Nhiều trải nghiệm trong chương trình "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc"
Đồng bào các dân tộc giao lưu văn nghệ ngày xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2024 có sự tham gia của khoảng 200 người của 28 cộng đồng dân tộc, của 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền tham gia. Trong đó, huy động 40 đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng; 30 đồng bào dân tộc B’ru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình; 40 đồng bào dân tộc Kinh tỉnh Thanh Hoá; 25 đồng bào dân tộc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận.
Mời khoảng gần 20 người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân...) của một số cộng đồng dân tộc, mỗi dân tộc 2 người gồm dân tộc Si la, Lự, La Hủ, Cống (Lai Châu), Cờ Lao, La Chí, Pu Péo, Lô Lô (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An).
Khoảng hơn 100 đồng bào của 16 nhóm cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).
Trong khuôn khổ Ngày hội, cộng đồng các dân tộc sẽ tham gia các hoạt động như: Chương trình Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước; Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo chúc Tết đồng bào các dân tộc, tham gia Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Chương trình "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" sẽ tái hiện các lễ hội:
Lễ Trỉa lúa của dân tộc B’ru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình: Lễ Trỉa lúa (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) của dân tộc B’ru Vân Kiều diễn ra vào 9h30 phút ngày 24/2 (tức thứ Bảy, ngày 15 tháng Giêng) tại Khu các làng dân tộc.
Đồng bào B’ru Vân Kiều chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở miền tây Quảng Bình, nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai triền miên. Mùa hè thì nắng gió lào khô nóng thổi rát da thịt trong khi mùa đông lại lạnh giá và rét mướt. Chính vì thế, đồng bào người Bru-Vân Kiều luôn phải du canh du cư, sống dựa vào tự nhiên, núi rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và trồng lúa. Hằng ngày họ phát, đốt, cốt, trỉa để có thể sinh tồn.
Lễ hội Nàng Hai tỉnh Cao Bằng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tày được trình diễn vào 10h thứ Bảy ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), tại Khu các làng dân tộc.
Đây là lễ hội tiêu biểu của dân tộc Tày (tỉnh Cao Bằng), thể hiện đầy đủ giá trị tâm linh truyền thống cũng như các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Tày tại địa phương. Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là Mẹ Trăng của người Tày ở Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi.
Lễ hội múa đầu năm – Rija Nagar của dân tộc Chăm được tái hiện vào 10h Chủ nhật ngày 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tại làng dân tộc Chăm và quần thể tháp Chăm, Khu các làng dân tộc III.
Lễ hội Rija Nagar diễn ra vào 2 ngày chính. Nếu gọi theo con vật dâng cúng thì người Chăm nói: “ngày vào cúng con gà ngày ra cúng con dê”. Còn nếu, gọi theo tên các vị thần được thỉnh mời về để nhận lễ vật thì người Chăm nói: “ngày đầu tiên cúng các thần linh mới, ngày thứ hai cúng các thần linh cũ”. Tức là, ngày thứ nhất dâng lễ vật cho các vị thần linh đến từ thế giới Hồi giáo chỉ có các món ăn chay như chè, xôi và trái cây. Ngày thứ hai, dâng lễ vật cho các vị thần linh ảnh hưởng tín ngưỡng Ấn Độ giáo được thờ phượng trên các đền tháp với các món ăn mặn, người ta làm một con dê để tế thần và các vị anh hùng dân tộc.
Lễ hội Rija Nagar là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc làm cho không khí của năm mới tràn đầy phấn khởi và vui vẻ.
Bên cạnh đó còn tổ chức các chương trình giao lưu “Xuân về trên đền tháp”, cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Xuân của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung”; chương trình “Du Xuân” giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết…
Ngày hội là dịp cộng đồng các dân tộc cùng nhau gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu bản sắc dân tộc trong những ngày đầu Xuân tại "Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
N.H
Bất ngờ chỗ trọ nghỉ chân chỉ 50.000 đồng khi về trẩy hội chùa Hương |
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn 2024 |
Lễ hội Lim năm 2024: Lưu giữ văn hóa, giá trị truyền thống |
“Tả tơi” đi hội, đi chùa |
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Cơ hội xem những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững
-
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam miễn phí vé cho khách tham quan
-
Phẩm cách người Hà Nội - dòng mạch ngầm chảy mãi
-
Bài cuối: Động lực để phát triển lên tầm cao mới