Nên phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng tại Việt Nam
Hội thảo này nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh khung chính sách phù hợp cho mô hình này trong tương lai. Hội thảo “ESCO, mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ các hoạt động/mô hình ESCO quốc tế và quốc gia” nằm trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Các khách mời trao đổi bên lề hội thảo về các giải pháp quản lý năng lượng. |
Tham gia hội thảo có ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (DEESD), ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Vụ trưởng của DEESD, bà Trần Thùy Dương - Quản lý Chương trình Năng lượng bền vững, Ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Markus Bissel - Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng của EVEF, ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA), và nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng...
Sự kiện cũng có sự góp mặt của các cán bộ quản lý nhà nước từ các Sở Công Thương và thành phố, cũng như đại diện từ các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Nhiều chủ đề đã được đưa ra thảo luận trong buổi hội thảo như khung pháp lý hiện tại cho ESCO tại Việt Nam, đánh giá từ các chuyên gia pháp lý, và cơ chế tài chính trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam và trên thế giới, những bài học đúc rút từ các dự án ESCO thành công, cũng như kinh nghiệm vượt qua rào cản khi triển khai mô hình kinh doanh ESCO. Tiếp sau hội thảo là chuyến tham quan nhà máy bia Heineken tại Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 40 đại biểu tham dự.
Đây là một trong những dự án ESCO tiêu biểu về cung cấp hơi - điện và sấy khô bã hèm dưới sự hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG). Chuyến tham quan là cơ hội để học hỏi về các công nghệ hiệu quả năng lượng khác nhau đã được Heineken triển khai.
Toàn cảnh hội thảo |
Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được chính thức thành lập vào tháng 6/2017 bởi Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế với mục tiêu tăng cường hợp tác, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức cho ngành năng lượng của đất nước. Mục tiêu chung của VEPG là sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU” đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Phát triển và Hợp tác kinh tế CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai dưới sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam.
Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDCs).
Tùng Dương
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam