Lòng tham trỗi dậy… đúng lúc, nhiều người "giàu lên" sau cú sốc
Nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ trong phiên sáng nay |
Tính từ phiên thị trường "sập mạnh" trong ngày 19/1 (có lúc mất hơn 75 điểm) thì đến phiên hôm nay, cổ phiếu "giá rẻ" đã chính thức về đến tài khoản nhà đầu tư (T+3).
Với khối lượng bắt đáy "khủng" ở phiên 19/1 và phiên 20/1 thì ngày giao dịch hôm nay và thứ 2 tuần tới sẽ đứng trước áp lực chốt lời đáng kể. Một số nhà đầu tư đã kiếm được lợi ích lớn, "giàu lên" sau cú sốc.
Đây cũng chính là lý do mà VN-Index sáng nay diễn biến một cách chật vật trên đường tham chiếu. Tạm đóng cửa phiên sáng, chỉ số này tăng 3,53 điểm tương ứng 0,3% lên 1.167,74 điểm, tuy vậy biên độ tăng đang có xu hướng thu hẹp lại.
HNX-Index thậm chí rơi vào tình trạng giảm, đánh mất 2,79 điểm tương ứng 1,16% còn 237,49 điểm. UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,23% lên 77,64 điểm và biên độ tăng cũng đang hẹp dần.
Trước đó, trong ngày hôm qua, thị trường đã có được bước hồi phục mạnh: VN-Index tăng 29,53 điểm (2,6%) lên 1.164,21 điểm. HNX-Index 7,01 điểm (3,01%) lên 240,27 điểm. UPCoM-Index tăng 1,28 điểm (1,68%) lên 77,46 điểm.
Rõ ràng, áp lực chốt lời T+3 đang rất hiện hữu. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư thể hiện rõ nét với thanh khoản bị co hẹp so với những phiên giao dịch trước.
Số lượng cổ phiếu tăng - giảm trên toàn thị trường tương đối cân bằng |
Khối lượng giao dịch trên HSX dừng lại mức 468,62 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 9.711,46 tỷ đồng; HNX có 93,71 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.268,9 tỷ đồng và UPCoM-Index có 68,46 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 510,97 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường với sắc xanh, đỏ đan xen phần nào cũng đã nói lên được tình huống "cân não" đối với nhà đầu tư; có 447 mã giảm, 28 mã giảm sàn, đồng thời cũng có 447 mã tăng, 108 mã tăng trần.
Trong khi nhiều cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng như BID, MBB, TPB, BVH giảm giá, các "ông lớn" gồm VNM, HPG, SAB giảm thì ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản lại bứt phá. BCM và KBC tăng kịch trần, NVL, VIC, VHM, VRE, GVR tăng.
Đáng chú ý, DXG đang áp sát mức trần bất chấp báo cáo tài chính thể hiện kết kinh doanh bất lợi. Mã này tăng 6,1% lên 19.850 đồng.
Cổ phiếu họ FLC cũng được mua vào mạnh và tăng giá. ROS tăng trần lên 4.280 đồng, khớp lệnh gần 29 triệu cổ phiếu, không còn dư bán. FLC tăng 6% lên 5.810 đồng. AMD tăng 1,7%.
Theo một số môi giới chứng khoán thì trong những phiên này chỉ số sẽ cần một vài đợt chỉnh nhẹ, nhà đầu tư không nên lo lắng. Hiện tượng "sập mạnh" như vừa qua khả năng lớn không còn xảy ra.
"Những nhịp nghỉ như thế này là rất bình thường, song đây cũng là dịp để nhà đầu tư cần xem lại danh mục để cơ cấu cho phù hợp, tận dụng những đợt hồi phục mạnh để hiện thực hóa lợi nhuận hoặc loại bỏ bớt các cổ phiếu không hiệu quả", anh Nguyễn Sĩ Hòa, môi giới của một công ty chứng khoán lớn nêu quan điểm.
Chỉ số ở phiên hôm nay gặp bất lợi, bên cạnh nguyên nhân do yếu tố "lượng", cần thời gian để tích lũy đi lên thì thị trường vẫn đang xảy ra những vấn đề bất tiện và đầy khó hiểu.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư phản ánh trong sáng nay cũng như các phiên giao dịch gần đây, bảng giá ở một số công ty chứng khoán không phản ánh đúng mức thị giá của cổ phiếu đang giao dịch ở trên thị trường.
"Tôi thấy rất bức xúc vì hoạt động mua vào bán ra hiện tại chẳng khác gì bị bịt mắt dò đường, không biết giá nào đúng giá nào không đúng. Mấy phiên trước thanh khoản cao thì có thể hiểu, nhưng bây giờ thanh khoản đã nhẹ bớt rồi, sao vẫn xảy ra lỗi loạn giá, nghẽn lệnh như thế này?" - chị Hoàng Thanh Tâm, một nhà đầu tư ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn.
Nói về triển vọng của thị trường, chuyên gia MBS cho biết, về kỹ thuật, thị trường đã xác nhận quá trình đảo chiều xung quanh mốc 1.100 điểm là bước tạo đà để thị trường vào sóng tăng mới. Với đà tăng mạnh mẽ như hiện nay MBS cho rằng thị trường có thể hướng tới mục tiêu 1.200 trong những phiên sắp tới.
Theo Dân trí