Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: Tôi cũng lo lắng vì… “gạch đá”!
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương
- Nhiều người nói giám khảo vốn là nghề “được ăn, được nói, được gói mang về” nên nó có lực hấp dẫn với nhiều người. Theo chị đó có là lý do của nhiều sao chọn nghề ngồi ghế nóng, dẫu làm giám khảo hiện nay thì cay đắng nhận về cũng không phải là ít!?
- “Được nói” thì có nhưng “được ăn” và “được gói mang về” thì không đúng đâu! Bởi khi làm giám khảo đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ qua nhiều dự án riêng, đồng nghĩa với việc thu nhập từ công việc chính của bạn hàng ngày bị giảm đi rất nhiều. Các anh chị em ca sĩ thì phải bỏ bớt show diễn, nhạc sĩ bay ra bay vào hàng tuần như tôi thì công việc sản xuất và sáng tác bị ảnh hưởng khá nhiều.
Với lại, tôi nghĩ mọi người luôn muốn thay đổi và làm công việc khác với công việc mình đang làm, và từ “giám khảo” thực sự là rất oai mà không phải ai cũng được mời tham gia vào một cuộc thi lớn nên đầu tiên đó là một niềm tự hào và vinh dự đối với những nghệ sĩ. Và việc được mời vào ghế giám khảo đồng nghĩa với việc bạn được công nhận về sự nỗ lực trong nghề nghiệp và công nhận về chuyên môn.
- Thời gian gần đầy, nhiều vụ giám khảo của các gameshow truyền hình thực tế (THTT) dành cho người nổi tiếng như Cặp đôi hoàn hảo hay Bước nhảy hoàn vũ… bị khán giả “ném đá”, thí sinh “bật” lại ngay trên sóng truyền hình. Chị nghĩ sao về “hiện tượng” này?
- Sự thật thì ở các chương trình THTT, khán giả không chỉ theo dõi thí sinh mà còn theo dõi cả giám khảo xem có nói gì sơ ý không để hôm sau có chuyện để bàn. Tôi chưa thấy một vị giám khảo nào của Việt Nam được khen từ đầu tới cuối, người này thích người kia lại không thích.
Nếu ai cũng nhìn vào đó sợ bị “ném đá” mà không tham gia làm giám khảo nữa thì làm sao tồn tại các cuộc thi nữa. Ai cũng vì cá nhân thì ai sẽ tham gia cống hiến cho các chương trình ấy đây? Tôi luôn tin những người làm chương trình sẽ hết lòng vì chương trình của họ nên họ sẽ tìm hiểu và lựa chọn giám khảo phù hợp với chương trình. Họ cũng là những người lâu năm trong nghề nên không chọn bừa giám khảo đâu!
Có vị giám khảo nói: "Có ngu mới đi làm giám khảo..."
- Người giám khảo nổi tiếng không đồng nghĩa với trình độ chuyên môn của người đó phù hợp với một sân chơi đôi khi đòi hỏi nhiều chuyên môn khác. Và tất nhiên điều này dẩn đến việc thí sinh không phục giám khảo. Chị thấy sao?
- Bạn nói đúng, việc lựa chọn giám khảo nổi tiếng cũng là lẽ đương nhiên để thu hút khán giả. Nhưng tôi nghĩ dàn giám khảo mà họ lựa chọn luôn có người chuyên sâu về chuyên môn và những người đại diện cho tiếng nói của người không có chuyên sâu về chuyên môn nhưng am hiểu về nhiều bộ môn nghệ thuật. Họ cũng là người khá sắc sảo và có tài ăn nói, giúp khán giả có nhiều chiều hơn để hiểu về một tiết mục.
- Vừa rồi có chuyện một nam thí sinh, cũng là một diễn viên khá nổi tiếng tham gia trong một gameshow, khi bị loại, anh ta có phản ứng gay gắt với giám khảo. Chị nhận xét thế nào về trường hợp này?
- Thí sinh phản ứng lại giám khảo đâu chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng vậy, tôi thấy đổ lỗi hết do giám khảo không vững về chuyên môn vậy là không khách quan. Tôi thấy mỗi cuộc thi cũng chỉ 1 hoặc 2 thí sinh phản ứng và lí do khác nhau mà các thí sinh khác dù bị loại họ vẫn tươi cười.
Việc loại đúng hay sai chưa xét đến vì còn phụ thuộc vào khán giả bình chọn nhưng hãy để lại trong lòng anh chị em bạn bè cũng như khán giả một cảm giác tiếc nuối về mình.
Hơn nữa, nếu thí sinh không thích dàn giám khảo thì ngay từ đầu khi được mời tham gia nên từ chối và ngay từ những lúc chưa bị loại nói lên quan điểm của mình thì sẽ khách quan hơn. Hoặc thí sinh có thể gặp riêng giám khảo sau sân khấu sau đêm thi và hãy nói về chuyên môn đúng sai. Tôi nghĩ giám khảo nào cũng sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ.
- Một giám khảo có nên tranh luận hay nói đúng hơn là đôi co qua lại với một thí sinh tỏ ý không phục mình trên báo chí, mạng xã hội như một vài trường hợp vừa qua hay không?
