này.
Tôi không hy vọng sẽ đấu giá được nhiều tiền nhưng tôi nghĩ sự chia sẻ, lá lành đùm lá rách, đó là điều cần có trong dịp xuân về. Đó cũng là điều thiết thực nhất mà tôi có thể làm nhân dịp kỷ niệm 20 năm làm nghề của tôi!
Thời trang mà nhái, ăn cắp của người khác là vô liêm sĩ
- Trong làng thời trang Việt vừa qua xuất hiện nhiều trường hợp nghi án các nhà thiết kế đạo, nhái ý tưởng của các bộ thời trang nước ngoài. Cá nhân anh nghĩ gì về trường hợp này?
- Nhái là “ý tưởng” nhà thiết kế, bản thân họ mà có lòng tự trọng thì không thể nào làm thế được. Khi đưa ra bộ sưu tập giống y người khác mà nói là của mình thì thật là vô liêm sĩ. Ăn cắp thì phải ăn cắp cho khéo, ở Việt Nam có những người ăn cắp nguyên si kiểu của nước ngoài thì tôi thấy rằng người đó hãy đừng tự xưng mình là nhà thiết kế mà gọi mình là người thợ may thì đúng hơn!
- Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Trúc Lê (Thực hiện)
-
Khai thông chính sách: Mở đường cho phát triển du lịch thông qua điện ảnh
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp mở cửa tại Hà Nội
-
Triển lãm Ikebana Hà Nội lần thứ VII: Trở về tâm thế thuần khiết
-
Cơ hội xem những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững