Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ngựa cu - Não chúng

07:10 | 23/11/2014

|
Bạn đọc: 1. Trước đây trong Nam hay dùng mấy tiếng “ngựa cu” để chỉ một giống ngựa nhỏ thó. Xin cho biết “cu” là gì và đâu là nguồn gốc của chữ này. 2. Tại sao cảnh sắc mùa xuân tươi tắn đẹp đẽ mà lại làm buồn lòng người. Nếu chẳng phải như thế thì tại sao lại có câu “Xuân sắc não nhân” mà từ điển, chẳng hạn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thì giảng “não nhân” là “làm cho người buồn rầu, đau đớn”? Nguyễn Toàn (TP Vũng Tàu)

Năng lượng Mới số 376

Học giả An Chi: 1. Một số từ hoặc hình vị nay đã đọc thành “câu” thì hồi giữa thế kỷ XVII, thậm chí đến cuối thế kỷ XVIII, vẫn còn đọc là “cu”. Từ điển Annam-Bồ Đào Nha-Latinh (Roma, 1651) của A.de Rhodes còn ghi “chếm cu” thay vì “chấm câu”, “cu lan” thay vì “câu lan (lơn)”, “bồ cu” thay vì “bồ câu’. Nhưng đến Tự vị Annam-Latinh (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine thì đã thấy ghi “chấm câu”, “bồ câu”, “câu lơn”, chứ không còn ghi “cu” cho những trường hợp này nữa. Riêng chữ “câu” trong “bạch câu quá khích” thì vẫn còn được Pigneaux de Béhaine ghi là “bạch cu”.

“Cu” trong “ngựa cu” cũng chính là “cu” trong “bạch cu” nay đã đọc thành “câu”, chữ Hán là 駒, có nghĩa là: 1. ngựa non mà khỏe; 2. động vật còn non tuổi; 3. còn non tuổi nói chung. Trên đây là những nghĩa đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) và chúng tôi đã ghi đúng theo thứ tự đã cho trong quyển từ điển này. Nhưng đây thực ra chỉ là một thứ tự ngược chiều vì đúng ra thì phải là: 1. còn non tuổi; 2. động vật còn non tuổi; 3. ngựa non mà khỏe. Sở dĩ nói đây là một thứ tự ngược chiều là vì chữ câu 駒 bộ mã 馬 chỉ là trường hợp ứng dụng nghĩa 2 (động vật còn non tuổi) cho loài ngựa (còn nghĩa 2 thì chỉ là ứng dụng từ nghĩa 1) mà thôi. Chữ này còn có một số đồng nguyên tự chỉ những con vật non tuổi thuộc giống khác như dê, bò (hoặc trâu), gấu, hổ, mà Vương Lực đã nêu trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr.182) và chim, lợn rồi cả người nữa, như Lưu Quân Kiệt đã bổ sung trong Đồng nguyên tự điển bổ (Bắc Kinh, 1999, tr.65).

Vậy, “cu” trong ngựa cu chính là âm xưa của chữ “câu” trong “bạch câu quá khích”, còn được bảo lưu trong phương ngữ Nam Bộ. “Ngựa cu” vốn có nghĩa là ngựa non mà khỏe, về sau đã chuyển nghĩa một cách “phóng khoáng” để chỉ một giống ngựa vóc nhỏ, bất kể cá thể được nói đến còn non hay đã già. Nếu không phải vì một sự nhạy cảm mà Cao Xuân Hạo từng nói đến (*) thì có lẽ là dân Việt Nam đầu thế kỷ XXI vẫn còn nói “bạch cu” chứ không phải bạch câu vì thực ra chữ câu 駒 là một chữ thuộc vận bộ “ngu”, như đã cho rõ ràng trong tự thư và vận thư.

(*) Cao Xuân Hạo đã viết như sau: “Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour (một kiểu chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm - AC) và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất như trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó”. (“Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Ngôn ngữ, số 2/1985, tr.28).

2. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giảng như thế thì chỉ thích hợp riêng với câu Kiều thứ 34 (Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân”) mà thôi chứ cái nghĩa của hai tiếng “não nhân” thì còn rộng hơn nhiều. “Não nhân” là làm cho lòng người rộn lên hoặc rối lên vì những cảm xúc khác nhau (vui, buồn, chán chê, mê mẩn, v.v…) tùy từng ngôn cảnh. Chính vì thế nên nó mới có mặt trong câu “Xuân sắc não nhân” được. Chẳng có lẽ “xuân khí ái”, nghĩa là không khí mùa xuân dịu dàng (như chúng tôi đã viết trên Kiến thức Ngày nay số 410) mà lại “làm cho người buồn rầu đau đớn”?

Chính vì hiểu nghĩa của chữ “não” một cách quá hẹp như thế cho nên một số người đã đưa ra những lời giảng phi lý. Cung oán ngâm khúc có câu: “Áng đào kiểm đâm bông não chúng”. Hai chữ “não chúng” ở đây đồng nghĩa với “não nhân” và cũng được Nguyễn Lộc giảng là “làm cho mọi người ảo não, buồn rầu” (Những khúc ngâm chọn lọc, tập I, NXB Giáo dục, 1994, tr.131, chth.13). Nàng cung nữ đẹp đến “chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa”, đến “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”, đến “cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”, đến “tai nghe nhưng mắt chưa nhìn” mà “bệnh Tề Tuyên cũng nổi lên đùng đùng” thì chỉ có thể làm cho nhiều đấng mày râu hân hoan, phấn khích chứ sao lại “ảo não, buồn rầu”? Tiếc rằng nhiều nhà chú giải khác cũng đã giảng như trên. Nếu bị hù dọa kiểu đó thì không khéo các bà, các cô sẽ không ai còn dám đi cắt mắt, sửa mũi nữa!                                                               

Trở lại với câu “Xuân sắc não nhân”, xin nói rằng câu này đã được Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Thượng Hải, 1997, tr.134) giảng là “Xuân thiên đích cảnh sắc dẫn khởi nhân đích hứng trí”, nghĩa là “cảnh sắc ngày xuân làm cho lòng người vui thích” (chứ đâu có phải là “ảo não”, “buồn rầu” hay “đau đớn”!).

Xin nêu thêm bài thơ “Hý vịnh lạp mai” của Hoàng Đình Kiên (đời Tống) để chứng minh rằng”não nhân” có nghĩa là làm cho lòng người vui thích (chứ không phải lúc nào cũng ảo não, sầu bi):

“Hoa bội tỏa xuân hàn,
Não nhân hương vị triển.

Tuy vô đào lý nhan,
Phong vị cực bất thiển”

Tạm dịch:

“Nụ vàng ấp xuân lạnh,
Hương quyến rũ chưa bay.
Chẳng được như đào mận,
Cũng thừa phong vị hay”.

A.C