- Đôi co qua lại là không cần thiết và hoàn toàn không nên. Chỉ nên nói một lần về quan điểm của bản thân đặc biệt là về chuyên môn để khán giả có thể hiểu lí do của những quyết định của mình là đủ.
Hòa Hiệp từng phản ứng gay gắt với giám khảo khi bị loại tại Bước nhảy hoàn vũ
- Khi nhận được lời mời làm giám khảo một chương trình, chị cân nhắc nhất những gì trước khi gật đầu đồng ý?
- Tôi cũng đắn đo rất lâu khi nhận lời tham gia Cặp đôi hoàn hảo, đây là cuộc thi của các nghệ sĩ có tên tuổi, tôi cũng lo lắng vì năm trước giám khảo của chương trình bị áp lực lớn quá và nhận “gạch đá” nhiều quá! Nhưng Ban tổ chức đã tin tưởng và yêu mến tôi và mong tôi tham gia cùng anh chị em, cá nhân tôi cũng thấy vinh dự vì dù đây là cuộc thi làm khó cho giám khảo chúng tôi nhất nhưng tôi nghĩ đây cũng là lúc tôi trải nghiệm bản lĩnh của mình ở một cương vị khác.
Ngồi nhận xét phần thi các nghệ sĩ có tên tuổi và nhiều người lớn hơn tôi rất nhiều nên tôi luôn muốn mình thẳng thắn nhưng cũng luôn tôn trọng anh chị em qua những lời khen chê của mình.
Tôi nghĩ đa số họ đều yêu mến tôi, có những cặp thí sinh đã ngừng vẫn lên báo khen tôi như Thảo Trang, Thuận Việt còn thiết kế áo dài cho tôi mặc dịp 30/4 vừa qua. Tôi luôn mong muốn dù là giám khảo cuộc thi nào thì cũng không quên nhiệm vụ là đem lại sự công tâm nhất để mỗi cuộc thi đều tìm ra được những người chiến thắng xứng đang nhất như thế Việt Nam sẽ có được những nhân tài thực sự!
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Có ý kiến cho rằng vì cả thí sinh và giám khảo đều là những người nổi tiếng, mà người nổi tiếng thì thường có cái tôi lớn nên chuyện thí sinh không bằng lòng với giám khảo cũng là điều dễ hiểu. Diễn viên hài Minh Béo – Người đoạt giải “Cặp biểu diễn ấn tượng nhất” của Bước nhảy hoàn vũ mùa đầu 2010 và Hòa Hiệp, thí sinh vừa rời cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2013 chia sẻ về ý kiến này: DV Minh Béo: Nghệ sỹ càng lớn thì việc xử lí các tình huống càng phải văn minh hơn, trí tuệ hơn, cái tôi lớn thì nghệ sỹ đó không lớn. Khi giám khảo ngồi vào “ghế nóng” là ngồi vào vị trí có trách nhiệm cao cả. Giám khảo phải là người có nhiều kiến thức, có trí tuệ, có tính công tâm, nhìn nhận sự việc sâu xa và đúng đắn chứ không phải nói theo cảm tính, rồi tự cho mình là người có quyền hành rồi muốn làm gì thì làm. Còn nghệ sỹ là thí sinh thì phải biết mình đang chơi với chương trình thì phải nhiệt huyết, làm vì khán giả, và truyền hình thực tế thì cần sự khổ luyện và đừng tạo áp lực cho mình. Chúng ta nên nhớ đây chỉ là một gameshow giải trí, nếu bạn cay cú phát ngôn hay hành động không đúng sẽ nhận sự phản hồi từ khán giả và họ sẽ bị mất điểm trong mắt khán giả. DV Hòa Hiệp: Không chỉ người nổi tiếng mới có cái tôi to lớn nên khó có thể đem cái tôi của từng người ra mà so sánh. Điều quan trọng là mỗi người phải có trách nhiệm và hành động đúng chuyên môn của mình chính là cách tốt nhất để tôn trọng lẫn nhau. Nếu ngay từ đầu mỗi người nắm rõ sự tôn trọng thì ắt hẳn những chuyện không hài lòng sẽ khó mà xảy ra rồi! |
Trúc Mai (Thực hiện)
-
Gợi ý giải đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
-
Gợi ý đáp án môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
-
Ngành đường sắt giảm giá vé cho học sinh đi thi và nhập học năm 2024
-
Hà Nội: Gần 106.000 thí sinh làm thủ tục dự thi lớp 10
-
Ba trường hợp thí sinh được miễn tất cả bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024
-
NSND Hoàng Cúc - Biểu tượng của nhan sắc và tài năng
-
Angelina Jolie thuê con làm trợ lý để đích thân rèn giũa kỹ năng làm việc
-
MC Quyền Linh: "Tôi đi đâu, làm gì cũng chụp ảnh báo cáo vợ con"
-
Ngôi sao ca nhạc Charlie Puth xác nhận trình diễn tại Nha Trang trong tháng 7
-
NSƯT Chí Trung tiết lộ quá khứ buôn vải mưu sinh, đủ mua hộp sữa cho con