Nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng điện cao
Ông Phạm S. |
- PV: Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của PC Lâm Đồng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua?
Ông Phạm S: Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của PC Lâm Đồng. Công ty đã cung cấp đủ điện, đảm bảo an toàn, tin cậy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn, trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến cuối cuối năm 2018, PC Lâm Đồng đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn/bản trên địa bàn tỉnh, nâng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lên 96,6%. Đây là một tỉ lệ cao so với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ.
PC Lâm Đồng cũng là đơn vị thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trong những năm qua, Công ty đã huy động trên 20 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, thực hiện công trình thắp sáng đường quê, thay bóng đèn miễn phí cho các hộ đồng bào dân tộc...
- PV: Còn chất lượng, dịch vụ điện năng thế nào, thưa ông?
Ông Phạm S: UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao chất lượng điện năng cũng như những dịch vụ mà PC Lâm Đồng đang cung cấp. Hiện nay, tình trạng mất điện, đặc biệt là vào mùa khô đã ít hơn trước rất nhiều, chủ yếu là sự cố do các yếu tố khách quan.
Thái độ phục vụ của CBCNV ngành Điện ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện, được nhân dân, khách hàng ghi nhận. Các dịch vụ điện năng ngày càng hiện đại hóa, công khai, minh bạch; nhất là dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng rãi, thực hiện tốt chủ trương thương mại điện tử của Chính phủ.
Ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, PC Lâm Đồng đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng, trong đó nổi bật nhất là Chương trình tiết kiệm điện trong trồng hoa cúc.
Tỉnh Lâm Đồng hiện nay có khoảng 2.300 ha diện tích trồng hoa cúc, với 1.700 hộ tham gia. Nếu sử dụng đèn compact, sẽ tiêu tốn 64 triệu kWh/năm, tiền điện khoảng 102 tỷ đồng/năm. Để giúp các hộ dân tiết kiệm tiền điện hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, PC Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, nhân rộng mô hình ứng dụng đèn led đơn sắc trong trồng hoa cúc, tiết kiệm được khoảng 70% tiền điện.
Ảnh minh họa |
- PV: Ngành Điện đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng, thưa ông?
Ông Phạm S: Hiện nay, Lâm Đồng đã có khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp được triển khai theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với hàng loạt các ứng dụng hiện đại trong xử lý môi trường, sử dụng công nghệ sinh học, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều khiển xa…
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đặc biệt đòi hỏi chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện cao. Bởi trong quá trình canh tác, nếu mất điện, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân/doanh nghiệp. Thời gian qua, PC Lâm Đồng đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ, cung ứng đủ điện với chất lượng cao phục vụ nông nghiệp công nghệ cao ở cả khu vực đô thị và nông thôn.
- PV: Theo ông, PC Lâm Đồng cần làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng và dịch vụ điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai?
Ông Phạm S: PC Lâm Đồng cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của KHCN, đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng; tiếp tục hiện đại hóa hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện hơn nữa.
Đồng thời, trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh, PC Lâm Đồng cần rà soát, đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, đặc biệt là việc đầu tư hệ thống lưới điện đến tận hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... đang được hình thành; góp phần cùng tỉnh Lâm Đồng thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…
- PV: Xin cảm ơn ông!
- Diện tích: 9.783 km2, (lớn thứ 7 cả nước) - Có 2 thành phố, 10 huyện, 147 xã, phường, thị trấn - Năm 2018, 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tăng trưởng gần 8,6% so với năm 2017. |
Vi An
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