Ngành Điện lực Pháp trong đại dịch COVID-19
Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, tất cả người dân Pháp sẽ ở nhà và việc ra ngoài chỉ được cho phép đối với những hoạt động thiết yếu đặc biệt. Nguồn ảnh: AFP |
Kể từ đầu tháng 3/2020, Pháp và châu Âu chính thức đối mặt với đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19. Số người nhiễm và chết tại Pháp tăng từng ngày theo cấp số nhân. Toàn bộ các trường học trên toàn quốc đóng cửa vô thời hạn từ 16/3. Kể từ 12h ngày 17/3, Pháp chính thức phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày. Mọi hoạt động "không cấp thiết" đều bị tạm dừng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng lệnh phong tỏa toàn quốc, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cam kết đủ khả năng vận hành 19 nhà máy điện hạt nhân, bao gồm 57 lò phản ứng trên toàn nước Pháp chỉ với 60% quân số trong thời gian phong tỏa nếu cần thiết, nhằm tránh lây nhiễm chéo giữa người lao động.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, EDF vẫn có thể đảm bảo vận hành điện hạt nhân trong 12 tuần với 75% quân số. Trên thực tế, EDF thường xuyên vận hành với số lượng nhân sự tối thiểu (khoảng 120 người cho một nhà máy với 2 lò phản ứng) vào ban đêm và các ngày cuối tuần.
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, EDF vẫn còn trong tay một lực lượng nhân công dự bị (Force d’Action Rapide Nucléaire - FARN) được thành lập sau thảm họa Fukushima năm 2011. FARN gồm hơn 300 người, được tập huấn đầy đủ, sẵn sàng tham gia vận hành các nhà máy điện hạt nhân trong trường hợp không thể huy động đủ quân số chính thức. Năm 2017, các tình nguyện viên trong lực lượng dự bị này đã được huy động ra đảo Saint Martin ngoài khơi Đại Tây Dương để đảm bảo vận hành và bảo vệ nhà máy điện tại đây dưới sự tàn phá của cơn bão Irma.
Tính đến cuối tháng 3/2020, các ca dương tính với COVID-19 đã được xác định tại một vài nhà máy điện tại Pháp. Quân số tại các nhà máy điện hạt nhân, thủy điện và nhiệt điện đồng loạt được cắt giảm ở mức tối đa nhằm hạn chế lây lan. Toàn bộ công nhân viên có thể làm việc từ xa đều được tạo điều kiện làm việc tại nhà cho đến hết lệnh phong tỏa. Riêng tại các nhà máy điện hạt nhân, một loạt các biện pháp bổ sung nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh được đưa ra như: Xóa bỏ phương tiện công cộng đưa đón nhân viên trong nhà máy, dọn dẹp và tẩy trùng thường xuyên nơi làm việc, kiểm tra nghiêm ngặt các phòng điều khiển - nơi dịch bệnh dễ lây lan ở các lần giao ca,…
Tuy vậy, EDF vẫn chưa kích hoạt kế hoạch ứng phó đại dịch (Plan Pandémie) trên toàn quốc. Thay vào đó, Plan Pandémie chỉ được kích hoạt tại thành phố Flamanville - nơi phát hiện các nhân viên đầu tiên của EDF dương tính với COVID-19. EDF duy trì khoảng 100 người luôn phiên có mặt tại nhà máy, thay vì 800 như thường lệ để đảm bảo an toàn cho hai lò phản ứng đang tạm dừng bảo dưỡng từ năm 2019. Kế hoạch hoạt động trở lại của hai lò phản ứng (dự kiến từ ngày 31/5/2020) bị đẩy lùi vô thời hạn.
Toàn bộ các công trường xây dựng đều tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Một nghị quyết ban hành vào ngày 27/3/2020 tiếp tục lùi tiến độ công trường EPR Flamanville vào năm 2024. EDF đang triển khai xây dựng một lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 (EPR- European Pressurized Water Reactor/ Evolutionary Power Reactor). Dự án đã khởi công năm 2007, dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2012 với giá thành 3,5 tỷ €. Sau rất nhiều lần đội vốn và chậm tiến độ, Chính phủ và ngành Điện lực Pháp xác nhận ở lần gần đây nhất rằng, công trường sẽ hoàn thành vào năm 2022 với tổng vốn đầu tư là 12 tỷ €. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của COVID-19, vấn đề này sẽ vẫn còn là một ẩn số.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại Pháp và châu Âu, đồng thời cũng đã ảnh hưởng đến kế hoạch năm của ngành Điện lực Pháp. Ban lãnh đạo EDF thông báo sẽ xem xét để giảm mục tiêu sản xuất điện hạt nhân năm nay (dự kiến từ 375 - 390 tỷ kWh), đồng thời điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch bảo trì thiết bị tùy theo diễn biến của đại dịch. Lợi nhuận năm cũng sẽ giảm theo.
Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu, ở thời điểm hiện tại, không ai có thể đánh giá một cách đầy đủ về những tác động của COVID lên ngành Điện lực Pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đầu ngành đã mạnh dạn dự đoán tác động của COVID-19 có thể còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và bảo dưỡng của EDF đến tận 2021. Chúng ta cùng chờ xem sao.
TS. Nguyễn Hữu Hà (từ Le Havre, Cộng hòa Pháp)
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Singapore mong muốn hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển điện gió ngoài khơi
-
CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
-
Việt Nam có tiềm năng hứa hẹn trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương