Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những điều chưa biết về Trường Lũy dài thứ 2 ở châu Á

09:08 | 20/07/2011

510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít người biết rằng, tại miền Trung Việt Nam có sự hiện diện của Trường Lũy dài tới 200km. Đây có thể coi là một Trường Lũy lớn thứ 2 châu Á, chỉ đứng sau Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc mà thôi.

Chỉ hơn một năm trước, cụm từ “Trường Lũy” còn khá xa lạ không chỉ với nhiều người dân, mà ngay cả trong giới nghiên cứu lịch sử cũng ít được đề cập đến. Mới đây nhất, di tích này đã được Bộ VH-TT&DL ra quyết định công nhận là Di tích Quốc gia. Đây không chỉ là cơ hội mở ra tiềm năng du lịch trên con đường Di sản miền Trung, mà còn là cơ hội mở ra nhiều hướng tiếp cận và nghiên cứu mới về di tích có một không hai tại Việt Nam này…

Độc đáo kỹ thuật xếp đá

Dù được ghi chép nhiều trong các bộ sử thời Nguyễn, nhưng lâu nay có rất ít người biết được rằng, tại miền Trung Việt Nam có sự hiện diện của Trường Lũy dài tới 200km. Đây có thể coi là một Trường Lũy lớn thứ 2 châu Á, chỉ đứng sau Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc mà thôi. Công trình này được Vua Gia Long cho xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, đã có thời gian dài, người ta nhầm tưởng nó được xây lên hoàn toàn là vì mục đích quân sự. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, đây còn là tuyến đường thông thương, trao đổi hàng hóa giữa miền núi, đồng bằng, các tỉnh ven biển. Nằm dọc theo chiều dài của tỉnh Quảng Ngãi, điểm khởi đầu của Trường Lũy bắt đầu ở huyện Trà Bồng, rồi chạy qua các tỉnh Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, và Đức Phổ rồi vắt qua hai huyện Hoài Nhơn, An Lão thuộc tỉnh Bình Định.

Trường Lũy này được người xưa xây dựng bằng kỹ thuật đa dạng và độc đáo. Trên địa bàn bằng phẳng, lũy được đắp bằng đất, khi chạy qua địa hình có độ dốc, lũy được gia cố bằng cốt đất bên trong, phía ngoài chèn đá – đây là cách để tránh sạt lở mỗi khi mùa mưa đến. Bắt đầu vào những địa hình có độ dốc lớn, hoặc vượt qua các đỉnh núi cao như ở Ba Tơ, Tư Nghĩa, Đức Phổ… thì phần lũy lúc này được làm hoàn toàn bằng đá. Kỹ thuật chèn đá độc đáo giúp lũy có độ bền cao, đặc biệt tránh được hiện tượng sạt lở, rửa trôi. Hiện ở nhiều nơi, nhất là trên các đỉnh núi cao, các đoạn lũy đá này còn gần như nguyên vẹn. Có nơi lũy cao tới 4m, chân rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m.

Một đoạn đường Trường Lũy chạy qua Thiên Xuân

Những khám phá thú vị

Bắt đầu từ năm 2005, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn đông Bác cổ và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đi sâu tìm hiểu và lý giải sự có mặt của Trường Lũy dài thứ 2 ở châu Á này, các kết quả khảo sát, cùng với khai quật khảo cổ học đã đưa đến nhiều kết quả bất ngờ thú vị. TS Nguyễn Tiến Đông – người trực tiếp nghiên cứu và khai quật công trình khảo cổ này cho biết, việc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của 50 bảo (đồn binh) được bố trí dọc theo lũy. Tại thôn Nam Lân, Ba Động, Ba Tơ cũng tìm thấy một bảo có quy mô khá lớn, được xây bằng đá, xung quanh có hào sâu, nằm ngay trên sườn một ngọn núi có độ dốc lớn, tách khỏi lũy. Điểm đáng chú ý nhất, thông qua cuộc khai quật Trường Lũy cũng đã chỉ ra rằng, Trường Lũy được xây dọc theo một con đường cổ. Trên thực tế, vết tích con đường cổ hiện vẫn còn ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Ba Động, Ba Thành, Ba Khâm, huyện Ba Tơ hay Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa.

