Nhiệt điện than vẫn giữ vị trí rất quan trọng
PV: Xin ông cho biết về tình hình các dự án nhiệt điện than thời gian qua?
Ông Lê Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo |
Ông Lê Văn Lực: Thời gian qua, không có thêm dự án nhiệt điện nào được bổ sung vào quy hoạch. Ở chiều ngược lại, một số dự án đã nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, lẽ ra phải được triển khai, nhưng lại vướng mắc về địa điểm xây dựng do chưa nhận được sự đồng thuận từ các địa phương.
PV: Theo ông, nhiệt điện than có vai trò như thế nào trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn từ nay đến năm 2030?
Ông Lê Văn Lực: Chắc chắn là vai trò trụ cột, vì nhiệt điện than là nguồn nhiệt điện hiệu quả và hiệu suất phát điện lớn nhất trong các nguồn điện hiện có của Việt Nam. Nếu như 1.000 MW nhiệt điện than 1 năm có thể phát được 7 tỉ kWh, thủy điện tối đa cũng chỉ phát được 4 tỉ kWh, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phát được khoảng 2 tỉ kWh/năm. Rõ ràng hiệu suất nhiệt điện than cao hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác.
Hiện nay, nhiệt điện than cung cấp khoảng 38% sản lượng điện cho đất nước. Theo tính toán, đến năm 2030 nhiệt điện than sẽ chiếm 53% sản lượng điện toàn hệ thống, do thủy điện đã khai thác gần hết, nguồn nhiệt điện khí cũng có giới hạn nhất định do giá cao, nguồn năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển, nhưng bị hạn chế do tính không ổn định. Vì vậy, những năm tới, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn do giá thành hợp lý và hiệu suất cao, đáp ứng được nhu cầu năng lượng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Dư luận vẫn còn e ngại sử dụng nhiệt điện than vì cho rằng, nhiệt điện than gây ô nhiêm môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Văn Lực: Khi xây dựng bất cứ nguồn điện nào cũng có 2 mặt, được và mất. Chúng ta phải có sự lựa chọn hợp lý và kinh tế. Đối với nhiệt điện than, khi đốt cả triệu tấn than/năm cho phát điện, việc tác động đến môi trường chắc chắn là có. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ hiện đại, Việt Nam đã có các giải pháp xử lý những yếu tố tác động đến môi trường, đảm bảo phát thải khí ra môi trường đạt chuẩn dưới nồng độ cho phép theo quy chuẩn của Việt Nam, cũng như quốc tế.
Khi đầu tư nhà máy nhiệt điện than, trong báo cáo khả thi, các chủ đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu đáp ứng được yêu cầu theo quy định, mới được cấp phép xây dựng. Việc đầu tư công nghệ cho mỗi nhà máy nhiệt điện than đều được xem xét ngay từ khâu đầu tư và liên tục bổ sung khi có công nghệ mới, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về môi trường theo đúng quy định.
Nhiệt điện than là nguồn nhiệt điện có hiệu quả và hiệu suất phát điện lớn nhất trong các nguồn điện hiện có của Việt Nam. Nếu như 1.000 MW nhiệt điện than 1 năm có thể phát được 7 tỉ kWh, thủy điện tối đa cũng chỉ phát được 4 tỉ kWh, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phát được khoảng 2 tỉ kWh/năm. |
PV: Một trong những khó khăn đối với nhiệt điện than là thiếu than cho sản xuất điện. Bộ Công Thương có giải pháp nào mang tính bền vững, giải quyết khó khăn này thưa ông?
Ông Lê Văn Lực: Theo quy hoạch, đến năm 2030 nhu cầu than cho điện khá lớn, than sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40 triệu tấn/năm. Trong khi đó, đến năm 2030, Việt Nam cần 130-140 triệu tấn than cho phát điện. Như vậy, sẽ phải nhập khẩu khoảng 90-100 triệu tấn than/năm. Theo thông tin mới nhất, nguồn than thế giới hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển nhiệt điện vài trăm năm. Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về nguồn nhiên liệu cho nhiệt điện than.
Trước đây, Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc làm đầu mối khai thác và cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) và nhu cầu than cho nền kinh tế, nên có những thời điểm thiếu than. Hiện nay, Chính phủ đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than chủ động tìm thị trường và nhập khẩu than thông qua TKV và Tổng công ty Đông Bắc hoặc qua các đơn vị thương mại được Chính phủ cho phép. Điều đó đã giúp các nhà máy chủ động hơn trong việc tìm nguồn.
PV: Trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện đang tập trung vào các tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước như, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và TKV, trong đó EVN giữ vai trò chủ đạo. Vậy, theo ông, có cần tiến hành xã hội hóa đầu tư vào các nguồn nhiệt điện hay không?
Ông Lê Văn Lực: Việc xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư vào các dự án nguồn điện là rất cần thiết vì theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện là rất lớn, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 140-150 tỉ USD. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ là phải đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào các dự án nguồn điện và các dự án đường dây truyền tải điện.
Nhà máy nhiệt điện tại Đồng bằng sông Cửu Long |
Thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ đã có chính sách thu hút vốn đầu tư vào các dự án nhiệt điện theo hình thức BOT. Việc xây dựng các nhà máy điện theo hình thức này có thể huy động được nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài luôn đưa ra các điều kiện ràng buộc chặt chẽ về thu hồi vốn và tuân thủ các quy định khắt khe của các tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời yêu cầu Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh với các điều kiện rất cụ thể như, phương thức chuyển đổi ngoại tệ, các điều kiện vận hành, sản lượng điện tối đa, tối thiểu trong 1 năm... Tất cả những ràng buộc này đã làm cho việc bảo lãnh của Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn.
PV: Theo ông, truyền thông có vai trò như thế nào trong việc định hướng dư luận về phát triển các dự án nhiệt điện than?
Ông Lê Văn Lực: Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương xã hội hóa phát triển các nguồn điện, đặc biệt là nhiệt điện than.
Thời gian qua, đã có một số thông tin chưa chính xác và chưa đủ cơ sở về nhiệt điện than, dẫn đến một số địa phương không ủng hộ phát triển nguồn nhiệt điện này. Tuy nhiên, mọi người đều biết, Việt Nam đã có hơn 20 NMNĐ than vận hành hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường. Những vùng có NMNĐ than đang hoạt động như Ninh Bình, Quảng Ninh, Phả Lại, Thái Nguyên… người dân sinh sống bình thường, nhiều nơi đã trở thành khu dân cư đông đúc, sầm uất, những thị xã, thành phố mới...
Theo tôi, các phương tiện truyền thông đại chúng cần có cái nhìn khách quan, chính xác, khoa học về nhiệt điện than.
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Anh
-
EVNHANOI cảnh báo khách hàng cảnh giác với cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
-
Hoàn thành cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Kho Vàng, Nậm Tông
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng