Ngành Ngân hàng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững
Chính sách tín dụng góp phần xóa đói giảm nghèo
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Thời gian qua, diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự góp phần không nhỏ của tín dụng ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã đặt mục tiêu tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế và xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao quà hỗ trợ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn |
Các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn được NHNN xây dựng, trình Chính phủ ban hành và sửa đổi kịp thời với những bước đột phá, ưu đãi phù hợp với xu hướng thị trường, cụ thể như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ; Chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; và Chính sách cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp. Qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn.
Trong tổng dư nợ tín dụng của cả nước hiện nay khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, thì dư nợ đối với lĩnh vực NNNT chiếm 1,65 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng tín dụng trực tiếp cho những hộ nghèo hiện nay khoảng 285 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 tín dụng cho NNNT. Đặc biệt, ngành Ngân hàng cũng đã xây dựng, triển khai những cơ chế chính sách thuận lợi nhất để đảm bảo người nghèo tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, từ điều kiện, thủ tục cho đến thời hạn vay vốn, lãi suất.
NHNN đã ban hành nhiều giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng thương mại phát triển mạng lưới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn lớn (trên 40%) đã hỗ trợ các TCTD ngày càng vươn mở thị phần về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây sẽ là nguồn lực cộng hưởng giúp người nghèo tăng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo, phát triển bền vững.
Không chỉ tháo gỡ khó khăn về vốn cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp thủy sản, thời gian qua, khi phát sinh khó khăn do thiên tai (như rét đậm rét hại năm 2016, thủy sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, mưa bão…), Thống đốc NHNN đã ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ cho vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn để người nghèo ổn định cuộc sống. Các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo đều là đối tượng được quan tâm và ưu đãi nhiều nhất trong quan hệ tín dụng hiện nay.
Ngoài ra, NHNN đã tham mưu Chính phủ các cơ chế huy động cả hệ thống chính trị từ nhân lực đến vật lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó là việc xây dựng chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo theo tiến trình phát triển của họ, hỗ trợ người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững tại NHCSXH. Đến thời điểm này,nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú – Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đại diện ngành Ngân hàng ủng hộ 15 tỷ đồng vào Quỹ Vì người nghèo Trung ương |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: “Chúng ta vẫn thường nói, hỗ trợ người nghèo là cần phải cho cần câu chứ không phải cho xâu cá. Có “cần câu” - nguồn vốn, người nghèo có thêm cơ hội sản xuất kinh doanh, có thêm thu nhập để vượt qua nghèo đói. Và khi có nhiều vốn hơn thì có chăn nuôi, trồng trọt nhiều hơn, sản xuất kinh doanh nhiều hơn và sẽ đảm bảo không tái nghèo. Hay nói cách khác đảm bảo giảm nghèo bền vững hơn.”
Chỉ tính riêng giai đoạn 2002 – 2017, đã có hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn này đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, bao phủ gần 11.000 xã trên toàn quốc. Những con số này đưa NHCSXH Việt Nam vào danh sách một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới mà Tổng thư ký Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) Prasun Kumar Das đã ghi nhận trong chuyến công tác và tham dự hội thảo mới đây tại Việt Nam.
Có thể nói, hệ thống NHCSXH là một trong những kênh chủ lực phục vụ hỗ trợ cho người nghèo vay vốn. Đây là mô hình tín dụng đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Mô hình tín dụng đối với người nghèo này được đánh giá là một thành công lớn của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mô hình ngân hàng này là hiệu quả, trước hết là trên cơ sở nỗ lực của NHCSXH khi tổ chức triển khai chính sách xuống tận bản làng, tận người dân. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi về lãi suất, điều kiện vay vốn, có lẽ một điều đặc biệt nhất đó là sự chăm sóc đối với người nghèo đến từng gia đình. Cán bộ tín dụng của ngân hàng đến trực tiếp gia đình hộ nghèo để cho vay, thu nợ, giải ngân, để hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Không chỉ hỗ trợ thông qua cho vay trực tiếp người nghèo, hệ thống NHTM, TCTD trong cả nước cũng có những hoạt động gián tiếp hỗ trợ người nghèo như cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vùng khó khăn, có nhiều dự án chương trình đầu tư thỏa đáng cho các dự án, các công trình kinh tế, các doanh nghiệp… tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo, tạo hạ tầng cơ sở tốt hơn, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất ra cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Đây là kết quả chung hoạt động tín dụng của toàn Ngành trong thời gian vừa qua.
Ngành Ngân hàng với mục tiêu “Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”
Bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo như tín dụng chính sách, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng luôn chủ động, tích cực triển khai công tác ASXH, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ |
Mục tiêu hướng tới của ngành Ngân hàng trong công tác ASXH trước hết là ý thức cộng động, trách nhiệm với người nghèo, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước là “không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì thế, nhiều năm qua cán bộ nhân viên trong Ngành bằng trách nhiệm cộng đồng, ý thức với người nghèo truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hàng năm đều dành một khoản kinh phí đóng góp cho hoạt động ASXH. Khoản kinh phí này trước hết từ chính nguồn đóng góp của cán bộ nhân viên bằng tiền lương của mình. Hai là từ Quỹ phúc lợi của TCTD, NHTM tạo ra và nguồn chi phí hợp lý được phép sử dụng cho mục đích ASXH này.
Trong năm 2018, hưởng ứng sự vận động của Thống đốc NHNN, với tấm long tương thân tương ái, toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng và cán bộ viên chức của ngành Ngân hàng dành trên 1247 tỷ đồng để triển khai các hoạt động ASXH trên toàn quốc; trong đó đã triển khai 960 tỷ đồng tập trung vào một số chương trình lớn như: Xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng hơn 1.600 căn nhà ở; Xây dựng trường học, trạm y tế, nâng cao điều kiện học tập, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (79 công trình giáo dục, 26 trạm y tế, xe cứu thương...); Xây dựng đường, cầu dân sinh cho vùng khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; Hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng cấp thiết, giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống; Hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa thông qua các chương trình tặng học bổng, tặng quà Tết, chăn, quần áo ấm...; Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phượng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo thương bệnh binh, gia đình chính sách...
Hưởng ứng Tháng hành động cao điểm 'Vì người nghèo' và phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau', tối ngày 17/10, tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội đã diễn ra Chương trình truyền hình trực tiếp 'Cả nước chung tay vì người nghèo' năm 2018. Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia tích cực vào chương trình này. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã vận động toàn thể cán bộ ngành nhắn tin ủng hộ vì người nghèo.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững, là một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết.”
Với sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng..., chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo 2018 đã nhận được hơn 857 tỷ đồng đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội. Riêng ngành Ngân hàng đã ủng hộ 15 tỷ đồng qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương để xây dựng nhà cho các hộ nghèo. Đây là một số tiền lớn, thiết thực, đóng góp to lớn vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Thời gian tới, hưởng ứng cuộc vận động của Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ ASXH đối với các đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nghèo để giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Việt Anh
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024