Nơi thượng nguồn sông Đà tỏa sáng
1.800 ngày đêm vượt khó
Trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vượt quãng đường gần 700km qua những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu vùng Tây Bắc, theo chân đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dự lễ Mừng phát điện Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu, chúng tôi tìm về công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).
Thời tiết ở Nậm Hàng ngày diễn ra buổi lễ trời nắng đẹp, trái ngược hoàn toàn với vẻ âm u, lạnh lẽo của những ngày đầu đông nơi núi rừng Tây Bắc. Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu cũng không còn tiếng máy móc, rồi tiếng đất đá đổ xuống ầm ầm mà thay vào đó là tiếng cười, tiếng nói, là những lời chúc tụng, hỏi han mừng ngày nhà máy phát những kWh điện đầu tiên lên lưới điện quốc gia. Gương mặt ai nấy đều tỏ rõ vẻ rạng rỡ, tươi vui, hạnh phúc vô cùng. Thủy điện Lai Châu đang mở hội, ngày hội của bản lĩnh, của trí tuệ, của khát vọng chinh phục thử thách, khát vọng cống hiến của những người lính thủy điện!
Cách đây gần 5 năm, ngày 5-1-2011, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công công trình cũng là thời khắc Thủy điện Lai Châu mở ra “Chiến dịch 1.800 ngày đêm” thi công cao điểm. Và đó cũng là 1.800 ngày đêm công trường không ngủ, bất kể ngày hay đêm, trời nắng hay trời mưa, trên công trường không lúc nào ngớt tiếng máy móc, thiết bị, rồi tiếng đất đá đổ xuống ầm ầm.
Anh Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu) khi đề cập tới câu chuyện này đã cho hay, cũng như các công trình thủy điện khác, Thủy điện Lai Châu nằm ở nơi núi thẳm, rừng sâu, heo hút, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Có khác là sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa hè thì nhiệt độ thường xuyên trên 40oC. Còn mùa đông thì ngày nắng hanh, đêm thì sương rơi thành giọt như mưa phùn, nhiệt độ có lúc xuống thấp, có khi chỉ 7-8oC. Mưa nắng thất thường, có khi đang nắng chang chang trời bỗng đổ mưa. Việc thi công, xây dựng công trình vì thế chịu tác động rất lớn.
Thời tiết ở Lai Châu khắc nghiệt là vậy nhưng theo ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu, đặc thù của khu vực thi công xây dựng Thủy điện Lai Châu cũng vô cùng phức tạp. Đó là công trường xây dựng nằm hoàn toàn trong lòng hồ Thủy điện Sơn La nên phải hoàn thành các hạng mục dẫn dòng thi công trước tháng 4-2011, thời điểm Nhà máy Thủy điện Sơn La tích nước hồ chứa. Việc thi công hố móng đập và nhà máy, đắp đập thủy điện, xây dựng nhà máy… cũng phải vượt trước mức nước dâng của hồ Thủy điện Sơn La. Thứ nữa là khu vực hố móng kênh dẫn dòng, đập tràn xả lũ, đập thủy điện, nhà máy… “tầng phủ” rất dày, đòi hỏi một lượng máy móc thiết bị thi công lớn, cường độ lao động cao. Và cuối cùng, công trường nằm trong khu vực chỉ có 3 tháng mùa khô, là nơi có lượng mưa lớn nhất cả nước, địa chất lại phức tạp nên việc thi công khó khăn, phức tạp hơn Thủy điện Sơn La rất nhiều. Vậy nên dù chỉ có công suất lắp đặt là 1.200MW, với 3 tổ máy và bằng một nửa Thủy điện Sơn La nhưng về khối lượng đào đắp đất đá, đổ bê tông gia cố… cũng xấp xỉ công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Theo Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu, tính đến thời điểm Tổ máy số 1 phát điện lên lưới, tổng khối lượng đào đất đá cho công trình đã là 14,8 triệu m3; đắp 2,57 triệu m3; đổ 3,6 triệu m3 bê tông, 49.000 tấn thép; khoan phụt 82.000m xi măng; lắp đặt hơn 30.000 tấn thiết bị công nghệ… Trong khi đó, ở Thủy điện Sơn La, con số này là 14,67 triệu m3 đào đắp đất đá các loại; đổ 4,9 triệu m3 bê tông các loại; khoan phun 109 ngàn m3 xi măng; 72 ngàn tấn thiết bị…
“Mặc dù có thuận lợi là “ê-kíp” làm ở Thủy điện Lai Châu là “ê-kíp” đã từng làm nên kỳ tích Sơn La nhưng để Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu phát điện sớm 3 tháng đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó, khát vọng chinh phục thử thách rất lớn của đội ngũ những người làm thủy điện ở Lai Châu” - ông Phương nói.
Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu |
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành tại lễ Mừng phát điện Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu cũng khẳng định: Thực tế “chiến dịch 1.800 ngày đêm” đã chứng minh công trường Thủy điện Lai Châu tiếp tục là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của các đơn vị trên công trường. 5 năm là 1.800 ngày đêm công trường không ngưng tiếng máy với khí thế lao động khẩn trương, hăng say, chạy đua với thời gian của tất cả các bên tham gia. Chính nhờ bản lĩnh, tinh thần nỗ lực, quyết tâm vượt khó đó, Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện vào ngày 24-11-2015, sớm hơn kế hoạch đề ra 3 tháng.
Viết tiếp bản hùng ca chinh phục
Trong số các công trình thủy điện đang được xây dựng, Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện có công suất lớn nhất. Công trình được đặt tại xã Nậm Hàng, thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), phía thượng nguồn sông Đà và là bậc trên của Thủy điện Sơn La. Theo thiết kế, Thủy điện Lai Châu sẽ có mức nước dâng bình thường là 295m, mực nước chết 265m và dung tích toàn bộ hồ chứa là 1,216 tỉ m3, dung tích hữu ích là 799 triệu m3. Nhà máy có 3 tổ máy, công suất lắp máy là 1.200MW, điện lượng trung bình hằng năm là 4,67 tỉ kWh. Và cùng với Thủy điện Hòa Bình (công suất 1.920MW), Sơn La (công suất 2.400MW), Thủy điện Lai Châu sẽ góp phần nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500MW, cung cấp khoảng 25 tỉ kWh điện mỗi năm, tương đương 1/3 tổng sản lượng thủy điện cả nước.
Thủy điện Lai Châu không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước mà còn có nhiệm vụ cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng về mùa khô, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Và theo tình toán của EVN, việc Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu chính thức phát điện lên lưới quốc gia, vượt tiến độ 3 tháng sẽ tạo ra doanh thu 150 triệu USD, tiết kiệm hơn 1 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Ngoài ra, đây còn là mốc tiến độ, động lực quan trọng để những người lao động trên công trường hoàn thành toàn bộ công trình sớm trước 1 năm so với quyết định của Chính phủ. Nếu thực hiện được điều này, với sản lượng điện trung bình hằng năm là 4,7 tỉ đồng, công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ làm lợi cho ngân sách Nhà nước số tiền lên tới 7.000 tỉ đồng.
Những người thợ thủy điện đã và đang tạo lên một kỳ tích mới trên công trường Thủy điện Lai Châu. Và nếu Thủy điện Sơn La là nơi bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam được thể hiện khi 100% phần việc khảo sát, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận chuyển, lắp đặt máy móc… do người Việt Nam thực hiện thì đến Thủy điện Lai Châu, bản lĩnh, trí tuệ đó một lần nữa được khẳng định. Và theo Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Lilama 10 Lê Kim Hải thì đây chính là dấu ấn lớn nhất trên công trường Thủy điện Lai Châu. Họ - những người thợ thủy điện - không chỉ nắm bắt được công nghệ mà đã làm chủ công nghệ. Và việc Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu hòa lưới thành công và vận hành ổn định chính là sự khẳng định “chúng tôi - những người xây dựng thủy điện Việt Nam - đã làm được, đạt được”. Sự khẳng định đó không chỉ là vấn đề năng lực, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công trình mà còn là sự đáp ứng niềm tin của Đảng, Chính phủ, của ngành điện giao phó.
Và dấu ấn thứ 2 trên công trường Thủy điện Lai Châu, theo Lê Kim Hải đó là khát vọng cống hiến, chinh phục thử thách của tuổi trẻ. Không chỉ Lilama mà ở các đơn vị thầu thi công khác trên công trường, hầu hết đội ngũ cán bộ, công nhân viên đều có tuổi đời còn rất trẻ, dưới 30 tuổi. Họ có thể thiếu kinh nghiệm khi mới qua 1, 2 công trình nhưng quyết tâm, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ thì vô cùng mãnh liệt. Họ chỉ biết làm chứ không hề có bất kỳ suy nghĩ hay băn khoăn gì cả.
Vậy nên suốt 1.800 ngày đêm đã qua, công trường Thủy điện Lai Châu chưa lúc nào ngơi tiếng máy móc, thiết bị, rồi tiếng đất đá ầm ầm… Đó là những ngày chống chọi với cái nắng như thiêu, như đốt lên tới trên 40oC, bầu không khí ngột ngạt, khó thở vô cùng. Hay những ngày dài dầm mình dưới những cơn mưa rừng kéo dài cả tuần, cả tháng. Họ đến với công trình thủy điện khi vùng đất vẫn còn hoang sơ, đường sá không có nhưng rồi bằng chính bàn tay khối óc của họ, công trình dần hình thành, rồi đi vào vận hành, mang lại nguồn sáng cho quốc gia. Đó chính là niềm tự hào lớn nhất và cũng là mục tiêu để họ vượt qua tất cả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong lễ Mừng phát điện Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu cũng nhấn mạnh, Thủy điện Lai Châu là công trình có giá trị, ý nghĩa về phát điện, không chỉ đảm bảo điện năng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng mà còn góp phần trị thủy sông Đà. Và nếu dự án hoàn thành được trước 1 năm và với doanh số của công trình là 7.000 tỉ đồng/năm, đây là một con số rất lớn, rất có ý nghĩa, không chỉ ở giá trị kinh tế là 7.000 tỉ đồng mà còn ở việc đảm bảo không để đất nước thiếu điện.
Bản trường ca chinh phục sông Đà đã, đang và sẽ tiếp tục được những người làm điện Việt Nam “viết” lên bằng mồ hôi, công sức và với ý chí quyết tâm cao nhất của những người lính thủy điện cho mục tiêu “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Dòng sông Đà hung dữ đang từng ngày được chế ngự biến thành dòng điện tỏa sáng khắp mọi miền Tổ quốc. Công trình Thủy điện Lai Châu vì thế tiếp tục là biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là niềm tự hào, kêu hãnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam!
Thanh Ngọc
Số Xuân 2016
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành