Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nghiền không phải là từ chuẩn

07:00 | 13/04/2014

|
Bạn đọc: Báo Tuổi trẻ ngày 6/4/2014 có bài “Cả đời nghiền... rối” của Đức Triết, nói về niềm đam mê nghệ thuật rối của họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, với đoạn kết như sau: “Đã ngoài 70 nhưng họa sĩ nói chuyện và cười vẫn còn duyên lắm. Ngày trước ông được mệnh danh là đào hoa vì đẹp trai và tài hoa trong từng nét vẽ. Thế mà, thật kỳ lạ khi ông đã đi trọn cuộc đời với người vợ hiền thục. Dụi tắt điếu thuốc mới đốt được một nửa, ông bảo: “Đàn ông kiểu gì cũng nghiền một thứ. Cả đời tôi nghiền thuốc lá, nghiền những con rối là quá... hiền lành rồi!” - phô hàm răng bắt đầu thưa thớt, ông họa sĩ cười rất hiền”. Xin ông An Chi cho biết từ “nghiền” trong bài này có phải là tiếng địa phương trong Nam không? Và có phải đây cũng là chữ “nghiền” trong “nghiền ngẫm”? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Hữu Thông (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức có ghi nhận từ “nghiền” nhưng chúng tôi có hỏi một số thân hữu người Huế - trong đó có cả người trong giới ngữ học - thì được biết rằng đây không phải là một từ thông dụng. Người Huế cũng nói “ghiền” như người Sài Gòn. Trên mạng, cũng có một số người dùng từ “nghiền” này, chẳng hạn:

- “Gọi là nghiền Internet có đúng hay không? Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại nghiền ghê gớm bệnh hoạn như nghiền rượu, nghiền thuốc lá, xì ke, nghiền casino v.v...” (“Nghiền Internet”, nguyentraik22.blogspot.com);

- “Dân nghiền thuốc lá “nhờn” vì quy định không hiệu quả” (Hồng Hải - Khánh Hồng, Dân trí ngày 27-6-2010);

- “Trên thực tế, dân nghiền bia có nguy cơ bị bệnh gout cao hơn dân nghiền rượu” (Việt Linh, “Bia dễ gây bệnh gout hơn rượu”, ykhoanet);

- “Nghiền mạng thật chẳng dễ cai” (Hoàng Hà, 18thang4.com);

- “Eric Lawson có thể là một ví dụ nữa cho phe chống đối thuốc lá về tác hại của sản phẩm nhiều người nghiền này (…)” (“Chàng Malboro đã chết - vì bệnh phổi”, Nguyễn Phương, VienDongDaily.Com, 4-2-2014).

V.v... và v.v...

Nhưng dù cho  từ “nghiền” có thực sự thuộc về một phương ngữ nào của tiếng Việt thì, với chúng tôi, việc sử dụng nó trong ngôn ngữ văn học, trong đó có ngôn ngữ của giới truyền thông, nhất là trên một tờ báo lớn và nhiều uy tín như Tuổi trẻ cũng không phải là một việc làm thích hợp, càng không phải là một việc làm khôn ngoan. Riêng cá nhân mình thì chỉ có vài lần chúng tôi được trực tiếp nghe người miền Bắc nói “nghiền” với người miền Nam để tạo sự thân mật bằng cách tỏ cho người đối thoại thấy rằng mình cũng sành tiếng miền Nam. Nhưng dân miền Nam có ý thức sâu sắc về tiếng chuẩn của miền mình thì không nói “nghiền”, mà chỉ nói “ghiền” (với phụ âm đầu GH-). Còn từ tương ứng với nó trong tiếng miền Bắc thì lại là “nghiện” (thuộc thanh 6, dấu nặng). Chữ “nghiền” trong những dẫn chứng từ mạng mà chúng tôi đã dẫn ra thì chỉ là hậu quả của sự vận dụng từ ngữ thiếu cân nhắc, xuất phát từ sự hời hợt mà thôi. Tác giả Đức Triết đã đặt từ “nghiền” vào nhan đề bài của mình thì đã mặc nhiên xem nó là một từ của ngôn ngữ toàn dân. Đây là một việc làm không đúng. Riêng ở Nam Bộ thì “nghiền” càng không phải là một từ chuẩn. Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994) đã ghi nhận nó như một từ “biến âm” và chú thích trong ngoặc đơn là “cũng như ghiền” nhưng theo chúng tôi thì nó chỉ là một đứa con ghẻ mới bị đẻ rơi gần đây ở Nam Bộ mà thôi.

Vậy từ “nghiền” đang bàn có phải là một với “nghiền” trong “nghiền ngẫm”, như bạn đã hỏi hay không? Dứt khoát là không, vì như chúng tôi đã nhận xét ở trên, nó chỉ là một đứa con ghẻ mới bị đẻ rớt gần đây thôi, nên không thể có quan hệ từ nguyên với “nghiền” trong “nghiền ngẫm” là một từ đã lên lão từ xửa từ xưa. Từ chính thống ở Nam Bộ - mà nó lân la làm anh em - là “ghiền” mà “ghiền” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [健], có âm Hán Việt là “kiện”, gần nghĩa với … “ghiền”. Ta thường chỉ quen với nghĩa “mạnh khỏe” của chữ “kiện”. Nhưng xin đọc những mục phụ sau đây của chữ [健]  trong Mathews’ Chinese English Dictionary thì sẽ rõ:

- 健啖 (kiện đạm), fond of eating;

- 健忘 (kiện vong), forgetful;

- 健訟 (kiện tụng), fond of litigation;

- 健談 (kiện đàm), ceaseless talk; v.v...

Cứ như trên thì ta thật khó lòng cả quyết rằng giữa nghĩa của chữ “kiện” và nghĩa của chữ “ghiền” lại không có tí ti quan hệ bà con nào! Còn về ngữ âm thì K- và G(H)- đã là bà con từ lâu trong lĩnh vực Hán Việt:

- “can” trong “can trường” với “gan” trong “ruột gan”;

- “cẩm” trong “cẩm tú” với “gấm” trong “gấm thêu”;

- “cân” trong “cân cốt” với “gân” trong “gân cốt”;

- “cận” trong “cận viễn” với “gần” trong “gần xa”;

- “cấp” trong “cấp bách” với “gấp” trong “gấp rút”; v.v...

Còn “nghiền” trong “nghiền ngẫm” thì lại là âm xưa của chữ “nghiên” [研] trong “nghiên cứu” [研]. Tại chuyên mục này, chúng tôi từng nói rằng, giữa hai từ Việt gốc Hán là điệp thức của nhau thì từ mang thanh 2 (dấu huyền) xưa hơn từ mang thanh 1 (không dấu): - “dầm” trong “mưa dầm” xưa hơn “dâm” trong “dâm vũ”; - “dì” trong “dì dượng” xưa hơn “di” trong “di trượng”; - “liền” trong “liền kề” xưa hơn “liên” trong “liên hợp”; “màng” trong “mùa màng” xưa hơn “mang” trong “mang nguyệt”; v.v… Vậy chẳng có gì lạ nếu “nghiền” và “nghiên” ở đây là hai điệp thức.

Nhưng vì, về từ nguyên, “ghiền” liên quan đến “kiện” còn “nghiền” (trong “nghiền ngẫm”) thì liên quan đến “nghiên” nên “ghiền” và “nghiền” chẳng có bà con gì với nhau về nguồn gốc. Do đó “nghiền”, biến âm trẹo trọ của “ghiền”, tất nhiên cũng chẳng có liên quan gì với “nghiền” trong “nghiền ngẫm” về mặt từ nguyên.

A.C