Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ngành điện không thể “đơn thương độc mã” (Bài cuối)

08:22 | 14/05/2014

486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiết kiệm điện (TKĐ) là quốc sách, là định hướng trong chính sách phát triển năng lượng và đã được Đảng, Nhà nước cụ thể bằng các văn bản luật, nghị định, quyết định… Ngành điện cũng đã tích cực triển khai các giải pháp TKĐ. Tuy nhiên, tiềm năng TKĐ ở nước ta còn rất lớn và để khai thác triệt để tiềm năng này, ngành điện rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, sâu rộng của cả xã hội, nền kinh tế.

>> Ngành điện không thể “đơn thương độc mã” (Bài 1)

Năng lượng Mới số 320

Bài cuối: Đồng hành với ngành điện

Nhiều rào cản khi triển khai

Trao đổi với Báo Năng lượng Mới, ông Hồ Mạnh Tuấn, Trưởng ban Kinh doanh, Thường trực Ban Chỉ đạo sử dụng TKĐ và hiệu quả PVN cho biết: TKĐ luôn được Đảng, Nhà nước và ngành điện xác định giải pháp ưu tiên, chiến lược, trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện chủ trương này lại là điều không hề đơn giản.

Theo phân tích của Ban Kinh doanh EVN, thiếu vốn chính là một trong những rào cản lớn nhất đối với hoạt động TKĐ tại các doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp TKĐ đã khó nhưng khi doanh nghiệp đồng thuận thì việc triển khai TKĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lại không hề đơn giản. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng công nghệ mới, có hiệu suất cao, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng lại không có vốn đầu tư, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng lại gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, mặc dù TKĐ được xem là quyết sách, là định hướng của Đảng, Nhà nước đề ra nhưng hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, đặc biệt là khối công nghiệp (tỷ lệ sử dụng điện nhiều nhất) áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung và TKĐ nói riêng. Điều này vô hình trung khiến nhiều doanh nghiệp dù rất muốn cải tiến công nghệ, áp dụng các biện pháp TKĐ “bó tay”, đành chấp nhận sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp dẫn tới lãng phí điện năng.

Tuyên truyền TKĐ ở Đà Nẵng

Ngoài ra, ông Hồ Mạnh Tuấn còn cho rằng, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động TKĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Ông phân tích: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có yêu cầu các đơn vị sử dụng “Năng lượng trọng điểm” phải kiểm toán định kỳ 3 năm một lần nhưng trong thực tế, rất ít đơn vị thực hiện bởi mức xử phạt còn thấp chưa đủ tính răn đe, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thái Hà, chuyên viên Ban Quan hệ Cộng đồng EVN thì, nhận thức của các đối tượng sử dụng điện năng về TKĐ còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị còn sử dụng các thiết bị điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp, lãng phí trong sử dụng điện. Việc cắt giảm chi ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước theo chỉ thị của Chính phủ gặp khó khăn, lý do là bởi nhiều cơ quan, đơn vị, công sở thiếu ý thức tự giác khi họ cho rằng “không phải tiền mình bỏ ra”. Ngoài ra, hiện tượng sử dụng điện lãng phí vẫn phổ biến, nhất là ở khu vực công cộng, trụ sở cơ quan, chiếu sáng quảng cáo, chiếu sáng đường phố…

Một điểm nữa, việc giá điện vẫn còn ở mức thấp, không đủ khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Các biện pháp xử phạt còn chưa đủ tính răn đe và thiếu đồng bộ, các cơ chế tài trợ chưa có tính hấp dẫn cao; các cơ quan báo chí chưa thực sự vào cuộc… Thực tế này cũng được ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN đề cập, vì giá điện ở nước ta hiện còn thấp, vẫn nặng cơ chế bao cấp nên việc sử dụng điện còn lãnh phí. Thậm chí, tại một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp còn có tình trạng sử dụng điện theo kiểu “của chùa”. Điều này đã gây nên áp lực rất lớn cho ngành điện trong việc gia tăng sản lượng điện hằng năm, trong khi khả năng tích lũy vốn của ngành lại rất thấp.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Giá năng lượng ở nước ta vẫn mang nặng tính bao cấp. Vì vậy, chính sách phát triển năng lượng, trong đó có chính sách phát triển của ngành điện cần phải được điều chỉnh, cần phải loại bỏ cơ chế xin - cho và phải sớm vận hành theo cơ chế thị trường. Việc thị trường điện cạnh tranh vận hành với 3 cấp độ trong thời gian dài là không hợp lý, không nhất thiết phải hoàn thành xong cấp độ này mới triển khai cấp độ khác để rút ngắn thời gian thực hiện.

Đồng bộ các giải pháp

TKĐ là vấn đề cấp bách nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc và để tháo gỡ điều này, một mình ngành điện không thể thực hiện được. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Thái Hà nói: Để TKĐ cũng như các giải pháp TKĐ thật sự hiệu quả, trước tiên, các doanh nghiệp sản xuất cần phải chủ động thay thế các công nghệ mới, hiện đại có hiệu suất cao để thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu và hiệu suất thấp, ưu tiên áp dụng các công nghệ sạch vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cần thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định và bố trí kế hoạch, thời gian sản xuất phù hợp, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm. Còn đối với người sử dụng, EVN kiến nghị nên chọn mua các thiết bị điện có dán nhãn “ngôi sao năng lượng”, đây là các sản phẩm được sản xuất với công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện, ít gây ô nhiễm môi trường và đã được cơ quan chức năng kiểm tra. Sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm.

Với riêng EVN, ông Tuấn cho biết: hằng năm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN ban hành chỉ thị về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn ngành, để chỉ đạo các đơn vị thực hiện triệt để công tác tiết kiệm điện trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh từ: Nhà máy điện, truyền tải điện tới phân phối điện và sử dụng… Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của hệ thống, hạn chế sự cố, giảm tổn thất điện năng. Giao cho các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% lượng điện sử dụng so với tháng cùng kỳ năm trước. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu (lãnh đạo chịu trách nhiệm); ban hành nội quy TKĐ trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc…

Nói như vậy để thấy rằng, tiết kiệm năng lượng nói chung, TKĐ nói riêng là một quốc sách của đất nước. Nhưng để đạt được các mục tiêu về TKĐ đề ra, mình EVN không thể thực hiện được mà cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương tới địa phương... và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội như hội.

Và để làm được điều này, mới đây EVN đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng và thực hiện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò là đầu mối thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần chỉ đạo và ban hành kế hoạch, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước thực hiện; tăng cường hơn nữa công tác đôn đôc, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương… Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng, phê duyệt chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả địa phương mình; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện của các đơn vị…

Thanh Ngọc