Nhịp đập năng lượng ngày 29/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Phương Tây quan ngại về chương trình phát triển hạt nhân của Iran
Ngày 28/12, Mỹ cùng Anh, Pháp và Đức đã bày tỏ quan ngại trước việc Iran đang tăng lượng urani làm giàu ở mức 60% sau vài tháng chững lại, căn cứ vào báo cáo do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố mới đây.
Trong tuyên bố chung, Mỹ cùng các quốc gia phương Tây cho rằng việc Iran tăng mức độ làm giàu urani lên 60% là “bước leo thang mới nghiêm trọng hơn trong chương trình phát triển hạt nhân của Iran và không thể biện minh là vì mục đích dân sự”.
Trước đó 2 ngày, IAEA đã công bố báo cáo cho biết Iran “đã tăng sản lượng urani được làm giàu ở cấp độ cao, sau một thời gian giảm sản lượng từ giữa năm 2023”. Theo báo báo, từ cuối tháng 11, Iran đã tăng lượng urani làm giàu 60% lên khoảng 9kg/tháng, tăng 3kg so với hồi tháng 6 và quay trở về mức sản lượng của nửa đầu năm 2023.
Xuất khẩu sản phẩm dầu tinh chế của Nga đạt mức cao nhất trong 7 tháng
Xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng tính đến ngày 24/12, khi các nhà máy lọc dầu của Nga tăng cường lọc dầu thô, dữ liệu từ Vortexa được Bloomberg tổng hợp.
Trong 4 tuần tính đến ngày 24/12, xuất khẩu nhiên liệu trung bình từ Nga đạt khoảng 2,6 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 157.000 thùng/ngày so với mức trung bình 4 tuần tính đến ngày 17/12. Tuy nhiên, dữ liệu không nhất quán hơn về xuất khẩu nhiên liệu hàng tuần cho thấy, trong tuần tính đến ngày 24/12, xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga đã giảm 660.000 thùng/ngày so với tuần trước đó và đạt trung bình 2,5 triệu thùng/ngày.
Xuất khẩu hàng tuần biến động nhiều hơn và thể hiện cho lịch trình bốc hàng cũng như sự gián đoạn tải hàng liên quan đến thời tiết, song mức trung bình trong 4 tuần tiếp tục tăng trong bối cảnh công suất lọc dầu cao hơn và việc tiếp tục nới lỏng các hạn chế xuất khẩu nhiên liệu của Nga.
Qatar ký thỏa thuận cung cấp dầu thô 5 năm với Shell
QatarEnergy đã ký một thỏa thuận cung cấp tới 18 triệu thùng dầu thô hàng năm cho Shell, trong một thỏa thuận bán dầu thô 5 năm đầu tiên của công ty Qatar. Dầu thô Qatar Land và Qatar Marine được bắt đầu vận chuyển từ tháng 1/2024.
Thỏa thuận cung cấp dầu thô là thỏa thuận mới nhất giữa QatarEnergy và Shell, vốn có mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài thông qua một số khoản đầu tư chung vào ngành năng lượng, bao gồm các dự án mở rộng LNG khổng lồ của QatarEnergy tại Qatar.
Hai tháng trước, QatarEnergy và Shell đã ký 2 hợp đồng LNG dài hạn để cung cấp LNG từ Qatar cho Hà Lan trong 27 năm bắt đầu từ năm 2026 khi các dự án mở rộng xuất khẩu đầu tiên của Qatar dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Trong khuôn khổ thỏa thuận mua bán, Qatar và Shell sẽ cung cấp tới 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm cho trạm tiếp nhận Gate LNG ở cảng Rotterdam, công ty của Qatar cho biết vào tháng 10.
Mỹ đầu tư hàng trăm tỷ USD cho tương lai năng lượng sạch
Tờ Wall Street Journal ngày 27/12 đưa tin chính phủ Mỹ đang tích cực đầu tư chuyển dịch năng lượng, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ xác định cần phải có các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ song song với phát triển các công nghệ mới vượt trội.
Phát triển xe điện là một trong những mục tiêu rõ nhất của quá trình chuyển đổi năng lượng tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đang đổ tiền vào các công nghệ xanh như năng lượng hydro và các công nghệ khử carbon. Một mục tiêu lớn khác của Washington là chuyển đổi ngành điện, trong quá trình chuyển đổi này, sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang tăng lên.
Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá và khí đốt tự nhiên, hiện chiếm khoảng 60% sản lượng điện của cả nước, còn lại là các nguồn carbon thấp, trong đó năng lượng tái tạo đóng góp 21% và năng lượng hạt nhân đóng góp 19%. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khi các dự án năng lượng sạch đi vào hoạt động.
Trung Quốc thử nghiệm thiết bị sản xuất ethanol lớn nhất thế giới
Trung Quốc đã đưa vào thử nghiệm thiết bị sản xuất ethanol lớn nhất thế giới, với sản lượng hàng năm 600.000 tấn vào ngày 28/12 tại thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, phía Đông nước này. Thiết bị này có thể chuyển đổi khí lò luyện cốc thành ethanol. Nhờ đó sẽ làm tăng đáng kể giá trị gia tăng của than và mang lại giải pháp khả thi cho sự phát triển các ngành công nghiệp thép và hóa dầu với lượng phát thải carbon thấp.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một công nghệ tiên tiến là DMTE, sử dụng khí tổng hợp làm nguyên liệu thô để sản xuất ethanol. Nhóm nghiên cứu đã liên tục nâng cấp công nghệ, chất xúc tác và tối ưu hóa quá trình phản ứng, tạo nền tảng vững chắc cho công nghiệp hóa quy mô lớn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Liu Zhongmin, Giám đốc DICP và là học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết, cho đến nay, nhóm đã ký 13 bộ hợp đồng cấp phép triển khai công nghệ DMTE, trong đó có 2 bộ hợp đồng về xuất khẩu. Theo ông Liu, việc sản xuất ethanol từ các nguyên liệu không phải là phi ngũ cốc ở quy mô lớn có vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chuỗi công nghiệp hóa chất và an ninh chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Nhịp đập năng lượng ngày 27/12/2023 |
Nhịp đập năng lượng ngày 28/12/2023 |
H.T (t/h)
-
Giá dầu hôm nay (13/11): Dầu thô tăng nhẹ
-
OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu
-
Giới lãnh đạo ngành dầu mỏ thế giới coi xung đột ở Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất
-
Nhiệm kỳ TT Mỹ thứ hai của ông Trump và tác động đến thị trường khí đốt Châu Âu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/11: Giá dầu thế giới giảm nhẹ đầu phiên