Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/2/2023
Một giàn khoan tại giếng dầu của mỏ dầu Prirazlomnoye thuộc sở hữu của Rosneft bên ngoài thành phố Nefteyugansk, Tây Siberia, Nga. Ảnh: Reuters |
Ngành dầu mỏ Nga vẫn phát triển mạnh
Bloomberg mới đây trích dẫn các dữ liệu của ngành cho thấy, vào năm 2022, các công ty dầu mỏ của Nga đã khoan tổng độ sâu hơn 28.000km, mức cao nhất trong hơn một thập niên. Số lượng giếng đã tăng gần 7% lên hơn 7.800, với hầu hết các công ty dầu mỏ chủ chốt đều báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn so với năm 2021.
Như vậy, bất chấp những “hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng” do phương Tây áp đặt, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga “phần lớn vẫn tiếp tục hoạt động như trước đây”, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu tại Business Solutions and Technologies, Vitaly Mikhalchuk cho biết.
Tổng sản lượng dầu của Nga đạt khoảng 10,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm ngoái và duy trì gần mức đó vào tháng 1, cho thấy lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của EU có hiệu lực vào tháng 12/2022 gần như không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Bloomberg cho biết tỷ lệ xử lý tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã tăng 2% so với tháng trước trong đầu tháng 2, dù đã mất đi thị trường châu Âu chủ chốt.
Hàn Quốc hỗ trợ chi phí năng lượng cho tầng lớp yếu thế
Tại Hội nghị kinh tế dân sinh khẩn cấp ngày 15/2, chính phủ Hàn Quốc đã công bố phương án hỗ trợ chi phí năng lượng cho người dân, đặc biệt là tầng lớp yếu thế trong xã hội. Theo đó, các đối tượng yếu thế trong xã hội đang sử dụng dầu hỏa và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sẽ được hỗ trợ 592.000 won (461 USD) chi phí năng lượng vào mùa đông năm nay.
Trước đó vào ngày 1/2, chính phủ Hàn Quốc đã công bố chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là 1,68 triệu hộ gia đình đang dùng khí đốt đô thị trong tổng số 2 triệu hộ đang nhận trợ cấp sinh hoạt cơ bản. Tới ngày 9/2, chính phủ tuyên bố hỗ trợ chi phí sưởi ấm với mức tương tự cho tầng lớp yếu thế đang sử dụng hệ thống sưởi ấm chung. Lần này, đối tượng hỗ trợ là tầng lớp yếu thế đang sử dụng dầu hỏa và LPG.
Cũng tại hội nghị lần này, Seoul đã quyết định mở rộng đối tượng được tạm thời trả góp cước phí năng lượng, vốn đang áp dụng cho đối tượng nhận trợ cấp sinh hoạt cơ bản và tầng lớp yếu thế, sang các đối tượng là tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Áo tăng tỷ trọng nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm 2022
Tỷ trọng khí đốt từ Nga trong nhập khẩu của Áo đã tăng từ 41% trong tháng 11/2022 lên 71% trong tháng 12 cùng năm. Thông tin được Bộ Năng lượng Áo công bố ngày 15/2. Theo bộ này, tỷ trọng của các nguồn nhập khẩu khí đốt khác trong tháng 12/2022 chỉ chiếm 29%. Trước đó, hồi tháng 10/2022, khí đốt từ Nga chỉ chiếm 23% tổng lượng nhập khẩu của Áo.
Cuối năm 2022, Thủ tướng Áo Karl Nehammer và các bộ trưởng trong chính phủ đã nhiều lần tuyên bố nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho nước này đã giảm xuống còn "khoảng 20%". Số liệu được lấy từ các báo cáo của cơ quan quản lý quốc gia E-Control.
Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Áo cho biết dữ liệu về nguồn cung cấp khí đốt của Nga nằm trong "phạm vi dao động" vì các bên tham gia thị trường khí đốt không bắt buộc phải thông báo cho E-Control về nguồn gốc chính xác của khí đốt nhập khẩu.
Lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Trung Đông tới Đức
Ngày 15/2, Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo đã vận chuyển lô khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên đến Đức.
ADNOC cho hay: "ADNOC và công ty năng lượng RWE Aktiengesellschaft (RWE) đã vận chuyển thành công chuyến hàng LNG đầu tiên từ Abu Dhabi đến cảng LNG nổi Elbehafen ở Brunsbuettel, Đức. Chuyến hàng chở tổng cộng 137.000 m³ LNG và là chuyến hàng LNG đầu tiên từ Trung Đông đến Đức".
Quyền Giám đốc điều hành của ADNOC Ahmed Alebri nhấn mạnh: "Việc vận chuyển thành công lô hàng LNG đầu tiên của Trung Đông tới Đức cho thấy, UAE đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược trong việc cung cấp các nguồn năng lượng an toàn và bền vững với giá cả phải chăng một cách có trách nhiệm".
Na Uy có thể đánh thuế xuất khẩu điện
Chính phủ Na Uy sẽ cân nhắc việc đánh thuế xuất khẩu điện và áp đặt những thay đổi khác cho thị trường năng lượng nhằm bảo đảm lượng điện tiêu thụ trong nước và kiểm soát giá cả. Một ủy ban chuyên gia đã được chỉ định để đánh giá 6 đề xuất bao gồm cả việc thành lập các cuộc đấu giá điện khác nhau cho mục đích sử dụng trong và ngoài nước và bỏ một số lượng tiêu thụ điện từ thị trường giao ngay.
Các kế hoạch cắt giảm xuất khẩu điện trước đây của Na Uy đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước láng giềng Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, với ý kiến rằng những động thái như vậy có thể buộc các nước khác áp dụng các biện pháp tương tự, làm suy yếu an ninh năng lượng khu vực.
Mặc dù Na Uy không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng nước này tham gia vào thị trường chung của EU và do đó bị ràng buộc bởi các quy tắc và quy định quản lý cạnh tranh, hạn chế khả năng tự hành động của nước này.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/2/2023 |
H.T (t/h)