Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nháo nhác… vắc-xin!

06:00 | 27/03/2014

687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa nhập khẩn cấp 77.800 liều vắc-xin thủy đậu để kịp cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng trước tình hình dịch bệnh bùng phát. Hiện tượng này lại một lần nữa chứng minh: Hễ có dịch mới nháo nhác… phòng dịch!

Năng lượng Mới số 307

Khi vắc-xin “cháy hàng”

Đầu năm nay, dịch sởi và thủy đậu vào mùa nên đã bùng phát mạnh khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Trước tình hình trên, nhiều gia đình vội vã đưa trẻ tới các cơ sở tiêm chủng phòng ngừa, dẫn tới việc khan hiếm vắc-xin và nhiều loại vắc-xin còn rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Còn nhớ cuối tháng 1/2014, khi dịch sởi ở trẻ em bùng phát, cơ quan chức năng kết luận có tới 89% ca nhiễm bệnh trong dịp này là do trẻ chưa được tiêm chủng phòng bệnh. Nguyên do là những phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em trong thời gian qua khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Vì thế, sau 4 năm yên ắng thì đầu năm 2014 bệnh dịch sởi đã bùng phát và lây lan trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, số trẻ em dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ khá cao, hiện tượng bất thường này chứng tỏ các bà mẹ thờ ơ với việc tiêm chủng phòng bệnh khi mang thai, bởi trẻ 6 tháng tuổi vẫn còn kháng thể miễn dịch từ người mẹ.

Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ

Điều đó để thấy rằng, đối tượng cần thiết nhất phải tiêm vắc-xin là bà mẹ và trẻ em lại đều không chú ý đến tiêm phòng dịch, để đến khi dịch bùng phát mới vội vã đi tiêm. Điều may mắn là, vắc-xin sởi trong nước sản xuất được nên không quá lo lắng, còn lại vắc-xin thủy đậu thuộc dòng vắc-xin dịch vụ nên có sốt ruột thì các bậc phụ huynh vẫn cứ phải chờ.

Nhiều ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Ngay từ sáng sớm đã có cả trăm phụ huynh đưa con nhỏ tới tiêm chủng, chủ yếu là vắc-xin sởi, thủy đậu, cúm… khi dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng và diễn biến phức tạp.

Ghi nhận tình trạng này ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Bắt đầu từ tháng 2, do tâm lý lo sợ trước tình trạng nhiều bệnh dịch đang bùng phát mạnh nên người dân đã đổ xô đi tiêm vắc-xin phòng bệnh, khiến lượng người tiêm tăng đột biến. Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận gần 500 lượt trẻ tới tiêm phòng các loại vắc-xin. Riêng trẻ được đưa đến tiêm vắc- xin sởi và thủy đậu đã tăng 20-25% so với tháng trước.

Tại đây, chị Dương Thị Mai (Trung Hòa, Hà Nội) đưa con đi tiêm vắc-xin phòng sởi và thủy đậu lo lắng: “Thấy dạo này nhiều trẻ bị mắc sởi và thủy đậu nhiều quá nên gia đình tôi phải vội cho con đi tiêm phòng, đến đây thì chỉ tiêm được vắc-xin sởi, còn vắc-xin thủy đậu đã hết, nghe nói đợt thuốc mới đã được nhập về nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng. Bác sĩ hẹn chúng tôi vài ngày nữa vì còn đợi kết quả kiểm định, tôi rất sốt ruột vì lo cho con”.

Được biết, ngoài vắc-xin thủy đậu cháy hàng thì vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 được lựa chọn thay thế vắc-xin Quivaxem 5 trong 1 cũng ở tình trạng cạn hàng. Trước sự nháo nhác này, mới đây ngoài 20.000 liều vắc-xin thủy đậu có số đăng ký thì Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã “phá rào” nhập khẩn cấp 77.800 liều vắc-xin theo hình thức cấp phép không có số đăng ký về Việt Nam. Theo đó, gần 6.600 liều vắc-xin “5 trong 1” cũng đã nhập kho để kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.

Nước đến chân mới nhảy là vậy

Trước tình trạng này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng: “Như vậy là người dân đã vô tình làm vô hiệu hóa phần nào tác dụng của vắc-xin. Nguyên lý vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một hoặc một vài tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh như một sự tập dượt để cơ thể sản sinh miễn dịch chống lại bệnh đó. Vậy mà cứ đợi đến lúc dịch bùng phát mới tiêm phòng thì nhiều khả năng không có tác dụng với những trường hợp đã nhiễm bệnh từ trước”.

Đồng quan điểm này, bà Lê Thị Luân - Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế cũng nhận xét: “Người dân vẫn còn chủ quan vào việc tiêm chủng phòng bệnh, ngay cả đối với chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhiều bậc phụ huynh thờ ơ với vắc-xin được tiêm miễn phí mà “chạy đua” đưa con đi tiêm chủng dịch vụ”. Điều này có cơ sở bởi trong đợt dịch vừa qua, các loại vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu từ nước ngoài rất được ưa chuộng trong nước. Điển hình hai loại vắc-xin tổng hợp là Pentaxim 5 trong của Pháp, hay vắc-xin Infanrix Hexa 6 trong 1 của Bỉ, được các bậc phụ huynh lùng sục ở tất cả các cơ sở tiêm phòng dịch nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời là hết hàng.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sản xuất vắc-xin tương đối tốt. Hiện, nước ta đã sản xuất được 10/11 loại vắc-xin phòng bệnh và 11 loại này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhưng các bậc phụ huynh lại tỏ ra khá thờ ơ. Bà Lê Thị Luân cho rằng: Do thị hiếu nên các bậc phụ huynh mới có tâm lý sính ngoại. Còn thực tế, dù là vắc-xin được sản xuất trong nước hay nước ngoài đều phải dựa theo quy trình và đạt các yêu cầu của tổ chức y tế thế giới. Đôi khi nhiều vắc-xin ngoại còn chưa chắc đã phù hợp với cơ địa của người Việt, vì thể trạng của người Việt với người nước ngoài là khác nhau. Thế nhưng người dân chưa rõ điều này, mà đổ xô đi tìm vắc-xin ngoại, thậm chí khi hết hàng vẫn chờ cho bằng được.

Khi đó thời gian chờ đợi kéo dài, sẽ kéo theo việc tiêm chủng không đúng thời điểm, không đúng độ tuổi, ngay cả trì hoãn đối với cả những mũi tiêm nhắc lại… cũng là một tai hại. Bởi lịch tiêm vắc-xin phòng bệnh không phải mang tính chất ngẫu nhiên. Nó được lập ra dựa vào kết quả của nhiều nghiên cứu cơ bản để tìm ra ở độ tuổi nào trẻ có phản ứng miễn dịch với bệnh đó một cách tối ưu, từ đó vắc-xin có được mức bảo vệ hữu hiệu, hạn chế được những biến chứng trong những bệnh chủng ngừa để mang đến kết quả tốt nhất cho trẻ.

Vậy nhưng, nhiều phụ huynh chưa hiểu thấu đáo về nguyên lý này nên không những trì hoãn mà còn đưa trẻ đi tiêm phòng vào giữa mùa dịch. Với những trường hợp này nhiều khi không phát huy được hết tác dụng của vắc-xin. Đơn cử như đợt dịch sởi vừa qua, dịch càng bùng phát thì lại càng nhiều phụ huynh lo lắng đem con đi tiêm phòng, nhưng không ít trường hợp tiêm xong trẻ vẫn phát bệnh như thường. Nhiều bậc phụ huynh không hiểu mà cho rằng, vắc-xin phòng sởi không hiệu quả, nhưng thực tế, trẻ đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh từ trước khi tiêm.

Từ thực tế này, bà Luân cho rằng: “Điều đầu tiên là các bậc phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đặc biệt là với trẻ em dưới 5 tuổi. Vì vắc-xin rất quan trọng đối với trẻ, khi được tiêm đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng quy định nó sẽ có tác dụng tối đa phòng chống tất cả các loại bệnh đã được tiêm cho trẻ. Bằng không nếu cứ chạy theo thị hiếu, hay đợi có dịch mới tiêm phòng là phản khoa học, phản tác dụng”.

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một hoặc một vài tác nhân gây bệnh cụ thể. Vậy nên, tiêm vắc-xin phòng bệnh như một sự tập dượt để cơ thể sản sinh hệ miễn dịch chống lại bệnh đó. Trong trường hợp dịch đã bùng phát mạnh, bệnh nhân ở trong điểm nóng thì rất có thể đã ủ bệnh nhưng chưa phát tác. Khi đó có tiêm phòng vào cũng không có tác dụng, thậm chí khiến bệnh càng trầm trọng hơn.


Huyền Anh