Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhớ một thời gian khó

14:03 | 01/07/2015

534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, Công ty điện lực Đắk Lắk (PC Đăk Lăk) đã có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Có một thời gian khó đã đi qua, khoảng chục năm sau ngày giải phóng. Chính thời gian này đã tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho sự nghiệp ngày hôm nay.

Công nhân bám máy để giữ dòng điện.

Lứa cán bộ kỹ thuật (CBKT) chúng tôi (Trần Văn Lộc, Hà Diệu, Lê Hưng Phúc, Hàng Minh Quang) về nhận công tác tại Sở QL – PP Điện Đăk Lăk (nay là PC Đăk Lăk) vào đầu tháng 01/1979, đã qua gần 4 năm kể từ ngày 10/3 và 30/4/1975. Được chứng kiến và cuốn hút vào không khí lao động hăng say, nhiệt tình của 80 CBCNV – mà đa số là của Trung tâm Điện lực Buôn Ma Thuột cũ được lưu dụng và một số ít cán bộ quản lý (CBQL), CBKT từ miền Bắc chuyển về hoặc mới ra trường – Chúng tôi như được tiếp thêm sự tự tin, dần xóa đi các bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu và như được phát huy bản chất muốn cống hiến, muốn làm việc của những người trẻ, ở độ tuổi 22, 23 vừa mới rời giảng đường đại học.

Cả một khu vực rộng lớn của Sở Điện bao bọc bởi các đường Lê Duẩn, Nơ Trang Long, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi (nay là Nguyễn Công Trứ) là một đại công trường, nhộn nhịp ngày đêm. Giàn máy diesel hầu như phải vận hành suốt 24/24 giờ; tiếng ồn, khói bụi, khí thải chẳng những không làm ai bận tâm mà đã trở nên thân thuộc với những người vận hành và cư dân lân cận. Những người thợ sửa chữa luôn chăm lo để các tổ máy diesel, thủy điện phát được công suất cao nhất và thời gian dài nhất có thể; vì vậy, không cứ ban ngày, đêm đêm, bên các tổ máy, từng tốp thợ vẫn tất bật, vẫn những bàn tay lấm lem dầu mỡ, vẫn những mỏ lết, cờ lê và vẫn những suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi độ chế phụ tùng thay thế (trước giải phóng, khi cần phụ tùng, người ta chở từ Sài Gòn lên, nên tại Buôn Ma Thuột không lưu kho mà nếu có cũng vài thứ không đáng kể; sau giải phóng, nguồn phụ tùng của các chủng loại máy Pháp, Mỹ rất khó khăn) để khắc phục ngay sự cố.

Những người thợ đường dây, hằng ngày vẫn đi làm thật sớm, chuẩn bị xà, sứ, dây cáp điện chuyển lên xe GMC toả đi khắp các công trình thi công cấp điện cho nhà máy dầu thực vật, nhà máy đường buôn Bua, sân bay Buôn Ma Thuột, viện nghiên cứu cà phê Ea Kmat, cánh đồng lúa Buôn Trấp, vườn cà phê Ea Tiêu;... mà phương tiện cơ giới để thi công lúc đó hầu như không có, chủ yếu dựng trụ, kéo dây bằng thủ công. Rồi xưởng cơ điện làm việc hầu như không ngơi nghỉ, nhóm công nhân này chăm chú gia công xà, cọc tiếp địa cho các công trình điện; nhóm công nhân kia mải miết quấn lại từng chiếc động cơ hệ thống phụ trợ các tổ máy diesel bị hỏng; nhóm công nhân nọ khẩn trương xử lý các sự cố liên quan đến tủ bảng điện của thủy điện Ea Nao, Đray H’Ling.

Một đại công trường thật sự. Tất cả cho mục tiêu khôi phục, củng cố, xây dựng bước đầu nguồn – lưới điện để đáp ứng nhu cầu dùng điện ngày càng tăng của xã hội sau ngày giải phóng. Họ – những CBCNV mà chúng tôi cảm phục, ngưỡng mộ – đã lao động miệt mài, không tiếc công sức, không nề hà thời gian. Vậy mà, họ vẫn vui, vẫn sống khỏe, vẫn làm việc trong khi những bù đắp vật chất cho họ, như nhiều nơi khác, còn quá thiếu thốn. Đồng lương lúc đó thật ít ỏi và làm gì có lương V2 tháng, quý, năm, thưởng vận hành an toàn như bây giờ; mọi nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người lao động đều được phân phối bằng chế độ tem phiếu; tiêu chuẩn lương thực 13kg, 15kg nhưng gạo thì ít mà phần nhiều là bắp, sắn, bo bo; lâu lâu có được chiếc chăn đắp, chiếc xăm xe đạp mà nếu không bình bầu được thì phải tổ chức bốc thăm để xem ai được mua, còn lại phải chờ các đợt kế tiếp không hẹn trước đến lúc nào.

