Mất điện: Chớ vội kêu trời!
Mất điện do quá tải
Ngay từ đầu tháng 3/2013, Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đã cử các đội làm công tác điều độ điện đến từng khu dân cư xác định, tính toán mức độ tăng lượng phụ tải. Tăng trưởng phụ tải được tính toán căn cứ trên số lượng người dân nhập cư, lượng thiết bị điện mới đưa vào sử dụng nhằm hạn chế, ngăn ngừa sự cố mất điện cục bộ khi bước vào mùa hè nắng nóng. Các tính toán, dự báo chỉ trên lý thuyết, trong thực tế các hộ dân tăng lượng thiết bị điện, bật thiết bị điện trong cùng một thời điểm khiến các tính toán điều độ điện chỉ có tính tương đối.
Trong ba ngày nắng nóng vừa qua, theo EVN Hà Nội cho biết sản lượng điện lên tới 48.800MWh, tăng 12% so với ngày cao điểm nhất của năm 2012, tăng hơn 17,85% so với sản lượng cực đại năm 2011, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2012. Mặc dù không xảy ra sự cố lưới trung áp, mất điện trên diện rộng nhưng một số khu vực bị mất điện cục bộ. Có thể tổng kết nguyên nhân sự cố mất điện cục bộ trong mấy ngày vừa qua là do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hệ thống quá tải gây khiến nhảy at tô mát tại các trạm biến thế.
Hiện tượng mất điện cục bộ xảy ra không phải cá biệt trong mùa nắng nóng năm nay. Mặc dù mỗi năm ngành điện lực đều đưa ra các giải pháp, tính toán nhưng không thể theo kịp thực tế phát triển xã hội. Bên cạnh đó, đầu tư lưới điện, các trạm biến áp vẫn chưa được đồng bộ, vẫn trong cảnh giật gấu vá vai, dây điện san tải kéo như mạng nhện trên khắp các tuyến phố, nhất là khu vực các phố cổ, các khu dân cư mới có mật độ phát triển nhanh.
Anh N.V. Phong nhân viên Ban điều độ điện Công ty Điện lực Đống Đa cho biết: “Mất điện cục bộ chủ yếu thuộc các khu dân cư có mật độ dân tăng đột biến, lượng tiêu thụ điện giờ cao điểm cao đột ngột gây ra các nhiễu động nghiêm trọng trên lưới điện dẫn đến các sự cố gây mất điện như nhảy át tô mát, hỏng tiếp xúc tại các trạm hạ thế, về lâu dài sẽ ảnh hưởng cả đường dây trung thế”.
Các chuyên gia ngành điện cho biết, các sự cố trên cũng chính là sự bình thường trong cái bất thường. Khi các trạm biến áp quá tải, các thiết bị trong hệ thống an toàn sẽ đo được đỉnh điểm lượng phụ tải. Từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp để sửa chữa, san tải, ổn định lượng điện cung cấp trên địa bàn thành phố.
Nhanh chóng cấp điện ổn định
Ngày 17/5, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã gửi lời xin lỗi khách hàng về các sự cố mất điện trong những ngày nắng nóng vừa qua. Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, ngành điện đã đề ra chủ trương không cắt điện trong những ngày nắng nóng trên 35 độ C. Bên cạnh đó, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên khi nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C, sẽ huy động toàn bộ lực lượng trực 24/24 để kịp thời xử lý các sự cố mất điện cho dân. Những ngày qua, những bóng áo da cam liên tục có mặt trên các tuyến đường kéo dây san tải từ các khu vực phụ tải cao sang các trạm biến thế có phụ tải thấp, xử lý các lỗi kỹ thuật như tiếp xúc, đóng áp tô mát trong vòng 30 phút, cắt điện nâng cấp đường dây phải báo trước từ 3 đến 7 ngày.
Bên cạnh đó, EVN Hà Nội tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và nâng cấp các thiết bị điện như thay thế áp tô mát, nâng cấp các trạm biến áp, kiểm tra các tiếp xúc điện như đầu dây, mối nối từ trạm hạ thế, đường dây trung thế… EVN Hà Nội cho biết, khi thời tiết trên 36 độ C, các công ty điện lực quận, huyện của Thủ đô, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội, Trung tâm Điều độ - thông tin đã hoãn kế hoạch cắt điện để sửa chữa, đại tu trên lưới điện khu vực Hà Nội. Mặc dù đã lập lịch đăng ký cắt điện và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó một tuần.
Trước tình trạng nhu cầu sử dụng điện tăng cao gây nhiều bất lợi cho việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng trên địa bàn Thủ đô, các công ty điện lực đã kịp thời nắm bắt thông tin, tìm giải pháp khắc phục, nhanh chóng cấp điện ổn định trở lại cho khách hàng. Riêng Công ty điện lực Đống Đa đã nâng cấp 70 trạm biến áp hạ thế, kéo hằng trăm km đường trục từ dây trung thế, kiểm tra hàng ngàn tủ hạ thế, cáp đường trục, dây điện đến từng hộ dân, sửa chữa các tiếp xúc điện.
Trước đó, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của lưới điện, EVN Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra sự cố. Ngay từ đầu năm 2013, Tổng Công ty đã khẩn trương thi công nâng công suất, hoán chuyển máy biến áp của các trạm biến áp 110kV, nâng cao khả năng truyền tải của các đường dây 110kV, nâng công suất, đại tu các trạm biến áp phân phối, củng cố các đường trục hạ thế bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô.
EVN Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Điều độ thông tin theo dõi sát sao diễn biến phụ tải, đặc biệt lưu ý tình trạng vận hành của các trạm biến áp, các đường dây 110kV, trên cơ sở đó lập phương án cấp điện linh hoạt và hợp lý, hạn chế việc gián đoạn cấp điện do quá tải; kịp thời thông báo tình trạng vận hành lưới điện trên địa bàn để các đơn vị chủ động có phương án san tải, cấp điện phù hợp không để quá tải gây mất điện. Bên cạnh đó, các công ty điện lực quận, huyện có phương án khắc phục ngay đối với các khu vực bị quá tải; đồng thời thường xuyên kiểm tra và phát hiện kịp thời những khu vực có nguy cơ quá tải và có phương án xử lý ngay; tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống quá tải để đưa vào vận hành. Các bộ phận trực điều độ, trực tổng đài đã thực hiện trực đúng quy định, bảo đảm tiếp nhận đầy đủ thông tin của khách hàng, thông báo kịp thời cho các đơn vị có trách nhiệm xử lý và theo dõi việc thực hiện của các đơn vị, không để sót thông tin.
Trong đợt cao điểm mùa khô, nắng nóng, để an toàn xử dụng điện, ổn định lượng điện EVN Hà Nội khuyến cáo khách hàng ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn để tránh tình trạng phụ tải cao khi đóng điện trở lại làm ngắt attomat điện, gây gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng. Đồng thời, để hạn chế việc mất điện do quá tải cục bộ, khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả bằng những việc làm cụ thể như tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, rút phích cắm ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị, lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng…; theo dõi lịch cắt điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để sắp xếp không ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.
Thành Công
-
Tàu hàng vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố điện tại Đồng Nai
-
Trên 3 triệu khách hàng dùng điện khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão YAGI
-
Ứng phó “vòm nhiệt” gây nắng nóng nguy hiểm
-
Pakistan nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ vượt ngưỡng 52 độ C
-
Hà Nội: Xử lý hơn 3.500 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV