Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhọc nhằn nghề thu tiền điện

07:00 | 30/10/2013

8,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không vất vả và nguy hiểm như thợ đường dây, truyền tải nhưng những khó khăn mà nhân viên thu ngân phải đối diện cũng không ít. Mặt khác, nhân viên thu ngân còn “kiêm nhiệm” tư vấn khách hàng, tuyên truyền tiết kiệm điện, là kênh thông tin sẵn sàng lắng nghe và truyền đạt những phản ảnh từ người dân.

Tôi ở cụm 47C, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Một buổi tối cuối thu Hà Nội, đang ngồi trò chuyện với mấy người ở cùng khu, tôi buột miệng hỏi: “Không biết ai thu tiền điện ở khu mình nhỉ các bác?” Đáp lại câu trả lời của tôi, người thì bảo là chị H, người thì bảo anh K… nói chung là ai nấy đều rất mơ hồ về người thu tiền điện ở khu dân cư mà tôi đang sống. Đúng là một thói quen thật kỳ lạ của con người, cái gì quá đỗi thân quen thì người ta cứ mặc nhiên chẳng mấy khi quan tâm đến. Và tôi đã bắt đầu câu chuyện về những người thu ngân tiền điện ở thủ đô từ cái điều lạ, rất đỗi mặc nhiên đó.

Để có câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này, tôi đã phải tìm đến nhà ông tổ trưởng và được biết, người thu tiền điện ở khu tôi là chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên thu ngân của Công ty Điện lực Tây Hồ. Chị được phân công phụ trách thu ngân cụm dân cư số 47C đã 10 năm nay. Tranh thủ lúc chị đang tăng ca thu tiền ngoài giờ, hai chị em nói rất nhiều chuyện gian nan của công tác thu ngân.

Một buổi tập huấn công tác thu ngân, triển khai hóa đơn điện tử của Công ty Điện lực Cầu Giấy

Chị cho biết: Để nâng cao hiệu suất công tác thu ngân, những năm vừa qua, các công ty điện lực tính lương theo năng suất. Tỷ lệ lương, thưởng của thu ngân căn cứ trực tiếp vào số tiền điện thu từ các hộ dân. Mặt khác, theo quy định ngành điện, nhân viên thu ngân lưu động không được phép giữ tiền và hóa đơn qua ngày nên công việc của thu ngân bị tăng rất nhiều áp lực. Để hoàn thành nhiệm vụ chị Nga và các nhân viên thu ngân ngành điện lực trong một tháng phải đi thu tiền đến vài chục lượt quanh khu vực phụ trách. Hiện nay, nhiều gia đình thường đi làm các ngày trong suốt cả tuần lại thường về muộn nên nhân viên thu ngân gặp rất nhiều khó khăn trong công việc thu tiền điện.

Nói về thời gian 10 năm làm nghề này, chị Nga kể lại: “Nghề này cũng vất vả lắm, đến kỳ thu tiền thì cứ long xòng xọc ngoài đường, chạy ngược chạy xuôi cả ngày mới thu đủ tiền điện của các hộ dân. Thời gian đầu, vì chưa quen việc, có những gia đình tôi phải đi đi lại lại đến 5 lần 7 lượt mà cũng không gặp được chủ nhà. Sau này, tôi phải nhờ ông tổ trưởng tổ dân phố giúp đỡ mới liên lạc được để gửi hóa đơn. Phải mất gần 1 năm tôi mới nắm được lịch sinh hoạt của các hộ gia đình trong khu vực, sau đó chia từng lượt để thu được nhiều và nhanh nhất”.  

“Để đáp ứng yêu cầu công việc, thu ngân lưu động ngành điện lực không thể tránh khỏi việc phải thu tiền ngoài giờ. Những đêm khuya hay những ngày mưa, bão họ vẫn phải lặn lội đến từng nhà để kịp hạn nộp. Khó khăn vất vả các chị cũng không ngại nhưng các chị sợ nhất là chuyện mất tiền, thất thoát hóa đơn. Nguy hiểm hơn nữa là khả năng xảy ra cướp giật vào những lúc nhập nhoạng tối bởi phần lớn thu ngân viên là những phụ nữ chân yếu tay mềm, không có điều kiện và phương tiện tự bảo vệ. Với tình hình an ninh và tội phạm ngày càng gia tăng với mức độ liều lĩnh, nguy hiểm rình rập khiến nhiều chị rất sợ hãi khi phải ra về trong đêm khuya vắng” - chị Nga tâm sự.

Theo tìm hiểu tôi được biết, những người làm thu ngân hầu hết có hoàn cảnh chẳng khá giả gì. Ví như chị Nga có chồng làm nhân viên điều độ điện lực, anh chị có hai con, các cháu còn nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Thu nhập của cả hai vợ chồng chị cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, không thể tích lũy được. Vậy nên chuyện những người như chị sợ bị cướp xem ra cũng là lo lắng tất yếu. Chẳng vậy mà nhiều khi đi thu tiền điện vào buổi tối, chị phải kéo chồng làm “vệ sĩ”.

Bên cạnh những khó khăn trong công việc, các chị còn là những “tư vấn viên” không chuyên, tuyên truyền về tiết kiệm điện. Chẳng đâu xa, mới gần đây, khi Hà Nội trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài, khi tiền điện của các hộ dân tăng vọt, nhiều người dân chỉ trực chờ nhân viên thu ngân đến để “hỏi”. Không ít người dân tỏ thái độ nghi ngờ và những lời lẽ khá nặng nề khi tiền điện tăng đột biến… Chị Nga nói: Lúc đó, đi đến nhà nào cũng vậy, ai cũng hỏi, cũng thắc mắc cứ như thể thẩm cung ý. Và để làm sáng tỏ những hoài nghi này, chúng tôi phải hướng dẫn những hộ gia đình này cách tự xem lại số điện đã dùng trên công tơ, ghi lại để so sánh chỉ số của tháng trước với tháng này xem có chính xác không? Gia đình cũng có thể xem kỹ cách tính tiền lũy tiến nếu dùng quá chỉ số 100kWh điện đầu tiên… Nếu phát hiện những sai sót, gia đình có thể đến Công ty điện lực để phản ảnh.

Mỗi năm gần đến mùa hè, chị Nga lại đến phát các tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ gia đình trong khu vực mình phụ trách. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, thuyết phục của chị về tiết kiệm điện đã được nhiều hộ dân hưởng ứng. Đến nay, toàn bộ các gia đình trong cụm 47C không còn sử dụng đèn dây tóc. Gần 70% đèn nê ông được thay thế bằng đèn led tiết kiệm điện. 

Có thể nói, thu ngân điện lực là những người có nhiều phẩm chất đáng quý như trung thực, cẩn trọng, kiên trì và hòa nhã. Từ góc nhìn của người dân, người thu ngân chính là bộ mặt của ngành điện Việt Nam. Trước thành công bước đầu của công tác thí điểm hóa đơn điện tử, có thể dự đoán rằng chỉ vài năm nữa hình ảnh thu ngân viên ngành điện lực đến gõ cửa từng nhà sẽ đi vào quá khứ.

Thành Công