Lý do lý trấu
Học giả An Chi: Tiếng Việt có một đặc trưng là để bác bỏ, thấp hơn thì để bày tỏ sự dị ứng của mình trước một hiện tượng, một vấn đề, một khái niệm nào và thấp nhất là để đùa tếu một cách dí dỏm, người ta thay thế cái từ diễn đạt khái niệm, vấn đề, hiện tượng đó bằng một từ đồng âm với nó để tạo ra một ngữ đoạn mà nội dung không còn liên quan gì đến hiện tượng, vấn đề hoặc khái niệm ban đầu nữa.
Trường hợp đầu tiên mà chúng tôi muốn nêu làm thí dụ là ba tiếng "tuyệt cú mèo", xuất hiện trong Nam từ trước 1975, được Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) giảng là "tuyệt vời, rất tuyệt, đạt đến mức coi như lý tưởng, không còn chê chỗ nào được nữa". Xuất phát điểm của quán ngữ này là danh ngữ "tuyệt cú" [絕句] của tiếng Hán, đã được nhiều nguồn thư tịch giảng là [绝句,又稱截句、断句,四句一首(…)] "tuyệt cú, hựu xưng tiệt cú, đoản cú, tứ cú nhất thủ" (tuyệt cú, cũng gọi [là] tiệt cú, đoản cú, mỗi bài bốn câu). Vậy "tuyệt cú" vốn là tên một thể thơ mà mỗi bài có bốn câu. Nhưng từ nguyên dân gian đã khiến nhiều người hiểu sai mà mặc nhiên cho rằng, nó có nghĩa là "câu [thơ] hay", rồi hiểu rộng ra là "hay", là "tuyệt". Và khi nó đã được mặc nhiên hiểu như thế này rồi thì người ta lại tếu táo mà đánh đồng chữ "cú" nghĩa là "câu" của nó với "cú" trong tên của một loài chim là loài "cú mèo". Thế là ta có ba tiếng "tuyệt cú mèo", như đã ghi nhận trong từ điển của TS Huỳnh Công Tín, cũng như trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994).
Xin nêu một thí dụ có xuất xứ là miền Bắc. Đó là thành ngữ "cậu ấm sứt vòi" mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là "từ dùng để mỉa mai con nhà quan đã sa sút (cũ)". Thực ra, nói một cách đơn giản thì "cậu ấm" vốn có nghĩa là con trai nhà quan được hưởng phúc ấm của cha ông; rồi nghĩa rộng là con trai nhà quan và nghĩa xấu là con trai được cha mẹ nuông chiều một cách quá lố. Trong "cậu ấm sứt vòi" thì người ta đã biến từ "ấm" của "cậu ấm" thành "ấm" là bình đựng nước mà gắn cho nó cái vòi đã sứt. Ấm mà đã sứt vòi thì… hết xài (nên mới ám chỉ con nhà quan đã sa sút). Có ý kiến cho rằng, "cậu ấm sứt vòi" là "cậu ấm sứt b...".
Hiểu như thế là không biết gì về lối nói đang bàn. Huống chi cái đó - nếu đúng là… nó - thì dai chứ có cứng và giòn như xương, như răng đâu mà... "sứt"!
"Phe" là một động từ mà từ điển Vietlex giảng là "làm việc mua đi bán lại bất cứ hàng hóa gì để kiếm lãi [hàm ý coi thường]". Đây là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ "affaire", mà cái nghĩa hữu quan là công việc buôn bán. Ban đầu, từ này được các doanh nhân, trí thức, người biết tiếng Pháp, v.v..., phiên âm thành "áp-phe". Thời còn mồ ma thực dân Pháp, hai tiếng "áp-phe" chỉ có sắc thái trung hòa và dùng để chỉ những thương vụ ra… thương vụ nhưng về sau nó đã bị ngắt đầu, chỉ còn lại có tiếng "phe" (sẽ ghi là "phe1") để chỉ hành động mua bán ít quang minh chính đại, có khi chỉ diễn ra nơi đầu đường xó chợ hoặc trên những chuyến xe liên tỉnh, v.v... (nên từ điển Vietlex mới chú là "hàm ý coi thường"). "Phe1" có một từ đồng âm nay đã trở thành từ cổ (archaism). Từ "phe" cổ xưa này (sẽ ghi là "phe2") là một từ gần nghĩa với từ "phẩy" còn "phẩy" thì được từ điển Vietlex giảng là "cầm một vật mỏng, nhẹ đưa qua đưa lại để tạo ra gió hoặc để làm bay bụi trên bề mặt". Vì gần nghĩa nên "phe2" và "phẩy" mới được kết hợp với nhau để tạo thành từ tổ đẳng lập "phe2 phẩy", mà từ điển do Văn Tân chủ biên giảng là "đưa đi đưa lại một cách nhẹ nhàng, ung dung". Nhưng sau khi động từ "phe1" xuất hiện và hiện tượng "phe1" xuất hiện trong xã hội "rộ" hơn buổi đầu thì người ta lại "sáng tạo" ra từ tổ "phe1 phẩy", bằng cách thêm "phẩy", vốn chỉ đi chung với "phe2", vào sau "phe1" để chỉ hành động buôn bán bị quan niệm là không chính đáng, không nghiêm túc.
Trong "văn nghệ" thì "nghệ" là nghề; vậy nói nôm na thì "văn nghệ" là "nghề văn". Nhưng, để tếu táo, người ta đã cố ý hiểu lệch từ "nghệ" là nghề thành "nghệ" là một loại củ có thể dùng làm gia vị hoặc dược liệu để đưa một loại củ khác là "gừng" vào mà tạo nên tổ hợp từ "văn nghệ văn gừng". "Gừng" là một loài thực vật chẳng có dây mơ rễ má gì về ngữ nghĩa với "nghệ" là nghề, có nghĩa là nghề, nhưng chính vì thế nên mới góp phần gây cười và làm cho hiện tượng được nói đến mất đi cái vẻ nghiêm túc.
Trong "chính trị" thì "trị" chẳng có dây mơ rễ má gì với "chị" là một từ chỉ quan hệ thân tộc. Nhưng vì, nói chung, ở miền Bắc thì "trị" vốn có phụ âm đầu TR thường được phát âm thành "chị" với phụ âm đầu CH nên nhiều người mới đánh đồng nó với "chị" trong "anh chị" mà nói "chính trị chính em" để làm cho khái niệm "chính trị" mất đi vẻ nghiêm túc. Theo cảm nhận riêng của chúng tôi thì lối nói này ra đời từ những người hay ngại những buổi sinh hoạt hoặc học tập chính tri.
Cá nhân An Chi có bộ Chuyện Đông chuyện Tây 6 tập, mà chúng tôi có gửi tặng một bạn đồng môn ở Chasseloup-Laubat đã sống bên Pháp trên nửa thế kỷ. Có lần từ Pháp về Việt Nam, anh bạn đã hỏi chúng tôi một cách thân mật: "Ê, chừng nào toa mới cho in tập 7 bộ Chuyện đông chuyện đủ của toa vậy?". Chẳng là, ở đây, anh bạn đã cố ý đánh đồng từ "Đông" chỉ phương mặt trời mọc với tính từ "đông" có nghĩa là "gồm nhiều người" nên mới đưa từ "đủ" vào để trêu An Chi. Mà anh bạn còn nói thêm: "Phải có cả tập 7 mới đủ đó nha".
Với hai câu: "Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng" thì "nhị" hiển nhiên là bộ phận sinh sản của hoa và dùng để tả hoa sen trong đầm. Nhưng trong trường hợp sau đây - trường hợp này chỉ xuất hiện ở trong Nam - thì cũng cái từ "nhị" đó, chính nó, không còn trực tiếp nói về "hoa lá cành" nữa mà lại có tác dụng phủ định đối với vấn đề đã được nêu ra trước đó.
Sếp nói với nhân viên:
- Cậu phải hoàn thành bản kế hoạch trong vòng hai ngày.
Nhân viên:
- Nhưng hai ngày thì ít quá, thưa sếp…
Sếp:
- Không nhưng không nhị gì cả. Được thì làm; không được thì nghỉ.
"Nhưng" là một "kết từ biểu thị điều sắp nêu ra ngược lại với ý do điều vừa nói đến có thể gợi ra" (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên). Vậy "nhị" là bộ phận sinh sản của hoa thì liên quan gì đến "nhưng"? Thế mà có đấy. Trong Nam thì "nhưn" được phát âm thành "nhưng"; nói một cách khác, "nhưn" và "nhưng" là hai từ đồng âm. Ngài sếp kia đã thay kết từ "nhưng" bằng danh từ "nhưn" mà người trong Nam dùng đề chỉ cái mà người ngoài Bắc gọi là "nhân" (trong "nhân bánh bao", chẳng hạn). "Nhưn/nhân" và "nhị" đều có chung một đặc điểm là "vật nằm bên trong của một vật khác lớn hơn". Thế là ngài sếp kia đã "cáp đôi" "nhưn" với "nhị" mà tạo nên ngữ đoạn "không nhưn[g] không nhị" để bác bỏ sự viện cớ của nhân viên. Điều quan trọng cần chú ý là ở đây, hai từ được "cáp đôi" với nhau phải đồng nghĩa hoặc ít nhất phải có một nét nghĩa chung.
Cũng là với dụng ý bác bỏ mà bốn tiếng "lý do lý trấu" đã ra đời ở miền Bắc. Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là, nói chung, ở miền Bắc thì "do" đồng âm với "gio", mà trong ngôn ngữ toàn dân là "tro", tức cái chất nhuyễn như bột, còn lại từ một vật đã bị đốt cháy. "Tro/gio", là một khái niệm có thể gợi ý cho ta liên tưởng đến "trấu", tức là vỏ thóc, có thể dùng để rấm bếp. Cứ như thế thì "tro/gio" và "trấu" là hai danh từ có một đặc điểm chung là đều liên quan đến công việc bếp núc. Và hai từ này cũng cùng có mặt trong thành ngữ "bòn tro đãi trấu". Người ta đã tận dụng những điều kiện đó mà đánh đồng "do" trong "lý do" với "gio" là "tro" rối "cáp đôi" nó với "trấu" thành "lý do lý trấu", mà ta thường thấy được dùng để bài bác, thấp nhất cũng là để tỏ thái độ không đồng tình, với cái lý do bị xem là không chính đáng, thấp nhất thì cũng là… vu vơ.
Năng lượng Mới 502
- Tử vi ngày 17/11/2024: Tuổi Tuất xác định mục tiêu, tuổi Dậu sự nghiệp hanh thông
- Tử vi ngày 16/11/2024: Tuổi Tỵ cơ hội thăng tiến, tuổi Dần tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 15/11/2024: Tuổi Sửu sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân bước tiến tích cực
- Tử vi ngày 14/11/2024: Tuổi Mão quý nhân nâng đỡ, tuổi Ngọ tin vui bất ngờ
- Tử vi ngày 13/11/2024: Tuổi Mùi cơ hội thăng tiến, tuổi Thìn gặt hái thành quả
- Tử vi ngày 12/11/2024: Tuổi Thân tài lộc tăng tiến, tuổi Dậu tinh thần dấn thân