Những điều cần biết về ngộ độc thực phẩm ở trẻ em
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi một người ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hay những tác nhân gây bệnh khác, gây hiện tượng đau thắt bụng dưới, nôn mửa, tiêu chảy, suy yếu cơ bắp. Những hiện tượng này xảy ra trong khoảng từ 3 đến 24 giờ sau khi ăn. Một số hình thức ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em và trẻ sơ sinh.
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em diễn ra như thế nào?
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do tác nhân vi khuẩn phát triển trên những thức ăn trữ lạnh hay bảo quản không đúng quy cách. Một số vi khuẩn như Staphylococcus tiết ra độc tố gây viêm dạ dày, nôn mửa, vi khuẩn Salmonella (có nhiều trong trứng và loài giáp xác) tác động trực tiếp lên đường ruột, gây ra tình trạng co thắt, đau đớn, còn khuẩn Shigella gây ra tiêu chảy nặng và kiết lỵ. Ở trẻ sơ sinh, ngộ độc thực phẩm thường so khuẩn E.coli xâm nhập qua bình sữa bú. Chứng botulism (ngộ độc nặng do vi khuẩn) có thể dẫn đến bại liệt, gây nên bởi một độc tố do khuẩn Clostridium botulinum tiết ra trong những đồ hộp thức ăn không được hàn kín. Ở trẻ sơ sinh, chứng botulism có thể gây ra do bào tử vi khuẩn tìm thấy trong mật ong. Khi trẻ ăn phải mật nhiễm khuẩn, loại vi sinh vật trên tiết độc tố vào bộ máy tiêu hóa gây ra hiện tượng táo bón, đói, khát, bơ phờ… riêng trẻ dưới một tuổi có thể mất khả năng bú. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các cơ hô hấp ở lồng ngực bị tê liệt, buộc các bác sĩ phải sự dụng đến hô hấp nhân tạo
Khi nào thì nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm?
Thường khó phân biệt giữa ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày – ruột do vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu khảo sát kỹ, sẽ thấy ngộ độc thực phẩm diễn ra bất chợt hơn, mặt khác, các thành viên khác trong gia đình (hay bạn học trong lớp) cùng ăn một loạt thực phẩm với trẻ bị ngộ độc cũng bị ngộ độc.
Phòng trị ngộ độc thực phẩm ở trẻ em
Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ xảy ra tai biến như hiện tượng mất nước càng cao. Do đó phải tìm đến bác sĩ ngay nếu trẻ bị nôn mửa và tiêu chảy. Một đứa trẻ gặp cả hai hiện tượng trên trong 6 giờ hay hơn nữa cần được đưa vào phòng cấp cứu. Với một trẻ đã lớn, có thể đợi trong một thời gian lâu hơn để xem các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy có suy giảm không. Tuy nhiên, nếu tình trạng không được cải thiện sau 24 giờ thì phải đưa trẻ đi bác sĩ.
Thông thường ở bệnh viện, trẻ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù đắp sự mất nước. Cả hai dạn ngộ độc nặng kể trên cần được điều trị bằng kháng độc tố nhằm vô hiệu hóa độc tố do vi khuẩn tiết ra.
Đề phòng tránh ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, các nhà y học đưa ra những lời khuyên sau:
Không sử dụng những loại thức ăn không được chế biến hay tồn trữ đúng quy cách, cho dù chúng chưa ngả màu hay bốc mùi khó chịu.
Không nên quan niệm rằng biện pháp đun nóng trở lại có thể tiêu diệt hết những vị khuẩn đã xâm nhâp vào thức ăn. Chẳng hạn như vi khuẩn Staphylococcus có thể tiết ra độc tố đề kháng lại sức nóng.
Nước xốt mayonnaise là nguồn sinh sôi nảy nở của vi khuẩn. Do đó trong mùa hè, không nên hoặc hạn chế sự dụng rau cải trộn xốt mayonnaise trong các bữa đi chơi xa.
Không bao giờ cho trẻ dưới một tuổi sử dụng mật ong.
Đối với trẻ từ 1 đến 6 tuổi:
- Cho trẻ hồi phục sau một cơn ngộ độc thực phẩm được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Theo sát hướng dẫn của bác sĩ điều trị trong việc bù đắp nước cho trẻ sau một thời gian bị nôn mửa và tiêu chảy.
- Không cho trẻ sử dụng thức ăn cho đến khi có yêu cầu của bác sĩ.
Ở trẻ còn bú mẹ bị ngộ độc thực phẩm, tiếp tục cho trẻ bú, nhưng ngưng cho trẻ ăn sữa bột và thức ăn cứng. Cần cho trẻ nhập viện để theo dõi.
N.V