TS Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm, gần như chỗ nào có lũy các nhà khảo cổ đều tìm thấy sự hiện diện một con đường cổ kề bên cạnh. Nhận định về sự hiện diện của con đường cổ, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, rất có thể việc xây dựng Trường Lũy là nhằm bảo vệ cho một con đường cổ. Con đường này còn được gọi là Đường Thiên Lý vốn là huyết mạch Bắc – Nam nối kinh đô Thăng Long với các tỉnh phía nam, đảm bảo cho việc đi lại, giao thương và an ninh trên toàn lãnh thổ.

Cùng với việc tìm ra những dấu tích kiến trúc cổ, qua những lần khai quật tại chân móng đồn trên đỉnh đèo Chim Hút, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều mảnh gốm không tráng men, hay những mảnh bằng đất nung vỡ ra từ chum, chóe, nồi, vại… Ban đầu được xác nhận, đó là vật dụng của lính sơn phòng triều Nguyễn. Nhiều mảnh gốm mang tính chất thương mại cũng đã được tìm thấy, với xuất xứ từ Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) cùng gốm Bát Tràng, Hải Dương… Điều này chứng tỏ đã có sự buôn bán, trao đổi qua khu vực thành lũy này khoảng nửa đầu thế kỷ XVII đến nửa sau thế kỷ XVIII. Tất cả dấu tích này đã đưa đến một nhận định chung, Trường Lũy là một ranh giới, nhưng không phải là ranh giới đóng kín. Điểm đặc biệt, Trường Lũy được hình thành với kỹ thuật xếp đá của người Hrê. Kỹ thuật này vẫn được dân tộc Hrê sử dụng cho đến ngày nay, vì thế, đây không phải công trình chỉ do người Việt xây dựng. Việc tạo ranh giới đã được sự đồng thuận của cả hai bên.

Phát huy giá trị thế nào?

Cho đến giờ phút này, không ai còn nghi ngờ về giá trị của di tích Trường Lũy, vai trò và sự xuất hiện của nó trong lịch sử. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy di sản quý giá này thế nào lại là một thách thức khi di tích trải dài tới 200km với nhiều địa hình phức tạp và hiểm trở. Ngay khi được công nhận, các nhà quản lý đã phân vân, bảo tồn toàn bộ hay chỉ bảo tồn từng phần. Song, quyết định cuối cùng, được sự đồng thuận cao là bảo tồn toàn bộ di tích đặc biệt này, trên cơ sở lấy Trường Lũy làm tâm, dọc theo hai bên lũy 500m là khu vực di tích. Người dân vẫn cứ sản xuất bình thường nhưng tuyệt đối không phá hỏng di tích và không được xây dựng những công trình kiên cố trong khu vực này.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tiến hành công tác cắm mốc để trùng tu, bảo vệ, khôi phục môi trường, văn hóa bản xứ và phục dựng mô hình dân cư thuộc đồng bào dân tộc. Từ đó, địa phương tiếp tục khai thác du lịch, nhằm giới thiệu đến người dân và bạn bè thế giới; đồng thời, giúp người dân hưởng lợi từ di tích thì họ sẽ có ý thức hơn để bảo vệ Di sản Văn hóa này. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành tổ chức nhiều buổi hội thảo, nghiên cứu và đánh giá tầm quan trọng của Trường Lũy. Đây như là tiền đề giúp tỉnh Quảng Ngãi có cơ sở đề xuất UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”. Cũng theo ông Vũ, dự kiến kinh phí đầu tư hoàn chỉnh phải ước khoảng hơn 100 tỉ đồng. Vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã trích 15 tỉ đồng để thực hiện những phần việc trước mắt.

Trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố, di tích Trường Lũy hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như việc mở đường, xây dựng nhà cửa, mở rộng diện tích trồng trọt của người dân sống gần đó… Phải làm sao để giảm thiểu tình trạng này? Theo các nhà nghiên cứu, trước mắt, cần tuyên truyền giá trị của di tích đến với từng người dân. Bởi có một thực tế, hầu hết các cán bộ trên địa bàn đều không hiểu ý nghĩa, sự tồn tại của Trường Lũy đá kia, chứ đừng nói gì tới người dân. Chừng nào người dân hiểu giá trị của di sản, chừng đó, nó sẽ được bảo tồn một cách tốt nhất. Song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Trường Lũy.

Quang Anh