Lợi nhuận tại MSB giảm tốc do đâu?
Lãi tiền gửi "bào mòn" lợi nhuận tại MSB
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này thu về 3.548 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch năm.
Chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao là yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận tại MSB và các ngân hàng khác tăng trưởng chậm trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Việc chi phí lãi tiền gửi gia tăng đột biến là hệ quả của “cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong quý cuối năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 11, 12/2022, lãi suất cao nhất tại MSB đã lên tới 9,4%/năm và nhiều ngân hàng khác cũng tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm lên mức trên 9%/năm, thậm chí có ngân hàng lên mức 10%,11%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của ngân hàng tăng, làm tăng chi phí các sản phẩm dịch vụ bán ra cho khách hàng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng chậm lại hoặc giảm.
Theo BCTC hợp nhất quý II/2023 tại MSB, 6 tháng đầu năm 2023 chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng đột biến 143% so với cùng kỳ, lên mức 5.126 tỷ đồng. Trong đó, chi phí trả lãi tiền gửi đã tăng tới 172% so với cùng kỳ, lên mức 4.016 tỷ đồng, chiếm tới 78% tổng chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự.
Ngoài chi phí trả lãi tiền gửi, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá cũng tăng lên là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng giảm tốc trong 6 tháng đầu năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2023///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm nay, MSB cũng ghi nhận các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ 2022. Gây chú ý nhất trong số này là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận hơn 902,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ ở mức 55,6 đồng.
Diễn biến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến tại MSB không gây nhiều bất ngờ nếu nhìn vào bảng phân tích chất lượng tài sản của ngân hàng.
Cũng như biến động nợ xấu tại một số ngân hàng khác, cả 3 nhóm nợ xấu tại MSB đều có mức tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm 2023.
Cụ thể, tính đến 30/6/2023, nợ xấu ghi nhận gần 3.500 tỷ đồng, tăng tới 69% so với đầu năm. Trong mức tăng này, nợ xấu ở nhóm nợ nghi ngờ tăng tới 169% so với đầu năm, lên mức 1.190 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng mạnh 56% lên mức 961 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 33% lên hơn 1.345 tỷ đồng.
Chi tiết nợ xấu tại ngân hàng MSB (nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2023)///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Chi phí trả lãi tiền gửi tăng mạnh cùng với các khoản chi phí hoạt động khác và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều có mức tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm là các yếu tố khiến kết quả lợi nhuận của MSB giảm tốc.
Rủi ro tiềm ẩn
Bên cạnh nợ xấu tăng thì nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại MSB tăng vọt 177% so với đầu năm, từ mức gần 1.674 tỷ đồng lên mức gần 4.633 tỷ đồng.
Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Hơn nữa, lãi dự thu (các khoản lãi và phí phải thu) tại MSB tính đến 30/6/2023 tăng tới 36% so với đầu năm, từ 2.808 tỷ đồng lên mức 3.811 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Như vậy, chất lượng tín dụng của ngân hàng khả năng đang có dấu hiệu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng.
Trước đó, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.
Còn TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 thì trong 12 tháng giãn nợ, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
“Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, không ít khách hàng bất hợp tác, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng. Việc xử lý nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian, chi phí và kém hiệu quả”, ông Hùng nói.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023 đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.
Huy Tùng - Hà Phương
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh