Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lòng tốt đặt ở đâu?

07:17 | 29/05/2016

2,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Làm việc chính tức là thiện”, nên “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”. Nhắc lại lời dạy của Bác để chúng ta thêm tự nhủ hãy gắng mỗi ngày làm thêm một việc thiện. Tuy nhiên, câu chuyện về việc lòng tốt đặt không đúng chỗ, về chuyện làm thiện nguyện nhưng giúp không đúng người, đúng việc, thậm chí là cả những nhận xét được coi là dư luận xã hội nhắm vào một hiện tượng hình như đã trở thành đề tài bàn luận của không chỉ khá nhiều học giả, nhà lý luận, mà còn là nỗi day dứt của chính những người đã đem tâm huyết, sức lực, thậm chí cả của cải của mình khi giúp đỡ các đối tượng được coi là dễ bị tổn thương trong xã hội.  

Thế nào là lòng tốt?

Chính câu chuyện làm việc chính trực, việc thiện, được coi là lòng tốt ấy đang đặt ra khá nhiều suy nghĩ khiến chúng ta đôi khi cũng giật mình mà tự nhắc, hãy hiểu cho đúng hơn thế nào là lòng tốt.

Lòng tốt, theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004, có thể được hiểu rằng: Đó là biểu tượng về mặt tâm lý, ý chí, tình cảm và tinh thần của những con người mà ở họ có những biểu hiện đáng quý về tư cách, đạo đức, hành vi ứng xử cũng như quan hệ xã hội, được mọi người đánh giá cao.

long tot dat o dau

Như vậy có thể thấy rằng, nếu bàn đến lòng tốt là phải bàn đến những hành vi ứng xử cụ thể của một đối tượng cụ thể, được dành cho những đối tượng cụ thể và được dư luận đánh giá một cách cụ thể.

Trước hết xin được nói về những người được đánh giá là có lòng tốt. Ở họ, ít nhất họ phải làm được các việc chính trực, bởi nhờ sự chính trực ấy họ mới góp phần giúp cho cái thiện sinh sôi. Từ sự chính ấy, bằng những hành động cụ thể của mình, họ muốn góp phần giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước ổn định cuộc sống.

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, không ai không nhớ đến câu chuyện Thạch Sanh. Hai anh em Thạch Sanh và Lý Thông, một người đại diện cho cái tốt, cái lương thiện, còn một người đại diện cho cái ác, gian manh; để rồi dù gặp muôn vàn hiểm nguy, cái lương thiện và tốt đẹp - mà Thạch Sanh là người đại diện - cuối cùng cũng giành chiến thắng.

Trở lại với câu chuyện cụ thể về lòng tốt hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện về lòng tốt của mọi tầng lớp nhân dân được biểu hiện qua nhiều việc làm khác nhau. Đó là chuyện các trường đại học mở cửa đón những người vô gia cư về ở trong những ngày tết Nguyên đán; là chuyện những thùng bánh mỳ dành cho những người nghèo khó ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chuyện một chị bán ve chai vô ý làm bể chiếc đèn xe ôtô trị giá tới hơn 5 triệu bạc, nhưng người chủ xe cũng vui vẻ bỏ qua; rồi cả chuyện cậu bé chữa giày sẵn sàng sửa giày, dép cho mấy chị bán ve chai và mấy ông đạp xích lô... thực sự là những việc làm đầy cao thượng.

Tất nhiên, để nhận ra đúng bản chất của đối tượng mà người có lòng tốt nhắm đến, thực sự lại là chuyện khác.

Bởi, đôi khi sự dễ dãi, sự cả tin sẽ khiến cho những hoạt động mang tính thiện nguyện trở thành câu chuyện không chỉ vô ích mà còn nảy sinh nhiều hậu họa khó lường. Để rồi, trong chuyện này, chính dư luận lại đặt câu hỏi rằng: Những người được coi là có lòng tốt thật sự kia, chẳng lẽ họ lại không đủ tri thức để nhận rõ cái bản chất của những đối tượng mà họ đã mất công sức tìm hiểu và giúp đỡ ấy, thực chất nó là gì?

Thành ngữ tiếng Việt đã có câu: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Điều ấy có thể hiểu đơn giản là, gặp loại người nào, hãy chọn cách ứng xử đúng với đối tượng ấy.

Lại nói thêm về chuyện lòng tốt. Có lẽ trong từng hoàn cảnh cụ thể, cũng cần xem xét chuyện “đông đảo dư luận xã hội” đứng ra đánh giá hay nhận xét  hành vi ứng xử của một đối tượng cụ thể nào đó, liệu có phải xuất phát từ một nhận thức đúng và đủ về bản chất của hành vi ứng xử ấy, hay đó là những biểu hiện của sự non kém về nhận thức, hời hợt trong suy nghĩ và a dua a tòng theo đám đông. Có lẽ, trong chuyện này, không có gì khác chính là cái thiếu hụt về văn hóa của đôi ba anh hùng bàn phím. Cái phông văn hóa hơi bị thấp mấy, chính là xuất phát điểm của những trò “ném đá” bừa bãi, đang tạo nên một cách ứng xử chợ búa, gióng lên  hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa nhân cách của đôi ba người cho rằng mình thừa chữ.

Lòng tốt nên đặt như thế nào? Ở đâu? Cho đối tượng nào? Đó chính là những điều mà các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, cũng muốn góp cùng.

Nhà viết kịch Chu Thơm:

Đừng hoài nghi và sợ hãi lòng tốt

long tot dat o dau

Trước tiên, cần định nghĩa thế nào về lòng tốt và sự tử tế. Theo tôi, lòng tốt của con người là món quà của thượng đế. Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy” và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nó là những hành động, việc làm cao đẹp xuất phát từ tấm lòng nhằm giúp đỡ người khác mà chẳng đòi trả ơn.

Người có lòng tốt là người có tâm nhàn, luôn hướng thiện nên sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn, hy sinh; không bao giờ tranh giành quyền lợi hay ghen ghét, đố kỵ, cũng không nghĩ xấu, nói xấu cho ai… Biểu hiện của lòng tốt rất dễ nhận thấy, nhỏ là dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất; lớn là cứu người bị nạn, mở lòng từ bi dành cả đời mình làm việc thiện. Nói lòng tốt là của cải nghĩa là lòng tốt được so với của cải, quý giá, quan trọng và cần thiết như của cải.

Lòng tốt còn là tài sản tinh thần nên khi đem tặng người nhận đã thật mừng mà người cho cũng thấy hân hoan. Lòng tốt tiếp thêm cho con người lòng tin, hy vọng, nghị lực. Vì bao nhiêu người tốt ở trên đời sẵn lòng giúp đỡ nên những trẻ em nghèo không nản chí, nản lòng đã cố gắng phấn đấu học hành; những phạm nhân từng một thời lầm lỗi yên tâm cải đổi trên hành trình về với nhân tâm. Trong cuộc sống, lòng tốt khiến con người thông cảm với nhau, giúp đỡ nhau cùng vươn lên, cùng tiến bộ và cùng thay đổi thế giới.

Tôi cho rằng lòng tốt không có tội, không có lỗi. Nó như một con dao, nếu rơi vào tay người có ý thức thì sẽ trở thành phương tiện cứu người; nếu rơi vào tay người quá khích lại trở thành hung khí giết người. Rõ ràng lòng tốt trong chúng ta ai ai cũng có, nhưng sử dụng nó như thế nào cho hợp lý mới là điều đáng bàn.

Thế nhưng càng ngày lòng tốt lại đi cùng với căn bệnh a dua. Chỉ cần động một chuyện gì đó, nhiều người sẵn sàng nhao lên phán xét trong khi chưa chắc đã biết rõ lý do. Đơn cử như vừa biết tin NSND Lan Hương rời khỏi tàu Hải quân ngay trước chuyến đi Trường Sa gần đây, nhiều người, thậm chí không hề biết một chút nào về chuyện đó đã nhân danh lòng tốt, muốn làm trong sạch đội ngũ nghệ sĩ nên phán xét, thậm chí “ném đá”, đòi “tước danh hiệu NSND”… Đó là một kiểu lòng tốt a dua, thiếu suy xét và thiếu khách quan.

Những câu chuyện lòng tốt, sự tử tế không hề thiếu và chúng ta có thể bắt gặp nó ở bất cứ đâu, từ việc nhỏ tới việc lớn. Thế nhưng những hiện tượng như “tập đoàn ăn xin” hay “ăn xin lừa đảo”, “dàn cảnh xin tiền”… cũng không hiếm, thậm chí vẫn đang từng ngày, từng giờ hiện hữu trong cuộc sống. Có một câu châm ngôn hiện đại tôi thấy rất đúng: “Người tốt thì nhiều, người biết điều thì ít”. Thật vậy, lòng tốt của chúng ta đang bị một bộ phận những kẻ không lương thiện lợi dụng để trục lợi, thậm chí là làm giàu. Nhiều lúc lòng tốt của chúng ta không làm họ tốt lên, mà trở thành “miếng mồi” của hành vi bất chính, bất thiện, trở nên ỷ lại, dựa dẫm.

Ví dụ trường hợp cậu bé Hào Anh - nạn nhân của chủ đầm tôm Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm nhiều năm về trước, được cứu ra khỏi hang ổ ma quỷ, để đoàn tụ với cha mẹ, thậm chí giúp tiền bạc để em và gia đình ổn định cuộc sống. Nhưng chính lòng tốt ấy lại gián tiếp biến Hào Anh trở thành một người ỷ lại, chỉ biết ăn chơi đua đòi bằng những đồng tiền từ thiện. Vì vậy, giờ cậu ta không còn là cậu bé đáng thương bị bạo hành năm nào, mà chỉ là một thanh niên hư hỏng và bị bắt giam vì trộm cắp tài sản. Vậy là, vô tình lòng tốt của những người “giải cứu” cậu bé này đã tạo ra gánh nặng cho xã hội.

long tot dat o dau
Đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao quà từ thiện cho trẻ em Tây Bắc

Nhìn thấy người ăn xin cơ khổ, chúng ta cho họ chút tiền lẻ làm phúc, đó là điều đúng đắn. Nhưng có không ít đứa trẻ, cụ già bị các “má mì” của những “tập đoàn ăn xin” lợi dụng trở thành những công cụ kiếm tiền cho chúng, giúp chúng làm giàu trên lòng tốt của người đời. Hay những người cung tiến công đức cho nhà chùa, xây chùa dựng tượng, đúc chuông… nhưng không vì mục đích phát tâm làm phúc, mà vì muốn “đòi hỏi”, “mặc cả” với thánh thần, mong được thần phật trả lại công danh, lợi lộc… liệu có phải là những người Thiện căn?

Thế nhưng không phải vì một cá nhân, một câu chuyện trái tai mà chúng ta hoài nghi hay sợ hãi lòng tốt. Bởi trong cuộc đời, có 5 điều không thể giấu, đó là “giỏi, dốt, giàu, nghèo và sự chân thật”. Vì thế, chúng ta đừng nên mắc căn bệnh hoài nghi và phải sử dụng sự tỉnh táo để nhìn nhận mọi chuyện và để làm việc thiện một cách hữu ích nhất.

Đồng ý rằng, không nên vì những câu chuyện “trái tai gai mắt” mà không làm từ thiện, không chia sẻ lòng tốt với mọi người. Nhưng chúng ta nên làm từ thiện ra sao để lòng tốt ấy không bị lợi dụng, khiến người khác ỷ lại. Có một câu nói tôi cho rằng rất phù hợp cho câu hỏi này, đó là “Cho cần câu, đừng cho cá”. Thế nhưng bản thân người làm việc thiện cũng cần chia sẻ lòng tốt một cách không vụ lợi, không a dua, không quá khích… trước những số phận đang gặp khó khăn. Chỉ cần có tâm thiện thì những trường hợp nào cần giúp, chúng ta vẫn sẽ giúp đỡ hết lòng.

Theo tôi, chúng ta hãy tiếp tục chia sẻ lòng tốt, hãy tiếp tục làm việc thiện trong khả năng của mình, đừng phán xét một cách quá nhẫn tâm nhưng cũng nên tỉnh táo trước những trường hợp khó khăn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam:

Lòng tốt cần đặt đúng chỗ

long tot dat o dau

Câu chuyện về lòng tốt đặt không đúng chỗ chúng ta nên hiểu như thế nào? Đó là những hoạt động từ thiện, thiện nguyện, những giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân trong cộng đồng nói chung dành cho những người không có khả năng, thiếu khuyết về thể chất, tinh thần, đang cần sự giúp đỡ để tồn tại nhưng lại bị lợi dụng. Chính những người cần giúp đỡ có dụng tâm không lành mạnh, thiếu trong sáng. Điều này khiến cho chúng ta bị lãng phí nguồn lực, sự giúp đỡ ấy trở nên vô nghĩa. Thực tế thì đó là chuyện lừa dối, xuất phát cũng từ lòng vị kỷ.

Giờ nhiều khi ra đường, thấy cậu bé ăn xin, người khuyết tật, người già đi bán hàng… chúng ta hoài nghi rằng họ có thật sự đói rách, khổ sở như hình ảnh họ trưng ra. Nhiều khi vừa cho họ tiền, vừa mua hàng cho họ, nhưng thâm tâm vẫn biết rằng số tiền đó tới 80% không vào túi của họ, mà khi về những người đó sẽ nộp lại cho nhóm người quản lý. Việc giúp đỡ này, bản chất cũng là lòng tốt đặt không đúng chỗ. Nhưng căn nguyên sâu xa là sự thiếu lành mạnh, minh bạch trong cộng đồng xã hội chúng ta, để cho vàng thau lẫn lộn, các giá trị bị đảo chiều, xen lẫn với nhau. Thành ra trong rất nhiều trường hợp, người ta nghi ngờ nhưng nhỡ không phải thế thì sao. Do lòng trắc ẩn, lòng tốt nên trong thâm tâm bán tín bán nghi nhưng vẫn chấp nhận rủi ro, lãng phí và tin rằng chắc những người ăn xin, yếu thế đúng nghĩa sẽ nhận được phần nào giúp đỡ từ họ.

Mà không chỉ ở Việt Nam, câu chuyện gây sốc khi ăn mày ở thành phố Dubai kiếm cả ngàn USD mỗi ngày và ở trong những căn hộ sang trọng… Và người ta đua nhau sang Dubai ăn mày, cho thấy sự láu cá ma mãnh, từ những người khỏe khoắn cho tới những người có khiếm khuyết, họ lười lao động nên lợi dụng để kiếm cơm từ mảnh đất màu mỡ.

Những ví dụ ấy cho thấy xung quanh câu chuyện lòng tốt bị lợi dụng, cũng như sự vô liêm xỉ của người xấu đã đánh vào tình thương người, lòng trắc ẩn của người tốt để thủ lợi. Trong những trường hợp đấy cái giả, cái xấu lên ngôi, gần gũi với cái ác. Tuy nhiên xét đến cùng ở một chừng mực nào đó, những người này không lừa đảo trắng trợn, nhưng học lại có ỷ lại, sự mông muội lôi kéo con người ta trì trệ, tiếp nhận sự thụ hưởng như vậy.

Vấn đề đặt ra khi làm việc thiện là cho cần câu hay xâu cá? Nhưng quan điểm của tôi là cần giải quyết được vấn đề cho cả cần câu và xâu cá. Và đặt ra vấn đề chúng ta giúp đỡ thế nào? Nên nhìn ở tầm vĩ mô hơn, đó là xã hội chúng ta cần phải tổ chức lại, để xóa được hoàn toàn hoạt động tổ chức lừa dối trên quy mô lớn như tập hợp trẻ em, cố tình gây thương tích cho trẻ để đi ăn xin, có người lớn tự gây thương tích, sử dụng khổ nhục kế… Làm sao cho hệ thống an sinh xã hội hoạt động một cách khỏe khoắn, lành mạnh để cho những người yếu thế thực sự được nâng đỡ và thực hiện được cái quyền cũng được phát triển của họ. Ở đây, tổ chức an sinh xã hội theo nghĩa rộng lớn, chủ thể lớn là Nhà nước thì mới ổn định. Hiện nay, không cứ là Đà Nẵng mà TP Hồ Chí Minh cũng đang hướng tới thành phố 6 không. Muốn làm được phải có bàn tay sắp xếp vĩ mô chứ không phải tự phát.

Chúng ta lại quay trở lại vấn đề xã hội phải được tái tổ chức, tái cơ cấu lại để cho người yếu thế không có xuất phát điểm tốt, bị thiệt thòi tinh thần thể chất dược nâng đỡ, động viên để phát triển. Và làm sao “dụng nhân như dụng mộc”, quản lý tổ chức mới chấm dứt được hoàn toàn “vàng thau lẫn lộn”.

Xin kết lại bài này với ý kiến của nhà báo Hoàng Minh Trí: “Không ít người cũng luôn bi quan cho rằng, sự tử tế, lòng tốt đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Nhưng theo tôi, bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt. Một vĩ nhân từng nói, đại ý rằng: Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế”. 

Thanh Huyền - Vương Tâm

Năng lượng Mới 526