Mất 2,36 ngày làm việc để hoàn thiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” |
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong 3 năm qua từ khía cạnh quản lý đăng ký kinh doanh, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết đã có những điểm sáng, thủ tục gia nhập thị trường đơn giản và thuận lợi hơn nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.
Kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tối đa là 3 ngày làm việc. Trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp chỉ là 2,36 ngày làm việc, trong đó có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 2 ngày; công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn.
Tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ đăng ký hồ sơ qua mạng điện tử của cả nước đạt 58,44%, đồng thời, lệ phí đăng ký doanh nghiệp giảm 50% so với quy định trước đây, từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phát biểu tại diễn đàn |
TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho biết thông tin đăng ký DN đã được minh bạch hóa. Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò, giá trị đối với xã hội thông qua sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng truy cập hàng năm. Tính đến nay, tổng lượng truy cập vào Cổng Thông tin này đã đạt hơn 252 triệu lượt. Dịch vụ cung cấp thông tin trên Cổng với các thông tin đa dạng đã góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện để cộng đồng dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của bên thứ ba đối hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những thông tin cần thiết đối với doanh nghiệp như danh mục nghành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh sách doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản và danh sách quản tài viên trên toàn quốc cũng được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, công tác quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập tại các địa phương đã được chú trọng hơn. Các phòng đăng ký kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với những đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, trong năm 2017, số lượng DN, chi nhánh bị thu hồi là hơn 57.000 trường hợp, cao gấp 10 lần so với năm 2016.
“Điều này phần nào cho thấy rằng khung khổ pháp lý thông thoáng, thuận lợi đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, cũng là cơ hội cho một bộ phận cơ sở kinh doanh lợi dụng để trục lợi”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.
Cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, lượng DN thành lập mới cũng là kết quả tích cực trong phát triển doanh nghiệp. Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, trong các năm 2016, 2017, tình hình DN thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng DN và số vốn đăng ký, cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn DN với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127 nghìn DN với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, số lượng DN quay trở lại hoạt động, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, song hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Do đó, để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhất là, cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm.
Nguyễn Hoan