Nhiên liệu sinh học: Thực tiễn từ Thái Lan và triển vọng cho Việt Nam
1. Tổng quan
Nhiên liệu sinh học (NLSH) đang ngày càng được quan tâm như là nguồn năng lượng thay thế vì khả năng đáp ứng an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, và giảm thiểu khả năng gây biến đổi khí hậu. Tới năm 2011, sản lượng ethanol được sản xuất trên toàn thế giới đã tăng từ 17,0 đến 86,1 tỷ lít, trong khi đó sản lượng diesel sinh học cũng tăng từ 0,8 đến 21,4 tỷ lít. Braxin và Mỹ là hai quốc gia hàng đầu thế giới trong việc sản xuất và tiêu thụ NLSH. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan đang sản xuất và tiêu thụ cả xăng sinh học lẫn diesel sinh học. Để thúc đẩy quá trình sản xuất và cung ứng NLSH ra thị trường, chính phủ Thái Lan đã đưa ra những chính sách, kế hoạch, lộ trình phù hợp.
2. Những chính sách cho sự phát triển NLSH ở Thái Lan
2.1. Chính sách
Thái Lan là một trong những nước hàng đầu trong khu vực ASEAN khuyến khích sản xuất NLSH. Những chính sách đáng kể của Thái Lan bao gồm: (1) thiết lập an ninh năng lượng bền vững; (2) xúc tiến và khuyến khích phát triển năng lượng thay thế; (3) giám sát đảm bảo mức giá thích hợp; (4) kết hợp mở rộng và đầu tư; (5) tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; (6) hỗ trợ phát triển năng lượng đồng thời bảo vệ môi trường.
Chính sách phát triển NLSH được xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2004-2011 và giai đoạn 2 từ năm 2008-2022 để tăng mức độ sử dụng năng lượng tái tạo đạt 20% tổng nhu cầu năng lượng. Trong kế hoạch 15 từ 2008 đến 2022, AEDP (Alternative Energy Development Plan) đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sử dụng năng lượng tái tạo đạt 25% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2022.
Riêng trong giai đoạn 2012-2022, AEDP đề ra những mục tiêu: (1) phát triển năng lượng tái tạo như là nguồn năng lượng chính thay thế cho nhiên liệu thô và dầu nhập khẩu; (2) củng cố an ninh năng lượng quốc gia; (3) khuyến khích sử dụng năng lượng xanh trong cộng đồng; (4) ủng hộ phát triển công nghệ năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và quy mô công nghiệp; (5) nghiên cứu, phát triển và khuyến khích để chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo ra thị trường quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đó, AEDP đã xây dựng các nhà máy sản xuất NLSH, như các nhà máy sản xuất ethanol với sản lượng mục tiêu là 3; 6,2 và 9 triệu lít/ngày cho kế hoạch ngắn hạn (2011), trung hạn (2016) và dài hạn (2022). Các nhà máy sản xuất diesel sinh học cũng đã đưa ra sản lượng là 3; 2,6 và 5,97 triệu lít/ngày cho kế hoạch ngắn hạn (2011), trung hạn (2016) và dài hạn (2022).
2.2. Hỗ trợ từ Chính phủ
Để hiện thực kế hoạch 2012-2022 của AEDP, Thái Lan đã ban hành các biện pháp: (1) đề ra mục tiêu sản lượng trung bình quốc gia cho sắn và mía đường; (2) khuyến khích sản xuất nguồn nguyên liệu thay thế; (3) chấm dứt sử dụng xăng khoáng A92 vào tháng 10/2012; (4) trợ cấp khoảng 2.000 đồng xăng E20 và giảm thuế cho xăng E10; (5) ủng hộ sản xuất các loại xe ôtô thân thiện môi trường (Eco-Car) và ôtô sử dụng E85 bằng cách giảm thuế tới 33 triệu đồng cho xe dùng E85 và khoảng 20 triệu đồng cho xe Eco-Car.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã ban hành các biện pháp sau: (1) xây dựng đồn điền cọ dầu thay thế các vùng đất không phù hợp cho cây trồng lương thực, kết hợp cải tiến nâng cao năng suất và sản lượng cọ dầu; (2) yêu cầu pha trộn ít nhất 5% diesel sinh học trong diesel dầu mỏ (B5); (3) chỉ đạo các nhà máy sản xuất tiên phong pha trộn B10, B20 và chuẩn bị pha trộn đến 7% diesel sinh học trong diesel dầu mỏ.
