“Mở khóa đại dương”
“Sức mạnh” của turbine gió trên biển?
Theo đó, báo cáo mới đây được trình bày trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia do Tiến sĩ Anna Possner và Ken Caldeira thuộc Viện Khoa học Carnegie, Đại học Stanford cho rằng: Với việc xây dựng một trang trại điện gió có diện tích khoảng 3 triệu km2 ở Bắc Đại Tây Dương, con người sẽ có thể tạo ra 18 terawatt, tương đương với lượng điện tiêu thụ trên toàn cầu hằng năm.
Cụ thể, vào mùa đông, trang trại gió ở Bắc Đại Tây Dương có thể cung cấp năng lượng đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của dân số trái đất cũng như sự phát triển của nền văn minh nhân loại. “Còn ngay cả trong mùa hè, dù bị giới hạn địa vật lý, nhưng sức gió duy trì ở trang trại này vẫn có thể đủ cung cấp điện cho cả châu Âu”, báo cáo nêu rõ.
Các tính toán mới nhất cho thấy, trang trại phong điện trên biển cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần đất liền (ảnh: AFP) |
Như vậy, trên thực tế việc sản xuất điện từ trang trại gió này sẽ tùy theo mùa, có thể cho công suất thấp hơn vào mùa hè, song các tính toán khẳng định vẫn đảm bảo đủ điện năng để đáp ứng nhu cầu cho cả một khu vực lớn. Được biết, Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra rất quan tâm tới ý tưởng này, song cần thời gian để cân nhắc.
Theo trang RT, nghiên cứu đã tiến hành so sánh bằng phần mềm máy tính về tổng sản lượng của trang trại gió khổng lồ ở Kansas hiện nay với sản lượng tiềm năng của trang trại gió ở Đại Tây Dương. Và đi đến kết luận, nếu đặt ở mặt đất, turbine gió sẽ bị suy giảm tiềm năng so với các turbine đặt trên biển. Điều này do hiện tượng “bóng gió” gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy, một trang trại gió khổng lồ có thể tận dụng triệt để hệ thống áp suất thấp trong mỗi mùa đông, kết hợp hiệu quả với gió biển và gió mặt đất để cho năng suất cao hơn.
Thực tế, năng lượng gió được phát từ một số vùng biển có thể vượt gấp 3 lần hoặc hơn công suất phát điện trên đất liền, bằng cách tận dụng năng lượng động học trong không khí.
Nhà vật lý Charlie Zender đến từ Đại học Califronia bày tỏ ủng hộ lý thuyết của nghiên cứu nói trên, song cho rằng, khó mà triển khai được ý tưởng trong bối cảnh các chính sách năng lượng hiện nay, chưa kể chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì cực kỳ cao cho kế hoạch. Song, nghiên cứu kết luận: “Công nghệ này hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế, có thể tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ cho văn minh nhân loại”.
“Mở khóa đại dương”
Thực ra đây không phải ý tưởng mới lạ trong ngành công nghiệp điện gió thế giới. Bởi ngay từ năm 2015, Scotland đã thông qua dự án mang tên Hywind trị giá 200 triệu bảng Anh về một nhà máy điện gió khổng lồ nổi trên biển. Dự án do Hãng dầu khí Statoil có trụ sở ở Na Uy đề xuất.
Tháng 6 vừa qua, tờ The Guardian cho hay, Hywind đang hoàn thiện những bước cuối cùng và sẵn sàng trở thành người tiên phong “mở khóa đại dương” để tạo ra năng lượng tái tạo.
Theo đó, Nhà máy Điện gió Hywind Scotland Pilot Park sẽ bao gồm 5 turbine lơ lửng trong nước biển, có công suất 6MW. Các turbine này sẽ hoạt động dưới nước ở độ sâu khoảng 100m và được nối với đáy biển bằng một hệ thống neo buộc gồm 3 điểm chốt. Công suất phát điện của nhà máy sẽ là 135GW/giờ/năm. CNBC dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Scotland tuyên bố: “Hywind là dự án rất thú vị về cả phương thức phát điện lẫn tính công nghệ sáng tạo”.
Trước Hywind, Chính phủ Scotland từng phê chuẩn xây dựng nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới, với công suất 10MW, tổng cộng 10 turbine. Với những công trình trên, quốc gia này trở thành một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực công nghệ phong điện.
Tiến sĩ Anna Possner cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, trang trại gió khổng lồ trên biển có thể tận dụng năng lượng gió nhiều hơn trong bầu khí quyển, trong khi đó, các trang trại gió trên đất liền bị hạn chế điều này”… |
Mai Lâm
RT/TheGuardian
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh