Nên sòng phẳng nhìn nhận việc kích cầu tiêu dùng nội địa
Ngay lần đầu kiểm soát được dịch Covid-19, với hy vọng sớm phục hồi kinh tế sau khi phong tỏa hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã đồng ý thực hiện Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa. Đáng tiếc ngay sau đó, dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành lân cận khu vực miền Trung. Điều này đã kéo theo một số ý kiến phản đối, cho rằng nghĩ đến phục hồi kinh tế vào thời điểm đó là không phù hợp.
Doanh nghiệp có đầu ra, người tiêu dùng mua sắm được đồ tốt với giá rẻ là lợi ích thực tế từ Chương trình khuyến mại quốc gia năm 2020. |
Trong 9 tháng vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam khi tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn, kéo theo sản xuất đình trệ, chi phí lưu kho lớn. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỉ lệ hàng hóa lưu kho ngành công - nông nghiệp đều tăng 30-40%, một số mặt hàng đặc biệt như xăng dầu có thời điểm lưu kho tăng tới 90%. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các khó khăn trên, chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” do Bộ Công Thương khởi xướng đã lập tức thể hiện tác dụng lớn, phần nào giúp doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn.
Theo đó, thông qua chương trình, các thương nhân đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Các địa phương và doanh nghiệp đã phối hợp để triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phục hồi phát triển du lịch.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đã có hơn 27.450 chương trình khuyến mại do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, trong đó: có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại 80-100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại 60-79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại 50-69%. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia đã tác động tích cực đến việc tiêu dùng nội địa trong nước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với tháng trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước, chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ.
Có thể thấy rằng, trong tình trạng phần lớn các quốc gia đang thực hiện “bế quan tỏa cảng” vì phải phòng chống dịch Covid-19, việc kích cầu tiêu dùng nội địa, ổn định cuộc sống của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết và hợp lý. Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng không thể vì thế mà chúng ta khép lại toàn bộ những hoạt động kinh tế, đời sống, văn hóa. Vấn đề cấp bách là phải luôn nêu cao tinh thần chống dịch, mỗi người cần thực hiện đúng, đủ các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, sẵn sàng đối phó với bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh.
Thành Công
"Kích hoạt'' các chương trình kích cầu tiêu dùng và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 | |
Bộ Công Thương tổ chức kích cầu tiêu dùng nội địa | |
TP HCM: Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu |
-
Ngày độc thân săn khuyến mãi giảm 100% độc nhất từ Vietjet
-
TP HCM kích cầu tiêu dùng nội địa mùa cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 30/6: Xuất khẩu gạo mang về gần 3 tỷ USD
-
Ngành bán lẻ của Trung Quốc ảm đạm sau lễ hội mua sắm giữa năm
-
Hà Nội: Phát động Chương trình Khuyến mại tập trung Thành phố năm 2024