Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lớp học đặc biệt của thầy giáo cầm bút bằng miệng

06:00 | 10/05/2014

1,397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây mấy chục năm ở Nam Định và TP HCM có những lớp học đặc biệt do một người thầy chỉ viết bằng chân, đó là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Nay tuổi cao sức yếu, nên ông đã “rửa chân gác bút”. Và hơn 5 năm qua, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội có một lớp học đặc biệt của người thầy khuyết tật với mong muốn dạy chữ cho các em nhỏ trong làng. Đó là thầy giáo nghiệp dư Phùng Văn Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến. Thầy Phương dạy học miễn phí cho học trò tại nhà mình.

Năng lượng Mới số 320

Không khuyết tật ý chí

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Phùng Văn Trường không nén nổi xúc động khi nhớ về thời ấu thơ nhiều gian nan, khó khăn. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thuở lọt lòng, anh cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên khi được gần 2 tuổi, đôi chân bỗng dưng yếu đi khiến cậu bé Trường không đứng vững. Gia đình đã đưa anh đi Bệnh viện 103 thăm khám thì nhận được kết quả anh bị chứng liệt gân và cơ không phát triển được. Dù đã cố gắng chạy vạy khắp nơi để chữa trị. Ban đầu anh chống nạng đi lại được nên gắng gượng học hết lớp 8. Sau đó, sức khỏe yếu dần không thể đi lại được nữa nên Trường đành nghỉ học.

Từ khi không thể đến trường, anh chỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ trông cửa hàng tạp hóa. Đôi lúc có khách mua chịu phải ghi chép lại để khỏi bị quên. Trước đây, anh có thể cầm bút viết những nét chữ nguệch ngoạc. Với đôi tay ngày một co quắp, không thể cầm bút viết, chân thì bị liệt nên anh nảy ra ý định tập viết bằng miệng vì nghe nói đâu đó đã có người viết được bằng miệng.

Thầy Trường viết chữ bằng miệng

Những ngày mới học viết, anh Trường thấy khó chịu khi phải kẹp bút chì bé tẹo giữa hai hàm răng. Lúc đầu ngậm mẩu bút ngắn thấy dễ viết nhưng phải cúi xuống thấp, mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng, anh bị hoa mắt. “Cán bút bị hở khiến tôi liên tục chảy nước miếng, nôn ọe. Cổ tôi đau nhức vì không điều khiển được bút đưa lên đưa xuống. Chữ nguệch ngoạc, chán nản, tôi định bỏ cuộc nhưng xem tivi, nghe đài, thấy tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, tôi lại cố gắng”, anh Trường kể.

Với nghị lực, quyết tâm, chịu khó rèn luyện, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã làm chủ được chiếc bút để viết bằng miệng. Năm 2009, trong những lúc chơi đùa với trẻ nhỏ, thấy nét chữ trên vở nhiều em nhỏ hàng xóm nguệch ngoạc, anh đã nảy ra ý tưởng giúp các em luyện viết chữ. Ban đầu là việc dạy chữ cho mấy đứa cháu con em trong nhà. Mấy đứa cháu lại rủ thêm bạn của mình đến nhà học cho vui. Sau một thời gian hàng xóm thấy anh nhiệt tình lại có hiểu biết nên đã sang nhờ anh kèm cặp dạy phụ đạo cho con em họ, tôi cũng vui vẻ nhận, mình biết gì thì chỉ cho các cháu.

Vậy là lớp học đông dần. Mỗi lần dạy các cháu học anh thường xuyên nhắc nhở các cháu phải viết chữ sao cho thật đẹp, cẩn thận. Nhưng anh nghĩ, bản thân không viết đẹp làm sao dạy được các cháu. Vậy là từ việc viết được chữ, anh Trường lại một lần nữa hạ quyết tâm rèn chữ viết sao cho thật đẹp. Khổ công rèn luyện trong vòng nửa năm, chữ viết của anh đẹp dần, giờ ai nhìn cũng phải tấm tắc khen ngợi.

Lớp học của anh không có phấn trắng bảng đen mà chỉ có mấy quyển sách tập đọc, sách làm tính cũ đã rách bìa, long gáy. Thứ giá trị nhất trong lớp học nhỏ bé ấy là bảng mẫu chữ cái được ép nhựa plastic treo trên trường do các thầy, cô giáo trong trường làng đem tặng Trường. Các cháu theo học lớp anh từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí có cả em đang học lớp mẫu giáo lớn. Những cháu nhỏ được anh rèn chữ, cháu lớn anh dạy thêm toán. Có cháu lực học kém sau một thời gian theo học lớp anh đã nắm vững kiến thức cơ bản và vươn lên đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Lớp học của tình thương

Hằng ngày, lớp có hai ca học cho các cháu nhỏ. Ca trưa sau giờ tan học buổi sáng khoảng 10 giờ, các em tới lớp học để rèn chữ, kiểm tra bài cũ được cô giáo giao về nhà làm, xong xuôi mới về ăn cơm. Còn các cháu học buổi chiều thì cứ sau khi tan học, các cháu lại ùa về tiếp tục rèn luyện môn tập viết, tập đọc và làm Toán. Mỗi một ca học như vậy cũng không cố định, thời gian tùy vào lượng bài vở và thời gian tan lớp của các cháu.

Cháu Phùng Thị Thu Thảo, (học sinh lớp 2B, Trường tiểu học Nam Phương Tiến) kể: “Cháu sang nhà bác Trường học toán và tập viết được gần 2 năm rồi. Bác Trường viết chữ bằng miệng rất đẹp và giúp các bạn trong lớp rèn luyện chữ viết, làm bài tập toán. Năm lớp 1 vừa qua cháu cũng được học sinh giỏi và được cô giáo chọn đi thi vở sạch chữ đẹp trong trường”.

Lớp học đặc biệt của thầy Phùng Văn Trường

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đỗ Thị Hợi cho biết: “Gia đình tôi có hai đứa cháu, cả hai đứa đều thích đến nhà thầy Trường học. Nhờ sự dạy dỗ của thầy, chúng học khá hơn. Ở làng này, hầu hết các cháu học sinh đều được cha mẹ đưa đến đây luyện chữ và học theo gương sáng từ thầy Trường...”.

Không dừng lại ở việc luyện chữ, thầy còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống, nên lượng học sinh đến nhà thầy mỗi ngày một đông.

Trong tâm trí của người thầy khuyết tật ấy luôn ấp ủ ngày nào đó mở được một lớp học khang trang để tiếp nhận nhiều hơn các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như anh. Với những học sinh đó, anh không chỉ miễn phí tiền học, mà còn tạo điều kiện để chăm lo cho cuộc sống của các em.

Vượt lên khó khăn, thầy Trường cố gắng truyền nhiệt huyết, lòng ham mê, ý chí vượt khó cho các học sinh. Mỗi khi có học sinh chểnh mảng học hành, anh lại nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các cháu được sinh ra may mắn hơn bác và hơn nhiều người, các cháu được đầy đủ nên phải cố gắng học tập cho tốt, viết chữ phải đẹp, chăm ngoan hơn. Bác viết chữ bằng miệng mà đẹp thế này, các cháu đầy đủ chân tay mà viết xấu thế kia. Các cháu phải cố gắng, bác làm được như vậy là nhờ vào nghị lực, rèn luyện học tập”.

Thầy kiên trì học viết như vậy. Bây giờ, nếu ai chỉ nhìn những nét chữ thầy viết thì khó có thể nghĩ rằng, những nét chữ ấy được viết bằng miệng, chứ không phải bằng đôi tay như bao người khác.

Lớp học đặc biệt của thầy giáo khuyết tật Phùng Văn Trường được duy trì bằng tình cảm và trách nhiệm của người thầy giáo khuyết tật nhưng giàu ý chí và nghị lực. Tiến lành đồn xa, lòng yêu trẻ của Trường đã làm xúc đọng trái tim nhiều người.

 Cảm động trước nghị lực, ý chí của thầy Trường, chị Ngô Thị Hường, một cô gái làng bên đã đem lòng yêu thương. Đến năm 2012, họ làm đám cưới. Mối lương duyên này lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn bởi sự phản đối gay gắt của gia đình Hường. Nhưng chị Hường đã kiên trì và dũng cảm thuyết phục gia đình bằng tình yêu chân thành của mình để về làm vợ thầy. Niềm vui tiếp tục nhân đôi khi một năm sau vợ thầy sinh được một bé trai kháu khỉnh được đặt tên Phùng Thiên Trường Quảng.

Tấm gương vượt lên số phận của thầy Trường được bà con làng xã truyền tai nhau như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Đó là câu chuyện về người thầy viết chữ bằng miệng.

Nguyễn Hoan