Nguồn cung hàng hóa dịp Tết 2023 dồi dào, dự kiến giá tăng nhẹ
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm này tại hầu hết các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên cả nước đang khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh minh họa: CTTTTPHCM |
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường. Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Các địa phương triển khai hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm...
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm này tại hầu hết các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên cả nước đang khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tại nhiều địa phương, ngành công thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.
Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các hệ thống phân phối cũng đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.
Giá hàng hóa tăng nhẹ
Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết.
Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Các sở Công Thương địa phương cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa trên địa bàn đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết năm trước.
Bên cạnh yêu cầu các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương TP HCM chuẩn bị hàng tết của TP tăng 15-30%. UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa cho Tết. Sở Công Thương TP HCM cũng tham mưu tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, liên kết với các tỉnh để chuẩn bị nguồn hàng.
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, nguồn hàng về TP HCM qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị (khoảng 25-30%), còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm. TP HCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng. Theo đó, đã có hơn 30.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị cho người dân dịp tết.
Cũng theo ông Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nguồn hàng tết năm nay đảm bảo dồi dào, nhưng về mặt giá cả lương thực, thực phẩm hiện nay có tăng 2-4%, chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn. Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để giữ giá.
Đối với mặt hàng lượng thực thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc bộ, ngành, chủ động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước (thịt lợn, gạo...); các mặt hàng đang có biến động về giá (cá tra, thịt gia cầm...) đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Đồng thời Bộ NN&PTNT yêu cầu tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ; đồng thời theo dõi sát biến động thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như na, sầu riêng, xoài, thanh long, bơ…
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân, nhằm mục tiêu kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023.
Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ NN&PTNT đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh tái đàn và sản xuất con giống, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.
Hiện nay, tình trạng giá heo hơi trong nước xuống thấp và giữ ổn định, giao dịch khoảng 50.000-54.000 đồng/kg. Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão, giá thịt heo sẽ tăng trở lại nhưng mức tăng không cao đột biến.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết 2023 |
Hà Nội tổ chức 91 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán 2023 |
Sân bay Tân Sơn Nhất lên kế hoạch ứng phó lượng khách tăng kỷ lục dịp Tết Nguyên đán |
H.T
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên