Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Mỹ - Trung tranh giành Sudan

07:00 | 11/03/2015

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc vừa chống lại một dự thảo nghị quyết của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), muốn trừng phạt Nam Sudan. Đây là diễn biến mới nhất trong câu chuyện tranh giành Nam Sudan giữa Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời đây cũng là một minh chứng mới nhất về chuyện “bán tháo đồng minh” của Mỹ.

Năng lượng Mới số 402

Từ hơn một năm qua, hai phe lãnh đạo ở Nam Sudan đã mở một cuộc chiến tàn khốc để tranh giành quyền lực. Hội đồng Bảo an LHQ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt, Mỹ cũng đưa ra trừng phạt song phương, nhưng mọi nỗ lực đều vô hiệu. Từ hôm 23/2/2015, đàm phán hòa bình được nối lại ở Addis Abeba (Ethiopia), các nhà trung gian hòa giải xem đấy là cơ may cuối cùng. Hai phe có thời hạn đến ngày 5/3 để chia sẻ quyền hạn trong một chính phủ chuyển tiếp.

Ngày 3/3, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất cho phép áp đặt trừng phạt lên các bên nhằm gia tăng áp lực lên các bên xung đột ở Nam Sudan trong bối cảnh thời hạn chót cho một thỏa thuận đã cận kề. Nghị quyết yêu cầu thành lập một ủy ban trừng phạt chịu trách nhiệm đệ trình lên Hội đồng Bảo an danh sách những cá nhân hoặc tập thể gây bế tắc cho nỗ lực tạo lập hòa bình ở quốc gia châu Phi này. Những đối tượng có tên trong danh sách trên sẽ bị cấm đi lại trên phạm vi toàn cầu và đóng băng tài sản.

Đại diện các phái chính trị Nam Sudan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ tư, trái) sau cuộc đàm phán tại Khartoum tháng 1/2015

Nghị quyết nêu rõ các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng với những người “đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của Nam Sudan”, bao gồm những người gây cản trở các cuộc đàm phán hòa bình, cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, tuyển mộ lính trẻ em hoặc tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Việc thông qua nghị quyết có thể mở đường cho việc áp đặt một lệnh cấm vũ khí đối với Nam Sudan, một biện pháp được Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt ủng hộ. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power khẳng định nghị quyết sẽ trao cho các nhà trung gian châu Phi công cụ hữu hiệu để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Đại sứ Nga Pyotr Ilyichev vẫn bày tỏ hoài nghi, cho rằng việc thông qua nghị quyết có phần hơi nóng vội và các biện pháp trừng phạt có thể mang lại kết quả không mong đợi. Về phần mình, Đại sứ Nam Sudan tại LHQ Francis Deng hối thúc Hội đồng Bảo an kiềm chế tiến hành các bước đi tiếp theo, nhất là việc áp lệnh trừng phạt, để tạo không gian cần thiết cho các bên tiến tới một giải pháp hòa bình thực sự.

Trung Quốc là thành viên phản đối nghị quyết trên dữ dội nhất. Lưu Kết Nhất, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, nói rằng các cuộc thương lượng hòa bình giữa hai phe tranh chấp ở Nam Sudan, phe của Tổng thống Salva Kiir và phe cựu Phó tổng thống Riek Machar đang trong một giai đoạn tế nhị, do đó việc trừng phạt hay đe dọa trừng phạt sẽ làm tình hình phức tạp thêm. Đại sứ Trung Quốc nêu câu hỏi: “Họ đang đàm phán. Áp đặt trừng phạt là gửi đến họ tín hiệu gì, tốt hay xấu, trong khi hai bên đã giải quyết đến 90% các bất đồng. 10% còn lại là trên vấn đề phân chia quyền hạn, rất tế nhị”.

Câu chuyện Sudan tại LHQ thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng. Lịch sử Sudan sẽ cho chúng ta biết thêm một câu chuyện “bán tháo đồng minh” của Mỹ. Nam Sudan (tên đầy đủ là Cộng hòa Nam Sudan) là một quốc gia mới được thành lập vào năm 2011 sau khi tách rời ra khỏi Sudan. Với dân số khoảng 9 triệu, Nam Sudan có khá nhiều sắc tộc, hiếm khi thuận hòa với nhau. Ngay sau ngày tuyên bố lập quốc, Nam Sudan đã rơi vào nội chiến. Hiện nay, hai lực lượng chính đang tranh giành nhau một cách quyết liệt nhất là lực lượng chính phủ của Tổng thống Salva Kiir và một lực lượng khác do cựu Phó tổng thống Riek Machar, người bị Tổng thống Kiir cáo buộc là âm mưu đảo chính.

Khi Nam Sudan tổ chức trưng cầu dân ý để ly khai ra khỏi Sudan vào năm 2011, Mỹ rất ủng hộ. Tờ The New York Times khi đó đã xem sự ra đời của nước Nam Sudan là một tác phẩm của Mỹ. Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và Sudan rất xấu: Mỹ xem Sudan như một nơi chứa chấp bọn khủng bố, do đó, đã ra lệnh cấm vận Sudan trong thời gian khá dài. Giúp đỡ thành lập nước Nam Sudan được xem là một cách để Mỹ giảm thiểu các nguy cơ gây rối từ Sudan.

Để giúp Nam Sudan trong những năm chập chững lập quốc, Mỹ đã đổ ra cả hàng tỉ USD để viện trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở, từ cầu đường đến trụ sở văn phòng chính phủ các cấp và giúp đỡ về quân sự cũng như an ninh. Các nhà chiến lược Mỹ hy vọng với sự ổn định, phát triển và dân chủ ở Nam Sudan, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh tiến trình dân chủ đến các nước chung quanh. Ngoài ra, còn một lý do khác, rất thực dụng: Nam Sudan là nơi khai thác dầu khí lớn hàng thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Nigeria và Angola.

Tuy nhiên, các dự tính của Mỹ chỉ là một giấc mơ. Chính phủ nước Nam Sudan càng ngày càng tỏ ra tham nhũng và bất lực, họ lại không đoàn kết được mọi người. Các tranh chấp giữa các đảng phái và các sắc tộc ngày càng trầm trọng. Tiền viện trợ của Mỹ đổ vào đó như muối đổ biển. Tuyệt vọng với Tổng thống Kiir, Mỹ quay sang ủng hộ cựu Phó tổng thống Machar, để lật đổ chế độ của Nam Sudan. Người mà trước đây Mỹ cáo buộc là “khủng bố”, bây giờ trở thành đồng minh của Mỹ.

Giữa lúc ấy, Trung Quốc nhảy vào giúp Tổng thống Kiir. Họ viện trợ cho Chính phủ Kiir số lượng vũ khí trị giá cả hàng chục triệu USD. Họ cũng đổ hàng tỉ USD giúp Chính phủ Nam Sudan xây dựng các cơ sở vật chất mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Bù lại, họ được quyền khai thác và mua dầu khí của Nam Sudan. Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ đến gần 80% số lượng dầu thô của nước này.

Đầu tháng 1/2015, 180 binh sĩ trong một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 700 người đã được Trung Quốc gửi đến Nam Sudan với sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Số còn lại sẽ tới đây vào tháng 3/2015. Số lính này sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra và đảm bảo an ninh ở thủ đô Juba, Nam Sudan. Quyết định triển khai bộ binh đến Nam Sudan diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký kết thỏa thuận “ổn định và tăng sản lượng dầu thô” với chính phủ quốc gia châu Phi này.

Vấn đề Ukraina hiện nay cũng giống như ở Nam Sudan, nhưng khác biệt ở chỗ: Mỹ đã từng ủng hộ Nam Sudan ly khai với chính quyền Sudan để thành lập một nước Cộng hòa Nam Sudan, trong khi đó, Mỹ và EU lại phản đối sự ủng hộ của Nga về việc ly khai của dân Crưm và dân miền Đông Ukraina. Mỹ lên án Nga hỗ trợ phe ly khai và trừng phạt kinh tế Nga, trong khi đổ tiền tỉ USD giúp chính quyền Kiev trong chiến dịch trấn áp người ly khai miền Đông Ukraina, đồng thời cung cấp lính đánh thuê và vũ khí cho quân đội Ukraina.

Xa hơn nữa trong lịch sử, đây dường như là thói quen thường xuyên của Mỹ. Mỹ từng liên minh với Liên bang Xôviết để chống Ðức Quốc Xã trong Thế chiến thứ 2. Sau đó, Mỹ cổ xúy phong trào xóa bỏ chế độ thực dân của châu Âu, nhưng lại ủng hộ châu Âu chống Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và yểm trợ các chế độ độc tài. Nóng hổi là việc dẹp bỏ phe Taliban tại Afghanistan xong thì Mỹ có thể lại đàm phán với đối thủ cũ và ồn ào công kích đồng minh là làm không nên chuyện, tham nhũng…

Cách làm thường xuyên của Mỹ đã khiến những nước không ở trong quỹ đạo của Mỹ phải cảnh giác. Tất cả đều thể hiện chính sách bành trướng thế lực của Mỹ trên địa bàn thế giới. Mỹ sẵn sàng triệt hạ kinh tế Nga hay bất cứ ai (kể cả Trung Quốc) trên con đường tiến đến vị trí “cường quốc trên thế giới”, cái vị trí không thể thay thế được của Mỹ. Muốn như thế, Mỹ đã và sẽ không ngần ngại sử dụng tất cả đòn phép, thủ đoạn nào để triệt hạ đối thủ của mình, để củng cố ngôi vị “độc tôn của mình”, kể cả những hành động tồi tệ nhất - sử dụng lính đánh thuê và lực lượng khủng bố Al-Qaeda. Nhân quyền và chính nghĩa là những mồi nhử cho những ai còn mơ tưởng một thế giới văn minh và bình đẳng.

S.Phương (tổng hợp)