Mafia Nhật Bản bị dồn vào chân tường
Các thành viên yakuza khoe hình xăm tại một lễ hội ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP. |
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, số lượng thành viên của các băng đảng tội phạm có tổ chức (yakuza) ở nước này đã giảm 10% mỗi năm kể từ năm 2011. Chuyên gia nhận định có nhiều lý do dẫn đến sự suy giảm này và một trong số đó là nhờ lực lượng cảnh sát khi sử dụng mọi biện pháp sẵn có để đưa họ vào tù hoặc buộc họ phải hoàn lương.
Các thành viên băng đảng giờ đây không còn nơi để nương náu khi nhiều kẻ bị bắt chỉ vì cố gắng che giấu danh tính hoặc che giấu bằng chứng phạm tội.
Theo Sở Cảnh sát Osaka, vào ngày 7/2 năm ngoái, một số thành viên băng Yamaguchi-gumi, tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản, đã tấn công một thành viên băng đảng đối thủ trên đường phố. Hình ảnh cuộc tấn công đã được camera an ninh ghi lại.
Cảnh sát Osaka đã bắt 5 thành viên băng Yamaguchi-gumi về tội hành hung và yêu cầu băng đảng này tự nguyện giao các băng hình để kiểm tra nhưng họ từ chối tuân thủ yêu cầu.
Sau khi xin được lệnh khám xét, cảnh sát đột kích văn phòng của Yamaguchi-gumi và thu giữ các băng hình liên quan. Tuy nhiên, khoảng thời gian diễn ra vụ tấn công đã bị xóa. Đến tháng 11, cảnh sát Osaka bắt thêm 11 thành viên băng Yamaguchi-gumi về tội cố ý tiêu hủy bằng chứng, cấu thành hành vi vi phạm luật kiểm soát tội phạm có tổ chức.
Một quan chức cảnh sát kỳ cựu, chuyên điều tra những vụ án phạm tội hình sự có tổ chức, cho biết khởi tố các thành viên băng đảng về tội tiêu hủy bằng chứng là chiến thuật mới của cảnh sát Nhật.
"Có thời gian tình trạng bạo lực giữa các băng đảng không được quan tâm đến. Tuy nhiên, dần dần, chúng tôi nhận ra rằng những tội ác như vậy có thể gây liên lụy và làm tổn thương người dân bình thường. Bằng cách khởi tố các thành viên băng đảng về tội tiêu hủy bằng chứng, chúng tôi cũng đang gây thêm áp lực cho tội phạm, buộc chúng phải thú nhận tội ác, giống như thời kỳ trước đây", quan chức cảnh sát nói.
Những quy định chống tội phạm có tổ chức, được áp dụng trên toàn nước Nhật từ tháng 10/2011, không chỉ hình sự hóa việc trả tiền bảo kê cho băng đảng mà còn buộc các ngân hàng, công ty bất động sản hay các công ty khác phải xem xét lại toàn bộ hợp đồng và loại bỏ chúng nếu khách hàng là những băng đảng tội phạm.
Điều khoản trong các mẫu đơn hợp đồng yêu cầu khách hàng phải đánh dấu vào một ô xác nhận họ không phải thành viên băng đảng. Nếu sau đó, các thành viên băng đảng bị phát hiện đánh dấu vào ô này, họ có thể bị bắt về tội lừa đảo.
Tính đến tháng 9 năm ngoái, 59/120 ngân hàng của Nhật đã sử dụng các điều khoản loại trừ để hủy những hợp đồng với các thành viên băng đảng. Hơn 1.300 tài khoản ngân hàng cũng bị đóng vì chủ tài khoản là thành viên yakuza.
Một số thành viên băng đảng cho rằng các quy định trên vi phạm nhân quyền nhưng tòa án Nhật Bản bác bỏ. Trong một vụ kiện liên quan đến việc ngân hàng đơn phương đóng tài khoản của các thành viên yakuza, tòa án tối cao Fukuoka đã phán quyết rằng "điều khoản loại trừ liên quan đến tội phạm có tổ chức là cần thiết để hạn chế những hoạt động kinh tế của băng đảng cũng như hạn chế họ thâu tóm các quỹ".
Tòa nhấn mạnh những điều khoản này được sử dụng để bảo vệ sự yên bình và an toàn của xã hội, vậy nên, chúng hoàn toàn hợp pháp.
Các thành viên yakuza giờ đây cảm thấy bị rơi vào tình cảnh bế tắc. Nếu tiếp tục tìm cách che giấu thân phận hoặc che giấu bằng chứng, họ sẽ bị bắt. Nếu tiết lộ thân phận, họ không thể mở tài khoản ngân hàng, thuê xe hay thuê phòng khách sạn.
Họ cũng có thể bị bắt nếu che giấu thu nhập. Hồi tháng 7/2018, thủ lĩnh băng Kudo-kai ở Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, bị kết tội trốn thuế thu nhập ba triệu USD và tòa đã tuyên án y ba năm tù đi kèm phạt tiền.
Tòa phán quyết rằng các khoản tiền bảo kê mà băng Kudo-kai kiếm được từ công ty xây dựng là thu nhập phạm pháp và một phần khoản thu nhập kể trên được gửi đến cho thủ lĩnh. Điều này khiến các thành viên Kudo-kai cân nhắc phương án công khai thu nhập nhưng nếu làm vậy cũng chính là tự thừa nhận tội.
Người dân thành phố Kobe tham gia một cuộc biểu tình phản đối băng đảng yakuza lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi ở gần trụ sở băng này. Ảnh: Reuters. |
Một số ý kiến nghi ngờ liệu cảnh sát có phải đang đẩy mọi thứ đi quá xa. Hồi tháng 1/2019, đài truyền hình Tokai đưa tin một thành viên yakuza bị bắt vì che giấu thân phận để làm việc tại một bưu điện. Người này đã ký một mẫu đơn trong hợp đồng lao động khẳng định ông không phải thành viên của bất cứ băng đảng tội phạm nào. Sau 4 ngày làm việc, ông thừa nhận mình là thành viên một băng đảng và nghỉ việc. Tuy vậy, ông vẫn bị bắt.
Năm ngoái, đài truyền hình NHK dẫn lời một cựu thủ lĩnh yakuza ở vùng Tokai, miền trung Nhật Bản, cho hay do bị cảnh sát chặn hết con đường làm ăn, các thành viên yakuza ở vùng nông thôn phải hái trộm nông sản của nông để bán kiếm tiền.
Theo một bài báo trên tờ Kobe Shimbun hồi tháng 9/2018, cảnh sát Nhật đã đưa 4.810 thành viên yakuza trở về con đường hoàn lương trong giai đoạn 2010 - 2017, song chỉ 2,6% trong số này kiếm được việc làm. Nhiều cựu thành viên băng đảng từ chỗ là những tên tội phạm còn chút ít đạo đức: không cướp bóc, ăn trộm, lừa đảo, bán ma túy... sau đó nhanh chóng trở thành những tên tội phạm khét tiếng.
Theo giới chuyên gia, việc nhà chức trách Nhật Bản trấn áp các băng đảng là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu các thành viên băng đảng bị đẩy ra khỏi nơi nương náu, họ cần một nơi để cải tạo nhằm tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Vnexpress.net
Băng đảng tội phạm Albania lộng hành ở châu Âu |
Băng đảng mafia 'cá hổ' gieo rắc kinh hoàng ở thành phố Italy |
Người phụ nữ thuê mafia Italy chôn tình nhân cũ trong bê tông |
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí