Lưới điện Thanh Hóa đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng
Năng lượng Mới số 427
PV: Được biết Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng vào loại bậc nhất cả nước, địa hình lại phức tạp. Vậy xin ông cho biết, chi nhánh lưới điện cao thế Thanh Hóa đã gặp khó khăn gì trong quá trình quản lý, vận hành lưới điện ở Thanh Hóa?
Ông Lê Xuân Thái: Nhiệm vụ của chi nhánh là quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống lưới điện 110kV và trạm 110kV, đảm bảo việc cấp điện cho lưới điện 110kV qua các trạm 110kV để cấp điện cho các cấp điện áp trung áp của khu vực Thanh Hóa. Hiện tại, chúng tôi đang quản lý 14 trạm 110kV của ngành điện và 5 trạm biến áp của khách hàng chuyên dùng như nhà máy xi măng... cùng 500km đường dây 110kV.
Ông Lê Xuân Thái
Thanh Hóa là một trong những địa phương có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, địa hình cũng hết sức phức tạp, hội tụ đầy đủ các yếu tố vùng miền, có cả miền núi, trung du, đồng bằng ven biển và đặc biệt, vùng núi có độ dốc cao. Chính vì vậy, việc quản lý, vận hành hệ thống đường dây phải đi qua nhiều khu vực đồi núi, địa hình hiểm trở nên gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, vì địa bàn quản lý rộng (Thanh Hóa là một trong những tỉnh rộng nhất cả nước, sau Nghệ An, Sơn La - PV) nên việc kết cấu lưới điện 110kV mặc dù đã được cải tạo, đầu tư nhiều nhưng vẫn còn khiếm quyết, chưa tạo thành được thành mạch vòng liên kết để tăng khả năng hỗ trợ giữa các trạm với nhau và linh hoạt hơn trong sơ đồ lưới điện.
PV: Thanh Hóa đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời lên tới 45-48oC, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến. Xin ông cho biết, chi nhánh lưới điện cao thế Thanh Hóa đã có giải pháp gì để đảm bảo việc cung ứng điện được an toàn, thông suốt?
Ông Lê Xuân Thái: Không chỉ mùa nắng nóng và mùa mưa bão 2015, hằng năm, chúng tôi đều thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và trực tiếp là Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đều có kế hoạch, phương án củng cố hệ thống lưới điện trước mùa nắng nóng, mưa bão. Giải pháp chủ yếu là tập trung, cải tạo các vị trí xung yếu có thể đáp ứng một phần nào đó về kết cấu lưới điện. Thứ hai, tập trung về sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và xử lý các khiếm quyết lưới điện.
Có thể khẳng định, hệ thống lưới điện thường xuyên được củng cố, những thiết bị lâu năm, vận hành thiếu tin cậy sẽ dần được thay thế. Và đặc biệt, từ đầu 2015, nhờ hệ thống lưới điện được củng có thường xuyên, mặc dù diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, phụ tải tăng cao đột biến những lưới điện 110kV khu vực Thanh Hóa vẫn vận hành ổn định, không có sự cố xảy ra. Đây là điều được tổng công ty, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đánh giá rất cao.
Thay máy biến áp tại trạm biến áp Đông Vệ - TP Thanh Hóa
Tôi tin rằng, hết mùa nắng nóng năm 2015, lưới điện vẫn sẽ đảm bảo việc cấp điện an toàn.
PV: Những năm gần đây, Thanh Hóa được biết tới là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp nhanh nhất cả nước, phụ tải công nghiệp tăng đột biến. Chi nhánh lưới điện cao thế Thanh Hóa đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Lê Xuân Thái: Hiện tốc độ tăng trưởng phụ tải ở Thanh Hóa vào khoảng 12-13%, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây, các khu công nghiệp phát triển rất mạnh, trong đó có khu công nghiệp đặc thù nhất là Nghi Sơn, Bỉm Sơn... Trước tình thế đó, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, tổng công ty và Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, chúng tôi đã đề xuất các phương án phối hợp với các công ty điện lực của Công ty Điện lực Thanh Hóa. Thứ nhất, nâng công suất tất cả các trạm biến áp để đảm bảo dự phòng cho việc tăng trưởng. Thứ hai, cải tạo và nâng cấp đường dây, trong đó có xây dựng mới và nâng tiết diện đường dây.
PV: Đây mới là giải pháp ngắn hạn?
Ông Lê Xuân Thái: Đúng là như vậy. Việc nâng công suất trạm biến áp, xây mới, nâng tiết diện đường dây chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, khoảng 1-2 năm tới. Để đáp ứng một cách tốt nhất cho phát triển phụ tải, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, chúng tôi đã có văn bản đề xuất đầu tư nâng cấp các đường dây có liên kết đến các khu vực có khu kinh tế, khu công nghiệp đang gần đầy tải để khi phụ tải đưa vào sản xuất thì phải ổn định. Thứ hai, cấy thêm trạm biến áp để giảm mang tính cấp điện, đảm bảo linh hoạt, hỗ trợ giữa các trạm biến áp với nhau. Thứ ba, chúng tôi đã đấu mối và thường xuyên đề xuất với Công ty Điện lực Thanh Hóa để gửi lên cấp trên đầu tư lưới điện trung áp, tức cấp phía dưới 110kV như 35kV, 10kV, 6kV... giữa các trạm 110kV nhằm hỗ trợ giữa các trạm, đồng thời khai thác tối đa công suất hiện có của các trạm.
PV: Trong tính toán lâu dài thì áp lực phụ tải ở Thanh Hóa như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Xuân Thái: Ở Thanh Hóa hiện đã có quy hoạch điện đến năm 2020, có xét đến 2025 và 2030. Trong đó có xác định cấy thêm các trạm 220kV, cụ thể sẽ có trạm 220kV Nông Cống, tăng nguồn cấp điện cho các trạm 110kV để từ đó, hỗ trợ cho lưới trung áp và hạ áp phía dưới.
PV: Như ông vừa nói, Thanh Hóa là địa bàn rất rộng, đường dây lại chạy qua nhiều địa hình phức tạp. Vậy để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, nhất là khi ý thức của nhiều người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, theo ông cần phải có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Ông Lê Xuân Thái: Quả thật đúng như vậy. Đây là vấn đề bức xúc chung của các khu vực miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh có địa bàn rừng, núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, và phức tạp nhất là vấn đề cây cối trong và ngoài hành lang. Ở Thanh Hóa, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp, từ chỉ đạo của cấp trên xuống đến việc tận dụng văn bản phối hợp giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với Bộ Công an. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Sở Công an để phối hợp ngăn chặn việc xâm hại hành lang lưới điện.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành phát tờ rơi đến các hộ dân, không chỉ ở các xã, khu vực có cây cối ở gần hành lang lưới điện cao áp để tuyên truyền về những nguy hiểm, ảnh hưởng nếu vi phạm hành lang lưới điện. Rồi ký cam kết với chính quyền địa phương, với dân. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ dân. Những cây theo quy định nằm ngoài hành lang lưới điện nhưng nếu có nguy cơ khi dân thu hoạch, đổ vào thì chúng tôi đến tuyên truyền, giải thích, thống nhất với dân, khi nào thu hoạch sẽ có phương tiện để thu hoạch cùng với dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân về những nguy hiểm có thể gặp phải nếu tự ý khai thác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành quyết liệt hơn nữa vấn đề này, sớm hoàn thành trước mùa mưa bão để không có chuyện để cây do mưa gió đổ vào đường dây.
PV: Xin cảm ông!
Thanh Ngọc
-
Ứng phó “vòm nhiệt” gây nắng nóng nguy hiểm
-
Pakistan nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ vượt ngưỡng 52 độ C
-
Hà Nội: Xử lý hơn 3.500 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ
-
Từ đêm nay, miền Bắc đón không khí lạnh kèm theo mưa
-
Một số tỉnh miền Trung có thể nắng nóng tới 45 độ C trong ngày 30/4
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4