Đó là những năm 1979, 1980 khi chúng tôi đã về Sở và được chứng kiến, tham gia. Còn giai đoạn 1975 – 1978, càng gian nan, khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi được chú Nguyễn Đình Ba (lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở, sau là Giám đốc Sở), chú Lê Minh Đức (lúc bấy giờ là Quản đốc PX Cơ điện kiêm thư ký Công đoàn, chức danh như Chủ tịch Công đoàn hiện nay) – thuộc lớp CBQL đầu tiên về tiếp quản Trung tâm Điện lực cũ để thành lập nhà máy điện Buôn Ma Thuột trực thuộc Sở Công nghiệp và tiểu thủ Công nghiệp Đăk Lăk, tiền thân của Sở QL và PP điện Đăk Lăk sau đó hơn một năm – kể cho nghe về giai đoạn đầu tiên này. Ủy ban quân quản tỉnh chỉ đạo bằng mọi cách phải khôi phục sản xuất để cấp điện cho các cơ quan đầu não của tỉnh và ít ra khu vực ngã sáu – Trung tâm Thị xã phải có ánh điện về đêm. Vậy là, các chú phải tìm gặp và vận động lớp thợ cũ, nhân viên cũ đi làm trở lại, mà vốn họ đã từng nghĩ rằng mình là người của chế độ trước, nên lo sợ ẩn mình, chờ đợi.

Đi làm trở lại, tâm trạng mang nặng âu lo, e ngại, cảnh giác. Vậy là, các chú phải kiên trì thuyết phục, xoáy vào vấn đề an sinh của bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt xã hội đang cần, cần lắm những dòng điện. Khi tư tưởng đã thông, lương tâm của người thợ khơi dậy, tình yêu với công việc bật lên, họ đã tận lực làm việc, cùng với số ít CBQL, CBKT từ niềm Bắc chuyển về từng bước vượt qua khó khăn. Các điểm hư hỏng của lưới điện do bom đạn chiến tranh được khắc phục nhanh chóng. Năm tuyến đường dây 22 KV và 30 trạm biến áp đã được tổ chức kiểm tra, sẵn sàng vận hành. Năm tổ máy diesel, bốn tổ máy thủy điện lần lượt được bảo dưỡng và chạy thử.

Hơn cả điều mong đợi, vào cuối tháng 4/1975, 2.000 hộ khách hàng ở thị xã đã được cấp điện trở lại, dù phải chịu cảnh cắt luân phiên; hầu hết các cơ quan đầu não của tỉnh đã có điện để đảm bảo công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; một số tuyến phố chính đã được chiếu sáng về đêm; cuộc sống khởi sắc dần lên. Ôi! Dòng điện thật diệu kỳ. Vì dòng điện, và hơn hế vì tình yêu với công việc, vì lương tâm của người thợ, đã bừng sáng lên sự thông cảm, chia sẻ, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa các nhà quản lý, các CBCNV tại chỗ và ở miền Bắc về. Vì dòng điện, họ đã lao động quên mình, vượt qua khó khăn và tạo dựng được niềm tin bước đầu nơi chính quyền cách mạng còn non trẻ của tỉnh nhà.

Thời gian khó ban đầu còn kéo dài thêm tầm 5 năm nữa, cho đến khi Nhà nước và ngành có quyết định đầu tư xây dựng trạm phát diesel EaTam, nhà máy thủy điện Đray H’Ling và tiến hành khảo sát, lập báo cáo các công trình trạm 35KV EaTam, đường dây 35 KV Krông Pak, Krông Ana để ngành điện Đăk Lăk chính thức bước vào thời kỳ phát triển. Năm năm này (1980 – 1985), khi lực lượng CBKT đủ mạnh, chúng tôi bắt đầu củng cố, xác lập nền nếp quản lý kỹ thuật chuyên ngành. Nhưng khi bắt tay vào mới thấy nhiều khó khăn vì xuất phát điểm đều là những con số không phũ phàng.

Không có thiết kế mẫu và chưa có những tiêu chuẩn kỹ thuật nên hồ sơ thiết kế các công trình điện được xây dựng theo phương châm “Vừa thiết kế, vừa thi công và qua thực tế thi công, củng cố thiết kế”; thế là ban ngày CBKT bám sát thi công, ban đêm ngồi vẽ và tính toán, tất cả đều làm bằng tay. Không có tài liệu kỹ thuật và quy trình mẫu, nên để xây dựng quy trình vận hành các tổ máy diesel, thủy điện, nội quy an toàn các công cụ hàn, tiện, cưa, mài, CBKT phải đi trực ca nhiều ngày, theo học tập các thao tác và kinh nghiệm thực tế của người thợ; quy trình, nội quy dự thảo xong loại nào ngăn ngắn độ vài trang, viết nắn nót bằng tay rồi trình ký ban hành, loại nào dài hơn, sắp hàng chờ cô văn thư gõ lộc cộc bằng chiếc máy đánh chữ xứng đáng gửi trưng bày tại viện tàng từ lâu.

Cái thời gian khó đôi khi đi theo là sự xuề xòa, dễ dãi và niềm tin đặt không đúng chỗ. Máy diesel khởi động lên, không đủ kiên nhẫn chờ đợi trực ca điều độ, trực vận hành máy vào nhà hơi (từ chỉ trạm phân phối 15kV lúc đó) đóng tải mà không có bất kỳ lệnh nào. Thao tác ngoài lưới chỉ việc mang sào lên xe đi, không cần phiếu, không cần lệnh cũng không cần chế độ giám sát – đọc, nhắc lại động tác. Khi có nhu cầu công tác trên lưới điện, tổ trưởng ghé vào trực ca điều độ nói miệng và hẹn giờ là được; lúc xong công việc, cho ai đó đảo qua trực ca điều độ bảo “Rồi đó, đóng điện đi” là đủ.

Sở dĩ phải kể lể dài dòng như vậy, để cho thấy những gian khó của thời kỳ này như thử thách chúng tôi trong bước đầu xây dựng các tiêu chí quản lý kỹ thuật. Việc đưa vào áp dụng chế độ phiếu công tác, phiếu thao tác và các nguyên tắc tối thiểu trong trực ca điều độ – trực ca vận hành máy – quản lý vận hành lưới điện quả là kỳ công hiếm thấy. Không có sự chống đối, ù lì ở đây mà tất cả vì muốn được việc, ngại thủ tục. Chỉ đến khi có một tai nạn lao động xảy ra vào ngày 26/12/1980 làm chết một công nhân do vi phạm thủ tục công tác trên lưới điện, mọi người mới thấy cần thiết phải thực hiện chế độ phiếu, chế độ giao trả lưới điện.

Rồi chuyện huấn luyện kiểm tra an toàn định kỳ, tham gia học tập nâng bậc thợ, viết đăng ký để xét khen thưởng sáng kiến cũng gặp không ít trở ngại. Lo sợ ảnh hưởng đến sản xuất, đến công việc vốn rất nhiều lúc đó, các quản đốc phân xưởng, tổ trưởng hầu như không đồng thuận. Nhưng để đảm bảo quyền lợi người lao động và tuân thủ đúng quy định, chúng tôi kiên trì thuyết phục và chọn chiều thứ bảy, ngày chủ nhật để thực hiện. Đó, sự gian khó nho nhỏ mà chúng tôi gặp phải trong thời gian khó suốt mười năm đầu tiên là vậy.

Vào các năm sau 1979, 1980, có dịp được tiếp xúc, làm việc, hỏi chuyện các bác, các chú công nhân lớn tuổi, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi về suy nghĩ và tiềm ẩn trong họ là sự khao khát làm việc, nguyện vọng được tạo điều kiện để phát huy những kinh nghiệm nghề nghiệp đã tích lũy được. Cho mãi đến tận bây giờ, trong ký ức và tiềm thức sâu thẳm của mình, vẫn còn lưu giữ hình ảnh và phong cách làm việc, sự tận tụy với nghề, sự thẳng thắn và ân cần chỉ bảo cho lớp trẻ như chúng tôi của những người thợ đáng kính: bác Võ Ngọc Châu (tổ trưởng đường dây), bác Trần Tịch (tổ trưởng sửa chữa thiết bị), chú Nguyễn Văn Sử (trạm trưởng thủy điện Đray H’Ling), chú Dương Văn Đề (tổ trưởng cơ khí), chú Bạch Công Chữ (tổ trưởng đúc trụ điện), bác Nguyễn Chúc (tổ trưởng nghiệp vụ kinh doanh) và nhiều nhiều người nữa.

Chính họ, cùng với các nhà quản lý: Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Đình Ba, Ân Công Hộ, Trần Áp, Lê Minh Đức, Đặng Như Phan, Trương Văn Minh, Nguyễn Thanh Cầm, các thế hệ CBKT và CNKT tiêu biểu: Phạm Xuân Hạnh, Nguyễn Duy Nhất, Lê Xuân Quang, Nguyễn Tấn Nhụy, Trần Văn Lộc, Đào Duy Kế, Nguyễn Thanh Nam, Nguyễn Chính, Đinh Nam Hải, Đinh Nam Dương,... đã là nhân chứng, người trong cuộc của thời gian khó ấy và đã biết cách vượt qua.

Minh Nguyên

Năng lượng Mới