2.3. Sản xuất và sử dụng
Thái Lan đã thực hiện chương trình ethanol quốc gia và chiến lược cho xăng sinh học (06/12/2003) với sản lượng 1 triệu lít ethanol/ngày vào cuối năm 2006 và 3 triệu lít/ngày vào cuối năm 2011. Mặc dù xăng sinh học và diesel sinh học được khuyến khích trong cùng một thời gian nhưng xăng sinh học đã thâm nhập thành công hơn vào thị trường vì nguồn nguyên liệu luôn sẵn sàng.
Năm 2005, Thái Lan đã khuyến khích sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học nhưng kết quả không cao cho đến tháng 1/2008, khi Chính phủ thông qua chính sách yêu cầu sản xuất diesel sinh học B2. Số lượng các nhà máy sản xuất đã tăng (từ năm 2009-2010) do nhu cầu sử dụng B100 để sản xuất B2 và đã tăng nhu cầu diesel sinh học B5.
3. Dự báo xu hướng và giải pháp triển khai xăng sinh học tại Việt Nam
3.1. Xu hướng sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam
Trong xu hướng phát triển NLSH nói chung và xăng sinh học nói riêng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177 (Đề án 177) và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được ban hành tại Quyết định số 53 (Lộ trình 53) theo mục tiêu đề ra, với bước đi phù hợp. Theo đề án 177, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ sản xuất xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Động thái mạnh mẽ này từ Chính phủ là minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm triển khai sử dụng NLSH tại Việt Nam.
3.2. Những thuận lợi cho sự phát triển NLSH tại Việt Nam
- Giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu thô, đảm bảo an ninh năng lượng.
- Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.
- Thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp vì tận dụng được sản phẩm dư thừa từ nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.
- Thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển (R-D) cho các loại nhiên liệu sinh học khác, không chỉ là xăng sinh học, mà còn diesel sinh học. Hơn nữa, ngành công nghiệp ôtô ngày càng phát triển. Do đó, sản lượng tiêu thụ diesel tăng cao gấp nhiều lần so với xăng.
3.3. Đề xuất những giải pháp trong việc triển khai xăng sinh học E5 tại Việt Nam
- Giá thành xăng sinh học cần điều chỉnh theo hướng giảm các loại thuế, để giá thấp hơn nhiều so với xăng dầu mỏ, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
- Hoạt động trở lại các nhà máy sản xuất ethanol. Tận dụng địa thế sẵn có của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xây dựng các xưởng pha trộn xăng sinh học E5.
- Chủ trương xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol gần nguồn nguyên liệu (sắn, mía), gần các nhà máy Lọc - Hóa dầu đã có (Nhà máy Dung Quất - Quảng Ngãi) và sắp tới (Nhà máy Nghi Sơn - Thanh Hóa, Nhà máy Long Sơn - Vũng Tàu). Chỉ cần tập trung vào các địa điểm chính này ở 3 miền là có thể phục vụ nhu cầu cho cả nước vì thực tế lượng ethanol tinh khiết chỉ chiếm 5% trong xăng sinh học E5.
- Xăng sinh học E5 hoàn toàn an toàn cho động cơ, chất lượng đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn tương đương EURO. Do đó, cần đẩy mạnh thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng, công khai ý kiến từ các chuyên gia - nhà khoa học.
4. Kết luận
Việc đưa vào sửa dụng xăng E5 là một việc làm tất yếu, vừa phù hợp xu thế của thế giới vừa bảo vệ môi trường cho chính chúng ta. Tuy nhiên, các công việc cần tiến hành hiện nay là tuyên truyền nhận thức cho người sử dụng về tính an toàn cho người sử dụng và thiết bị, đồng thời sớm quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất ethanol.
PGS.TS Võ Viễn, Đặng Nguyên Thoại, Trương Thanh Tâm
Nhóm chuyên gia Hội Xúc tác và hấp phụ Việt Nam (Trường ĐH Quy Nhơn)
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh