Nghệ An tăng tốc triển khai dự án nhiệt điện LNG
Trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 13 dự án nhiệt điện LNG được thực hiện đến năm 2030. Trong đó có dự án nhiệt điện LNG tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Đây là dự án sẽ được triển khai trên cơ sở quy hoạch Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập, có diện tích khoảng 283 ha, thuộc quy hoạch Khu Công nghiệp Đông Hồi, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An. Tổng công suất dự án là 2.400MW gồm 4 tổ máy, chia thành 2 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập II được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009. Giai đoạn 1 được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. Ngày 1/10/2015, TKV đã tổ chức lễ động thổ dự án này, và dự kiến nhà máy đi vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án không được triển khai và đã được đưa ra khỏi quy hoạch.
Phối cảnh của dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập đã bị đưa ra khỏi quy hoạch. |
Tại công văn số 6816/UBND-CN của UBND tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh có ý kiến như sau: “Dự án LNG Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/20123 nhằm phát triển nguồn điện chạy nền, đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An nhận định, việc chậm tiến độ dự án sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh cung cấp điện quốc gia mà còn cả an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ UBND tỉnh đã giao để hoàn thành các nội dung công việc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng các quy định pháp luật. Đồng thời, yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ vào ngày 22 hằng tháng tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, kiến nghị, đề xuất có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án này.
LNG là khí tự nhiên hoá lỏng (Liquefied Natural Gas) có thành phần tự nhiên là CH4. LNG được hóa lỏng bằng nhiệt độ làm lạnh sâu (khoảng -162 độ C) giúp thuận lợi hơn trong việc tích trữ và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Hiện nay, LNG được xem là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường và được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. LNG có thể được sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong các buồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện. Các quốc gia trên thế giới gồm cả Việt Nam không ngừng chú trọng việc lựa chọn và sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, bền vững, ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Việc sử dụng LNG cho lĩnh vực sản xuất điện giúp đảm bảo sự đa dạng các nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, nâng cao bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. |
Hiện thực hóa mục tiêu nhiệt điện LNG theo quy hoạch điện VIII: Cách nào? |
Từ dự án đầu tiên hướng đến hiện thực hóa mục tiêu 22.400 MW nhiệt điện LNG |
Thanh Hiếu
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV